Sau khi triển khai tại Hà Nội và nhận được nhiều phản hồi tích cực, chương trình tiếp tục được thực hiện tại TP.HCM (từ 12-16/10) dưới sự đồng hành và tài trợ của PNJ
Chương trình đã thu hút sự tham gia của hàng trăm học viên tiêu biểu đến từ hơn 80 trung tâm, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Khóa học cung cấp kiến thức đa chiều, giúp hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, có cái nhìn tổng quan về phương pháp can thiệp, phương pháp floortime, trị liệu y sinh, xây dựng, thực hiện và giám sát kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ, phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, hỗ trợ cá nhân trẻ qua các thời kỳ và tư vấn hỗ trợ gia đình có trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Theo các chuyên gia, đây là một bước đi vô cùng quan trọng, tiến đến phổ biến bộ tài liệu, đưa vào ứng dụng thực tiễn và chuẩn hóa phương pháp nuôi dạy trẻ tự kỷ, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, hỗ trợ nguồn lực, đồng thời tác động thay đổi chính sách theo hướng có lợi cho các chương trình can thiệp, hỗ trợ và bảo vệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Học viên tiêu biểu đến từ hơn 80 trung tâm, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại buổi tập huấn |
Mục tiêu của dự án nâng cao nhận thức về tự kỷ ở Trẻ em Việt Nam là hướng đến việc biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng.
Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hoá kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hoà nhập cộng đồng.
Được biết, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có trên 200.000 trẻ tự kỷ, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia nhận định, tự kỷ ở trẻ em Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, càng phức tạp hơn trong cuộc sống hiện đại, (năm 2007, số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ đã tăng lên 50 lần so với năm 2000).
Trong khi đó, nước ta vẫn còn thiếu những chương trình mang tính qui mô và có tính chuyên môn cao dành cho nhóm đối tượng này. Mặt khác, nhận thức của cộng đồng, gia đình, nhà trường…đối với trẻ em tự kỷ vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học, chưa có tài liệu chuẩn mực của quốc gia về trẻ tự kỷ, dẫn đến thực trạng khó khăn trong công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp các em hòa nhập cộng đồng.