Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bộ LĐ,TB &XH đã có văn bản yêu cầu các địa phương nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024, ban hành kế hoạch thưởng Tết 2025 cho đoàn viên, người lao động, báo cáo về Bộ trước ngày 15/12.

Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận. Xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 theo quy định của Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có văn bản yêu cầu công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết ít nhất 30 ngày.

Giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm giờ; bảo đảm quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết.

Kịp thời phát hiện và có giải pháp bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản. Tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết.

Ngoài những yêu cầu trên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn còn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong dịp Tết. Có các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương, doanh nghiệp...

Thưởng Tết dịp cuối năm với người lao động là hình thức tri ân và khích lệ từ doanh nghiệp nhằm ghi nhận những nỗ lực, đóng góp trong một năm làm việc. Tuy nhiên, mức thưởng là niềm vui nhưng cũng xen lẫn không ít nỗi buồn bởi sự chênh lệch khá lớn.

Cụ thể theo số liệu của Bộ LĐ,TB&XH, năm 2024, mức thưởng Tết Dương lịch của khoảng 56,21% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết bình quân là 1,85 triệu đồng/người, tăng 49% so với thưởng dịp Tết Dương lịch năm 2023, trong đó cao nhất là 376,3 triệu đồng/người.

Đối với Tết Âm lịch, có khoảng 61,37% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết với mức bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng năm 2023, trong đó, mức cao nhất là 5,68 tỷ đồng.

Năm nay, dù chưa có nhiều doanh nghiệp công bố nhưng dự kiến mức thưởng sẽ tăng, hoặc ít nhất là bằng với năm ngoái. Đây thực sự là thông tin rất vui đối với người lao động và là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.

Vì theo quy định của Bộ luật Lao động, việc có thưởng Tết cho người lao động hay không là quyền của người sử dụng lao động. Căn cứ để xác định tiền thưởng cho người lao động là kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của người sử dụng lao động và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Thế nên, ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra. Lớn hơn nữa đó là sự tri ân, mang ý nghĩa tinh thần lớn lao, biểu hiện của sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp, cũng là động lực để người lao động cống hiến và tạo sự gắn kết, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như khẳng định uy tín, thương hiệu, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.