Quyết tâm đi học ngành Giáo dục đặc biệt
Sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Phúc, khi học xong lớp 12, thấy nhiều em đi lang thang vô thức, thậm chí còn bỏ nhà đi. Khi ấy, cô Hà đã tìm hiểu xem vì sao các em lại có những hành vi như vậy. Khi biết được rằng, đó là biểu hiện của hội chứng tự kỷ, rối loạn tâm thần, chậm phát triển trí tuệ… cô Hà đã quyết tâm đăng ký dự thi vào Ngành Giáo dục Đặc biệt trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương.
Nhiều người đã nói rằng quyết định của cô Hà là sai lầm bởi khi đó ngành giáo dục đặc biệt vẫn còn lạ lẫm, thậm chí bác ruột còn nói: “Cháu học cái ngành ấy thì biết dạy ai và dạy cái gì? Bác không thấy có trường nào dạy những trẻ như thế”. Tuy nhiên, cô Hà vẫn kiên định với quyết định của mình. Càng học tập, tìm hiểu và nghiên cứu cô Hà càng nhận ra rằng giáo dục đặc biệt là một lĩnh vực mới mẻ mang đầy tính nhân văn.
Tốt nghiệp hệ Cao đẳng, lớp của cô Hà là những sinh viên đầu tiên được liên thông chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 5 năm trên giảng đường, cô Hà đã tốt nghiệp loại Giỏi và quyết định ở lại Hà Nội làm việc với nhiều ước mơ.
Ngay từ những ngày đầu tiên đi dạy, trực tiếp chăm sóc và dạy dỗ các em cô Hà đã gặp rất nhiều khó khăn. Có những em đập phá đồ đạc, tự đánh mình, đánh người khác, không thể tự ý thức hành vi. Nhiều em còn đánh lại cả cô, hay có những em không biết thế nào là nguy hiểm,… Thế nhưng cô Hà vẫn cố gắng để bù đắp lại những thiếu thốn mà các em đang phải chịu.
Từ bỏ Thủ đô để về quê dạy trẻ tự kỷ
Cô Hà cùng học sinh của mình tại Trung tâm |
Nhiều gia đình ở Vĩnh Phúc có con mắc bệnh tự kỷ đã phải đưa xuống Hà Nội để nhờ can thiệp. Ngày càng có nhiều em phải đi xa để học và được chăm sóc trong môi trường chuyên biệt. Chính những phụ huynh này đã thuyết phục cô Hà trở về quê hương để chăm sóc giáo dục đặc biệt cho học sinh.
Ở Hà Nội còn bao nhiêu dự định và tương lai nhưng nghĩ quê hương không có trường nào dạy cho các em, cô Hà lại quyết định về quê. “Lúc đầu chỉ có một giáo viên là tôi với bốn học sinh mắc hội chứng Tự kỷ và khuyết tật trí tuệ. Chỉ sau vài tháng hoạt động với quy mô nhóm nhỏ, dần dần có nhiều phụ huynh biết đến và tìm đến đăng ký cho con em mình theo học. Đến đầu năm 2012, cơ sở Khai Trí do tôi thành lập đã tiếp nhận hơn 20 cháu mắc các dạng tật như: Tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, khuyết tật ngôn ngữ, Down, tăng động giảm chú ý …” – cô Hà chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, nhu cầu học tập ngày càng đông, cô Hà và các phụ huynh đã cùng nhau xây dựng một cơ sở giáo dục với tên gọi là Khai Trí Vĩnh Phúc.
Sau nhiều năm hoạt động, cơ sở can thiệp sớm Khai Trí được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định cho phép thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Hòa nhập Khai Trí.
Mục tiêu lớn nhất của cô Hà là xây dựng Trung tâm Khai Trí trở thành “Ngôi nhà hạnh phúc” cho những “Thiên thần đặc biệt” bởi theo cô Hà: “các em xứng đáng được sống một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, an nhiên”.