Đổi lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT: Sát sao cùng học trò

GD&TĐ - Thời điểm cuối học kỳ I năm học 2024 - 2025, nhiều trường ghi nhận học sinh lớp 12 mong muốn chuyển đổi lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT.

Cô trò Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Những học sinh này cần được hỗ trợ bổ sung, củng cố kiến thức, ổn định tâm lý để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Sau khi tiếp cận, làm và được giáo viên phân tích kỹ đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT công bố vào tháng 10/2024, nhiều học sinh Trường THPT Minh Đài (Tân Sơn, Phú Thọ) có nguyện vọng thay đổi môn thi.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng, tỷ lệ học sinh lớp 12 thay đổi môn thi là 15%; trong đó Tiếng Anh là môn có học sinh chuyển nguyện vọng sang thi môn khác nhiều nhất. Khi học sinh có nguyện vọng, vai trò của giáo viên bộ môn hết sức quan trọng trong việc tư vấn cho các em nên đổi hay không; đồng thời có ý kiến cụ thể về từng trường hợp với ban chuyên môn.

Đầu tháng 11/2024, nhà trường bố trí cho học sinh thay đổi môn thi học ôn theo môn mới. Với những em này, giáo viên bộ môn phải đặc biệt chú ý để bố trí thời gian phụ đạo thêm sau thời gian học ôn theo lớp.

Cô Nguyễn Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm, Vĩnh Long) cho biết, thời điểm này, nhà trường có 12 học sinh thay đổi lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Thay đổi môn thi muộn khiến các em gặp khó khăn trong bắt kịp kiến thức của môn mới, đặc biệt những môn có khối lượng kiến thức lớn.

Nhà trường cũng phải tổ chức lại lớp ôn tập, đảm bảo giáo viên và tài liệu phù hợp. Thời gian ôn có hạn, trong khi nội dung kiến thức cần bao quát lớn tạo áp lực lên giáo viên và học sinh trong các lớp ôn tập mới.

“Nhà trường đã tổ chức các buổi tư vấn chuyên sâu, giúp học sinh hiểu rõ năng lực, mục tiêu của bản thân trước khi đưa ra quyết định đổi môn. Đồng thời, thiết kế các lớp học tăng cường cho học sinh đổi môn, tập trung vào những nội dung trọng tâm của môn mới và cung cấp tài liệu tự học, hướng dẫn học trò học tập trực tuyến”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang chia sẻ.

Tại Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo thông tin, với học sinh khối 12, ngay từ đầu năm học nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi để các em xem xét, điều chỉnh lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp nhất.

Do làm tốt công tác định hướng ngay từ năm lớp 10, 11, nên chỉ một số ít học sinh lớp 12 có nhu cầu chuyển đổi môn thi (3 em) và chủ yếu là chuyển đổi từ các môn tự nhiên sang môn xã hội. Hiện, đa số học sinh lớp 12 đều ổn định việc ôn tập, xác định rõ các môn cần tập trung đầu tư thời gian và công sức để trau dồi, củng cố, nâng cao kiến thức, chuẩn bị tốt tâm thế cho kỳ thi cuối cấp.

“Trong học kỳ đầu năm học 2024 - 2025, ban chuyên môn đã có nhiều biện pháp phối hợp cùng phụ huynh và học sinh, giúp học sinh lớp 12 chuyển đổi môn thi có định hướng, phương pháp ôn tập phù hợp.

