Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết trong năm, cũng vì thế nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao.
Gia tăng tỷ lệ người có việc làm
Thống kê thị trường lao động quý III/2024 vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) công bố, trong quý III/2024, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 22,2 nghìn người so với quý II và giảm 24,3 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi duy trì ở ngưỡng 2,24%, song tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao, với 7,75%.
Quý III, cả nước ghi nhận hơn 243.700 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm 91,7 nghìn người và 47,8 nghìn người. Số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý III là gần 256.200 người; 256.175 lượt người được tư vấn việc làm; gần 48.400 người được giới thiệu việc làm. Số người được hỗ trợ học nghề là gần 6.800 người.
Xét theo trình độ chuyên môn, lao động không có bằng cấp, chứng chỉ vẫn thuộc nhóm có số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 62,4%. Theo sau là nhóm có trình độ đại học trở lên với 17,1%; nhóm có trình độ cao đẳng chiếm 7,1%. Trong khi đó, nhóm trình độ trung cấp và có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp, tỷ lệ nộp hồ sơ đề nghị hưởng gần tương đương nhau, lần lượt là 6,6% và 6,8%.
Theo nhóm ngành, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 46% trong tổng số đăng ký; theo sau là hoạt động dịch vụ khác, chiếm 29,8%. Trong nhóm 5 ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất trong quý III còn có nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác. Thợ may, thêu và các thợ có liên quan dẫn đầu trong 5 nhóm nghề có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 22,6%. Ngoài ra còn có nhóm nghề thợ lắp ráp; nhân viên bán hàng; kế toán; người đưa tin, người giao hàng.
Nhận định thị trường lao động trong quý IV/2024, Bộ LĐ,TB&XH dự báo khoảng 51,68 triệu người có việc làm, tăng thêm 116 nghìn người so với quý trước. Dự kiến, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất, chế biến thực phẩm là những ngành sẽ tăng thêm nhu cầu tuyển dụng, lần lượt tăng 4,5%; 3,6%; 2,4%. Tuy nhiên, cũng có một số ngành dự kiến giảm việc làm như: Khai thác than cứng và than non; sản xuất thiết bị điện; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Tăng tốc kiếm nhân sự
Công ty TNHH giày Hancony hiện đang có nhu cầu tuyển dụng thêm hơn 1.000 công nhân để kịp hoàn thành những đơn hàng đã ký trong năm cũng như việc mở rộng hoạt động sản xuất của công ty.
Ông Trần Thanh Bằng - Phó Tổng Giám đốc chia sẻ, hiện nay để hoàn thành các đơn hàng theo đúng tiến độ, ngoài việc tuyển dụng thêm công nhân, mỗi ngày công ty phải tăng ca từ 1 giờ - 1,5 giờ/ngày. Việc tuyển dụng công nhân hiện nay rất khó, một phần vì số lượng tuyển dụng lớn, một phần vì đây là dịp cuối năm nên tâm lý của công nhân là không muốn nhảy việc. Ai cũng muốn làm ổn định để cuối năm được thưởng.
“Dù công ty đã đưa ra rất nhiều ưu đãi như công nhân được hưởng lương chính thức ngay khi vào xưởng... Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 1 tháng nay công ty mới chỉ tuyển dụng được 100 người”, ông Bằng chia sẻ.
Công ty Cổ phần truyền thông Kinh tế & Tiêu dùng là công ty chuyên về truyền thông cũng đang gấp rút tuyển nhân sự cho dịp sự kiện cuối năm. Do hợp đồng với các đối tác đang tăng nhanh, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng gần 40 lao động. Ông Lê Tiến Hoàng - Giám đốc công ty cho biết, do đặc thù của ngành truyền thông vào dịp cuối năm có diễn biến “khởi sắc”. Vì vậy, công ty đang dốc toàn lực để tuyển thêm những nhân viên phụ trách khối thi công và âm thanh ánh sáng nên nhu cầu lao động đang rất lớn.
“Hiện nay số lượng đơn hàng cho những tháng cuối năm của công ty tăng cao, nhưng việc tuyển dụng lao động đang gặp rất nhiều khó khăn. 2 tháng trở lại đây, công ty mới chỉ tuyển dụng được gần 10 lao động có kinh nghiệm”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, nhu cầu tuyển dụng có xu hướng gia tăng trong mùa cao điểm từ nay đến cuối năm, bởi đây là giai đoạn nước rút cho các ngành bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ, hơn nữa, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng cuối năm cũng tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động thời vụ để phục vụ các chương trình khuyến mãi lớn và sự kiện như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025.
Về mức lương, các vị trí dao động từ 7 - 15 triệu đồng, song cũng có mức trên 15 - 20 triệu đồng cho nhóm trình độ cao. Ngoài ra còn có mức dưới 7 triệu đồng cho nhóm lao động bán thời gian. “Như vậy, cơ hội việc làm sẽ rất đa dạng với các phân khúc khác nhau để người lao động lựa chọn” - ông Vũ Quang Thành khẳng định.
Thực tế qua ghi nhận tại một số phiên giao dịch việc làm trên địa bàn Hà Nội gần đây có thể thấy, khá nhiều doanh nghiệp tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất lao động tự do phục vụ cho đơn hàng, hay đáp ứng việc bán hàng dịp cuối năm.
Đáng chú ý, 2/3 tổng số doanh nghiệp tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm 6 tỉnh thành phố phía bắc đầu tháng 11 vừa qua đều là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, chăm sóc sắc đẹp, hoặc trung tâm thương mại.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động những tháng cuối năm, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trung tâm sẽ tăng cường kết nối cung – cầu, giới thiệu việc làm cho người lao động, phối hợp với các địa phương tổ chức điểm, cụm, phiên giao dịch việc làm đồng thời, phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo để tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng người lao động bán thời gian.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Vũ Quang Thành cũng lưu ý, thời điểm cuối năm có nhiều lựa chọn cho người lao động tìm việc làm, nhất là việc làm thời vụ. Tuy nhiên, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông báo tuyển dụng, tránh rơi vào “bẫy” việc nhẹ, lương cao của các đối tượng lừa đảo, khiến tiền mất nhưng không tìm được việc làm.