Công cụ nào để kiểm định giáo dục nghề nghiệp?

GD&TĐ - Theo chuyên gia, vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn là nội dung mới ở Việt Nam.

Phải tuyển sinh, dạy học tốt hơn để nguồn lao động các trường đào tạo ra được doanh nghiệp chào đón. Ảnh minh họa
Phải tuyển sinh, dạy học tốt hơn để nguồn lao động các trường đào tạo ra được doanh nghiệp chào đón. Ảnh minh họa

Nâng chất công tác kiểm định trong giáo dục nghề nghiệp

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, muốn nâng cao chất lượng kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì các trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ngoài sự vào cuộc của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thì các trường, trung tâm kiểm định viên cần tích cực hơn nữa.

Bà Trần Thị Thu Hà, chuyên viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, cho biết, việc triển khai kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp là cơ hội để các trường tự xem xét chính mình. Từ đó để thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình và có phương hướng, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, nếu như tại Mỹ, vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã làm từ 70 năm nay còn ở Việt Nam mới bắt đầu trong những năm gần đây. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu hoàn toàn mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trường.

“Nhận thức của cán bộ quản lý các cấp, lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tầm quan trọng, cần thiết xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng chưa đầy đủ. Đồng thời chưa thể hiện quyết tâm cao, chưa dành nguồn lực hỗ trợ cần thiết để cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện các quy định hệ thống bảo đảm chất lượng”, bà Trần Thị Thu Hà cho biết.

Cũng theo bà Hà, nguyên nhân của tình trạng trên là do các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là nội dung mới chưa được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu hoàn toàn mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ nhà trường. Chương trình, tài liệu tập huấn lần đầu tiên ban hành, chưa cập nhật, đổi mới cách thức để đảm bảo tính linh hoạt phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phải biến kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp thành văn hóa

Ông Nguyễn Minh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, cho biết, Thông tư 27 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần bổ sung vấn đề “đưa ra những khuyến cáo cho các nhà trường” trong quá trình kiểm định chất lượng. Vì bản chất của công tác kiểm định chất lượng là nắm được ưu điểm, nhược điểm của trường để đưa ra các giải pháp sửa đổi phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay trong Thông tư 27 chưa đề cập đến vấn đề này.

Hiện, lực lượng thực hiện công tác kiểm định chất lượng vẫn còn thiếu. Theo thống kê, mới có chưa đến 300 kiểm định viên. Trong khi số lượng trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất lớn nên khó thực hiện được chỉ tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025. 100% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin bảo đảm chất lượng, kết nối thông suốt với hệ thống bảo đảm chất lượng quốc gia…

TS Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, cần tiếp tục xem lại và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tiếp cận công nghệ, ứng dụng số hóa, thấm nhuần 4.0 trong công tác kiểm định.

Về năng lực của cơ quan quản lý các cấp, ông Bình lưu ý thực trạng không ít Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chưa tin học hóa, số hóa được các hệ thống quản lý, kiểm định chất lượng.

“Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang triển khai hệ thống phần mềm dữ liệu. Những dữ liệu thuộc về nhà trường thì nhà trường phải xây dựng như hệ thống quản lý sinh viên, giáo viên, quản lý giờ giảng, quản lý bằng cấp. Chúng tôi cũng đang triển khai cho 88 hệ thống trường trọng điểm và đến năm 2022, tất cả các trường cao đẳng phải nhập vào hệ thống mạng. Tổng cục xây dựng một nền tảng chung nhưng không có nghĩa là các trường không làm nữa mà các trường cần phải làm chi tiết hơn để đấu nối vào hệ thống chung đó.

Tất cả các thông tin về nhà trường là hệ thống quản lý chất lượng. Vấn đề đảm bảo là của các nhà trường. Thay vì làm giấy tờ thì các trường phải tin học hóa dữ liệu nhưng cũng cần tránh bệnh máy móc, quan liêu”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình thông tin thêm, việc đào tạo kiểm định viên một phần do Tổng cục nhưng một phần là do các tổ chức kiểm định chất lượng bởi điều này liên quan đến uy tín của các tổ chức. Kiểm định viên phải là những nhà kiểm định chất lượng giỏi chứ không phải một người thầy giỏi vì người thầy giỏi chỉ đánh giá chương trình thôi còn kiểm định viên phải quản trị được quá trình.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng, phải biến kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp thành văn hóa. Theo ông, nói đến văn hóa nghĩa là rất từ từ, ngấm sâu vào tiềm thức của mỗi con người, mỗi tổ chức. Cho nên đặt ra kỳ vọng rất lớn về văn hóa trong kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhưng cũng phải tự đánh giá năng lực, điều kiện của mình. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện từng bước làm, nhưng mỗi bước đều phải thiết thực và tránh bệnh hình thức, hời hợt.

“Không phải trường cứ được cấp cái giấy treo lên tường là được rồi. Chúng ta phải tuyển sinh tốt hơn, dạy học tốt hơn, nguồn lao động trường đào tạo ra phải được doanh nghiệp chấp nhận, chào đón hơn. Chúng ta phải luôn luôn không ngừng cải tiến, cải tạo mình. Các công cụ này, công cụ kia đều phải hướng đến hiệu quả, còn xét đến cùng đánh giá trong, đánh giá ngoài cũng chỉ giới hạn trong một khoảng thời điểm”, ông Bình nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.