Cô giáo về hưu với mong muốn dạy trẻ tự kỷ

GD&TĐ - Bước vào cuộc sống gia đình trong thời kì bao cấp khó khăn thiếu thốn, song cô giáo Trịnh Kim Thịnh - Trường tiểu học Xuân Đỉnh, Hà Nội đã từng bước vượt qua nuôi dạy 2 người con thành đạt. Giờ đây đã ở tuổi được quyền nghỉ ngơi, cô  Thịnh tiếp tục lao vào công việc xã hội đầy thách thức là dạy trẻ em tự kỷ.

Cô Thịnh cùng gia đình.
Cô Thịnh cùng gia đình.

Kết hôn từ những năm 1980 của thời kỳ bao cấp, gia đình cô giáo Thịnh cũng nằm trong vòng xoay khó khăn của thời bao cấp. Nhưng ngay thừ thời đó, cô Thịnh đã nhận thức được rằng, giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng đối với việc giáo dục con cái ngay từ khi chúng còn rất nhỏ.

Vì thế, một mình tạm xa chồng (công tác ở văn phòng tỉnh ủy của một tỉnh phía Nam), cô giáo Thịnh trở về Hà Nội giảng dạy tại Trường Tiểu học Xuân Đỉnh.

Cô Thịnh một mình vừa nuôi con, vừa dạy học, vừa phải nỗ lực học hỏi để có thể đáp ứng với công việc mới. Cô Thịnh kể, những năm 1980, kinh tế đất nước rất khó khăn, đồng lương của giáo viên eo hẹp, nhiều lúc thấy mệt mỏi khi một mình lo toan mọi thứ. "Dạy con biết tự giác, độc lập từ việc ăn, ngủ… mới có thành quả trong sự nghiệp sau này của con" - cô Thịnh chia sẻ.

Khi chồng cô được về công tác tại miền Bắc cũng là lúc cả hai vợ chồng san sẻ được việc nhà. Từ đó, cô Thịnh theo học văn bằng hai tại khoa Kế toán của Trường ĐH Thương mại và khoa Quản trị kinh doanh Quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương. Sau 7 năm, cô hoàn thành hai văn bằng đại học. Cô Thịnh kể, mỗi đêm, tôi chỉ ngủ 4 - 5 tiếng, hai quầng mắt thâm.

Dù bận rộn, vợ chồng cô Thịnh vẫn theo sát việc học tập của cậu con trai Nguyễn Xuân Huy Hoàng. Khi đã thiết lập được thói quen tự giác học tập và sinh hoạt cho Hoàng, cộng thêm tấm gương lao động và học tập của bố mẹ đã giúp Hoàng trưởng thành. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Hoàng đã phụ trách việc kinh doanh của gia đình.  

Con gái thứ 2 của cô Thịnh ra đời, bé Nguyễn An Chi cách anh trai 15 tuổi. Vào năm Chi học lớp 2, cô Thịnh phát hiện Chi có năng khiếu học ngoại ngữ, do đó cô ước mơ sẽ cho con gái đi du học.

Cô Thịnh bắt đầu cho con theo học tiếng Anh và bắt đầu làm quen với máy tính. Bên cạnh đó, cô Thịnh cũng tìm đến Câu lạc bộ Thiếu nhi quận Ba Đình để con học bơi, học vẽ.

Cô Thịnh không nuôi người giúp việc mà chủ động đi cùng con trên chặng đường trang bị kiến thức toàn diện. Theo cô, tìm thầy giỏi cho con học là con đường đầu tư ngắn nhất. 

Năm 16 tuổi, An Chi bắt đầu sang Mỹ du học. Nhờ có thói quen tự lập, Chi đã hòa nhập vào cuộc sống mới tại Mỹ. Sau 3 năm học ở bậc trung học cơ sở đạt loại giỏi nên khi thi vào đại học. Chi cũng được bố trí làm thêm tại thư viện ở trường với mức lương khá cao.

Với thành công của con gái cũng như trong hoạt động kinh doanh, cô Thịnh  đã kết nối với bạn bè là Việt kiều để họ giúp cô tham quan và tìm hiểu về nền giáo dục ở các nước Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức, Tiệp, Áo.

Sau đó, cô Thịnh đã hướng con gái chọn ĐH Glion - một trong những trường ĐH quản lý khách sạn quốc tế hàng đầu tại Thụy Sĩ và được xếp thứ ba trên thế giới. Chi học khoa Tin học Chiến lược và Truyền thông tại chính ngôi trường này.

Học ở Thụy Sĩ nhưng cô Thịnh cho con về Việt Nam thực tập. Hai khách sạn 5 sao nổi tiếng trong TP.HCM là InterContinental Sài Gòn và Rex đã đồng ý nhận Chi về thực tập và cho biết, sẽ chào đón nếu An Chi trở về Việt Nam làm việc. 

Thành công từ xây dựng nền tảng gia đình vững chắc, mặc dù đã về hưu nhưng cô Thịnh vẫn không muốn an nhàn tuổi già. Cô Thịnh luôn bày tỏ mong muốn được trở lại làm công việc của một nhà giáo theo hướng đi riêng của mình.

"Thời gian vừa qua, tôi đã dành thời gian trực tiếp giảng dạy cho trẻ tự kỉ ở Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Tôi chọn giai đoạn tiền tiểu học để các bé đọc thông, viết thạo, hòa nhập vào môi trường ở trường phổ thông" - cô Thịnh bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.