Đó là Khôi, Đô, Bình, Tony, Hải, Vân Anh, Kim. Khôi đã đoạt danh hiệu kỷ lục gia về tung 8 bóng, đội 1 chai nước, đi xe đạp 1 bánh trong thời gian lâu nhất, còn Hải đoạt danh hiệu kỷ lục gia về tung 3 bóng, đội 3 chai nước, đứng trên 3 con lăn trong thời gian lâu nhất. Năm em còn lại trong Top 7 đều đã đoạt các danh hiệu “Biệt tài tí hon”.
Trường Hoa Xuyến Chi đã trở thành một thương hiệu giáo dục uy tín trong lĩnh vực đặc thù: giáo dục, huấn luyện trẻ tự kỷ thành tài. Triết lý “Có tật ắt có tài” của thầy Tuệ Tâm – người sáng lập học viện và trường Hoa Xuyến Chi được nhiều bài báo nhắc đến, được coi như một phát kiến táo bạo nhất trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Bộ sách dạy kỹ năng sống gồm 9 tập do đội ngũ giảng viên trường Hoa Xuyến Chi biên soạn được phát hành vào các trường phổ thông với số lượng lên tới hơn 5 triệu bản.
Liên tiếp những thành công của trường Hoa Xuyến Chi khiến trường có sức hút mạnh mẽ. Giới nhà giàu bắt đầu để mắt tới sự thành công của trường. Thầy Tuệ Tâm và giám đốc Vũ Đức đã tiếp kiến một số nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đến thăm nhà trường. Họ ngỏ ý muốn đầu tư, mở rộng mô hình giáo dục đặc biệt theo phương pháp của thầy Tuệ Tâm phát kiến ra. Thậm chí, một số chuyên gia giáo dục quốc tế cũng đã đến tham quan trường Hoa Xuyến Chi, phỏng vấn phụ huynh, giảng viên, huấn luyện viên và thầy Tuệ Tâm, và bày tỏ sự ngưỡng mộ trước thành quả của phương pháp huấn luyện đặc biệt cho trẻ tự kỷ ở đây.
Họ cũng thể hiện mong muốn được nghiên cứu kỹ lưỡng phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ của thầy Tuệ Tâm để đưa vào các hội thảo khoa học quốc tế, phát triển phương pháp này thực sự hiệu quả rộng rãi trên toàn cầu.
Thầy Tuệ Tâm cùng đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên trường Hoa Xuyến Chi rất hào hứng với những tiềm năng mới mở ra trước mắt. Thầy lập tức triển khai nhóm biên soạn nội dung bộ giáo trình huấn luyện trẻ tự kỷ theo phương pháp thiền động trong môi trường sống theo phong cách sống bộ lạc. Các trẻ tự kỷ, khi tới với trường Hoa Xuyến Chi, các em sẽ sống nội trú, tạo thành một bộ lạc khăng khít.
Không cần quá nhiều giảng viên và huấn luyện viên, bởi tự các em đã có thể huấn luyện cho nhau, em lớn huấn luyện em nhỏ hơn, em đã thành thạo kỹ năng sẽ dẫn dắt em mới nhập học. Cứ như vậy, các em phát triển thành người có ích, trong một cộng đồng bình đẳng, không bị kỳ thị, không bị phân biệt, bởi ai cũng giống ai. Điều vui mừng nhất đối với các em, đó là dịch chuyển từ “người đáng thương”, trở thành “người phi thường”.
Chẳng hạn như trường hợp của bé Tony ở Quảng Ninh. Bố mẹ em thường có cảm giác xấu hổ mỗi khi đưa em ra ngoài. Tony thích phá tung khóa, hoặc phéc-mơ-tuya bất cứ cái túi, cặp nào hiện ra trước mắt em rồi giũ tung đồ bên trong ra ngoài.
Mỗi khi bố mẹ cho em đi chơi bên ngoài mà lơ là một chút xíu thôi, là Tony đã giật một cái túi của người khác, mở tung khóa làm cho bố mẹ em rất xấu hổ. Những hành vi kỳ cục của em khiến người ngoài nhìn em với ánh mắt thương hại, khiến những tiếng xì xào rì rầm luôn nổi lên sau lưng bố mẹ Tony. Có người ác miệng còn nói, không biết kiếp trước bố mẹ Tony ăn ở ra sao mà kiếp này sinh ra đứa con kỳ cục vậy, bị đày ải suốt đời.
