Bãi bỏ/giảm tỷ lệ xét tuyển sớm: Học sinh có bị tác động?

GD&TĐ - Theo nhiều ý kiến chuyên gia, việc xem xét bãi bỏ hoặc giảm tỷ lệ xét tuyển sớm vào đại học là cần thiết...

Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TPHCM, diễn ra vào tháng 3/2024. Ảnh minh họa: INT
Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TPHCM, diễn ra vào tháng 3/2024. Ảnh minh họa: INT

Chuyên gia đồng thời mong các phương án tuyển sinh đại học sát với việc học ở cấp THPT hơn.

Tạo sự công bằng

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Nam Định (Nam Định) đồng tình với việc hạn chế tỷ lệ tuyển sinh sớm. Nhà trường mong có các phương án tuyển sinh đại học sát với việc học ở cấp THPT hơn nhằm tăng cường, đôn đốc việc học của học sinh. Điều quan trọng là giúp người học đỡ vất vả, giảm tốn kém về sức lực cũng như trí lực và tiền bạc của cha mẹ cũng như tạo sự cạnh tranh công bằng cho thí sinh.

Xét tuyển sớm chỉ dành để tuyển những thí sinh thuộc nhóm tinh hoa. Nếu xét tuyển sớm theo kiểu đại trà sẽ khó có thể tính toán được độ ảo, gây khó khăn trong quá trình tuyển sinh của các trường đại học. Theo Điều 34 Luật Giáo dục năm 2019, học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi, nếu không thi hoặc thi trượt sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT và chỉ được theo học giáo dục nghề nghiệp.

Dưới góc nhìn cơ sở, cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, đề xuất giảm/bỏ tỷ lệ xét tuyển sớm không ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Vì trong năm học lớp 12, những em có nguyện vọng vào đại học đều chủ động trang bị kiến thức cho mình. Xét tuyển sớm hay muộn không ảnh hưởng đến mục tiêu phấn đấu của các em.

“Dù vậy, tôi vẫn ủng hộ việc các trường đại học nên có tỷ lệ nhất định cho việc xét tuyển sớm và chỉ áp dụng với những thí sinh có thành tích vượt trội. Khi đó, việc công bố kết quả xét tuyển sớm không ảnh hưởng đến chất lượng học của học sinh lớp 12 trong học kỳ II”, cô Hải nêu quan điểm.

Chung nhận định trên, thầy Nguyễn Thành Tân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) nhất trí với đề xuất giảm dần và tiến tới xóa bỏ hình thức xét tuyển sớm khi học sinh chưa hoàn thành chương trình THPT. Những năm qua, một số trường đại học áp dụng hình thức xét tuyển sớm bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học bạ cấp THPT khi các em chưa học hết lớp 12 đã tạo ra một “cuộc đua” để thí sinh tranh suất vào đại học.

“Tại trường chúng tôi, tỷ lệ học sinh lớp 12 xét tuyển sớm vào đại học rất thấp, đa số lựa chọn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Việc dạy và học của thầy trò nhà trường cơ bản ổn định, sẽ không có nhiều xáo trộn nếu sắp tới Bộ GD&ĐT quyết định bãi bỏ hoặc giảm tỷ lệ xét tuyển sớm vào đại học xuống dưới 20%. Thời điểm này, các em vẫn học theo chương trình kế hoạch đã đề ra từ đầu năm”, thầy Tân thông tin.

bai-bo-giam-ty-le-xet-tuyen-som-1.jpg
Học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) trong giờ học. Ảnh: TG

Chủ động trong mọi tình huống

Nhìn nhận về việc xét tuyển sớm bằng học bạ THPT, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên, Nam Định) trao đổi, điều này sẽ giúp học sinh đỡ căng thẳng, giảm áp lực khi thi tốt nghiệp THPT; các trường đại học hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh của mình khi biết chắc sẽ tuyển được học sinh. Tuy nhiên, khi biết đỗ đại học sớm và chỉ cần đỗ tốt nghiệp là trở thành sinh viên, học sinh sẽ không cố gắng học.

Cũng theo thầy Hải, Bộ GD&ĐT siết chặt chỉ tiêu xét tuyển sớm bằng học bạ THPT sẽ hài hòa hai vấn đề nêu trên. Hằng năm, nhà trường có khoảng 25% học sinh lớp 12 xét tuyển sớm vào đại học bằng những phương thức khác nhau. Công tác tuyên truyền để học sinh, phụ huynh nắm được rõ thông tin về tuyển sinh - hướng nghiệp được nhà trường tiến hành thường xuyên với sự tham gia của nhiều lực lượng.

“Với khối 12, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai tới từng tổ chuyên môn, giáo viên tập trung củng cố kiến thức cơ bản, phân công biên soạn nội dung ôn tập phù hợp với từng đối tượng học sinh; có biện pháp động viên tinh thần học tập cho trò. Phối kết hợp với gia đình học sinh để quản lý, tổ chức cho các em ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 đạt kết quả cao”, thầy Hải nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, cô Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng không nên bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học từ năm 2025. Bởi dù xét tuyển sớm hay xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn có tình trạng học lệch do thí sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp từ sớm khi vào cấp THPT. Theo cô Loan, có thể giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm và công bố vào thời điểm thích hợp.

Tại Trường THPT Kim Ngọc, từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng và thống nhất kế hoạch dạy học cho học sinh lớp 12. Tổ chức mời các chuyên gia tại trường ĐH sư phạm về tập huấn về phương pháp, kỹ năng ra đề theo định hướng mới Chương trình GDPT 2018. Nhà trường cũng thực hiện dạy học phân hóa, bám sát theo cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025, đảm bảo học sinh hiểu và nắm vững kiến thức để sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Bà Vương Hương Giang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ đồng thuận với quy định trong dự thảo về xét tuyển sớm của các trường đại học và điểm chuẩn xét tuyển sớm sau khi quy đổi tương đương không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung. Hiện, các trường THPT đang triển khai chương trình giáo dục đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời tăng cường cho học sinh làm quen với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để chủ động mọi phương án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.