Theo đó, sắp xếp lại thời khóa biểu học phụ đạo bồi dưỡng; phân công giáo viên nhiều kinh nghiệm hướng dẫn phương pháp học tập, củng cố kiến thức môn học cho học sinh; giới thiệu, chỉ dẫn các em lập kế hoạch cá nhân, tự học ở nhà thông qua video bài giảng, các khóa học online. Giáo viên cũng cung cấp đề luyện tập, tài liệu học tập cho học sinh chuyển môn thi; luôn sát sao, đồng hành, giúp đỡ các em thông qua giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh”, thầy Nguyễn Minh Đạo cho hay.

luon-ben-hoc-tro3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Sẵn sàng kế hoạch cho học kỳ II

Trong học kỳ II sắp tới, thầy Nguyễn Minh Đạo cho biết, nhà trường tiến hành rà soát, thống kê kết quả học tập của học sinh thông qua điểm kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ, các điểm thành phần của bộ môn học sinh lựa chọn để đánh giá quá trình học tập; qua đó nắm bắt kịp thời khó khăn mà học sinh chưa tháo gỡ được, có kế hoạch cụ thể, kịp thời, thực tiễn để tiếp tục hỗ trợ. Nhà trường cũng thực hiện phân loại học sinh theo nhóm. Với em chưa đạt kết quả học tập như mong muốn, chưa bắt nhịp được với tiến độ ôn tập chung sẽ được giáo viên bộ môn tăng cường phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức căn bản.

Đến nay, Trường THPT Lục Nam (Lục Nam, Bắc Giang) có 4 học sinh lớp 12 mong muốn chuyển đổi lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, một số em thay đổi nhóm môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề cho môn xét tổ hợp vào ĐH; một số muốn chọn môn học mới phù hợp với năng lực của mình ở thời điểm hiện tại.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan, thời gian tới, nhà trường rà soát lại số học sinh có nhu cầu chuyển đổi môn thi; tư vấn, định hướng để ổn định tâm lý, yên tâm với môn học đã lựa chọn. Trường thống kê, tổng hợp kết quả kiểm tra giữa học kỳ I, kỳ thi khảo sát, thi cuối học kỳ I, từ đó có định hướng cụ thể cho từng môn để nâng cao chất lượng.

Nhà trường cũng sẽ rà soát lại số tiết ôn tập từng môn, có điều chỉnh hợp lý, tập trung vào môn có chất lượng chưa cao, chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu đầu năm đề ra. Qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nắm bắt khó khăn của học sinh trong quá trình ôn tập nhằm kịp thời điều chỉnh và có sự hỗ trợ phù hợp.

Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm, Vĩnh Long) cũng có những thay đổi trong công tác tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT từ học kỳ II. Chia sẻ về thay đổi này, cô Nguyễn Thị Diễm Trang nhắc đến đầu tiên là việc phân chia lớp ôn tập linh hoạt; lập danh sách học sinh thay đổi môn thi để tổ chức lớp ôn tập theo nhóm nhỏ, phù hợp với nhu cầu.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá, tổ chức các bài kiểm tra định kỳ để đánh giá tiến độ và điều chỉnh phương pháp giảng dạy kịp thời. Thời khóa biểu ôn tập cũng được điều chỉnh phù hợp, phân công giáo viên có kinh nghiệm đảm nhận các lớp có học sinh đổi môn.

“Nhà trường sẽ đưa ra thời hạn cuối cùng cho việc thay đổi môn thi để giảm thiểu xáo trộn trong tổ chức lớp và triển khai ngay các lớp bổ sung kiến thức cho học sinh thay đổi lựa chọn môn thi; tích hợp công nghệ (như ứng dụng học trực tuyến) để hỗ trợ việc học của học sinh. Giải pháp lâu dài, nhà trường xây dựng quy trình tư vấn định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh lựa chọn môn thi phù hợp ngay từ đầu”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang chia sẻ.

Học kỳ II, Trường THPT Minh Đài tiếp tục rà soát nội dung ôn tập bám sát ma trận kiến thức đề tham khảo; sắp xếp các lớp ôn theo nhóm. Tập trung ôn các phần kiến thức có trong đề tham khảo, chú trọng kiến thức nhận biết, thông hiểu. Làm sao giúp học sinh chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp, đảm bảo kiến thức khung tới 6 điểm; học sinh lấy kết quả thi để xét đại học ở khung điểm cao hơn. Nội dung ôn luyện không dàn trải, học sinh nắm chắc kiến thức để có kỹ năng làm bài tốt. - Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài, Phú Thọ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