Khi Tony được vào sống trong trường Hoa Xuyến Chi, em đã bớt thói xấu phá khóa lục túi người khác. Hơn nữa, em được thầy cô phát hiện năng khiếu thuyết trình bằng tiếng Anh, huấn luyện cho em một bài thuyết trình dài tới 5 phút. Và chẳng bao lâu sau, Tony đã trở thành một người dẫn chương trình xuất sắc trong ngôi nhà chung Hoa Xuyến Chi.
Nhà trường thường tổ chức những chương trình biểu diễn tài năng, đưa các em đi biểu diễn ở các nơi mà thầy Tuệ Tâm giảng dạy kỹ năng sống. Chương trình 15 phút biểu diễn tài năng của các em tự kỷ trường Hoa Xuyến Chi đã trở thành màn khởi động năng lượng nhất, hấp dẫn nhất mở đầu cho các bài giảng kỹ năng sống của thầy Tuệ Tâm.
Trước một cộng đồng các doanh nhân khởi nghiệp, thầy Tuệ Tâm thường khuyến khích, rằng các bạn đã thấy những gì mà một trẻ tự kỷ có thể làm được, thì không đỉnh cao nào là không thể chinh phục đối với những người được tạo hóa ban cho nhiều may mắn hơn như các bạn.
Tuy đã tiếp xúc với một số nhà đầu tư tiềm năng, nhưng thầy Tuệ Tâm vẫn chưa quyết định sẽ chọn nhà đầu tư nào để đi đường dài với thầy trò trường Hoa Xuyến Chi. Thầy mong muốn tìm được nhà đầu tư đủ tâm, tầm, và không quá kỳ vọng vào mục tiêu lợi nhuận tài chính trong ngắn hạn.
Có một đại gia bất động sản tìm đến thầy Tuệ Tâm, bảo rằng, ông ta nhìn thấy ở trường Hoa Xuyến Chi một cái mỏ kim cương. Ông sẽ thuê một đội ngũ các nhà khoa học lập nên một công trình nghiên cứu khoa học bài bản nhất, dựa trên thành công thực tế trong huấn luyện trẻ tự kỷ thành tài của nhà trường.
Từ công trình khoa học được công nhận, lập giáo trình lý thuyết giảng dạy, lập dự án xin quỹ đất, đầu tư mở rộng nhà trường, thu hút cả trăm ngàn trẻ tự kỷ khắp cả nước về học tập, sinh sống, thậm chí thu hút cả học trò tự kỷ ngoại quốc về đây, tạo nên một nền tảng, một thế giới mới của người tự kỷ, sẽ thu hút nguồn tài chính lớn từ các chính phủ, và các tổ chức phi chính phủ,…
Nhìn ra ánh mắt hau háu lộ rõ bản chất tham lam của vị doanh nhân bất động sản, thầy Tuệ Tâm chỉ cười nhẹ, cảm ơn sự quan tâm của ông ấy và hẹn gặp lại. Vị doanh nhân ấy sẽ chẳng thể nào chấp nhận mục đích của thầy Tuệ Tâm, đó là phát triển tài năng cho từng em tự kỷ một cách toàn vẹn nhất, cho các em được sống trong môi trường đầy yêu thương và tự do, không bị sức ép tiền bạc nào.
Chưa tìm ra được một nhà đầu tư nào thực sự thấu cảm được thế giới tinh thần của trẻ tự kỷ, nhưng thầy Tuệ Tâm vẫn tin rằng, sẽ đến một lúc nào đó, lý tưởng của thầy sẽ được ai đó hiểu ra, tự nguyện liên kết và đồng hành. Khi nhà đầu tư tốt chưa đến, mỗi người trong học viện Hoa Xuyến Chi, trong nhà trường, cũng chính là nhà đầu tư. Họ đầu tư tâm sức, niềm tin, tình yêu và đam mê.
Và niềm hạnh phúc mà họ có được chính là việc tìm ra sứ mệnh của mình ở nơi đây, phát triển các em tự kỷ và phát triển chính mình, được sống tận lực trong từng giây phút và khám phá tiềm năng của mình từng giây phút.