Đó là tấm gương điển hình của thầy giáo Phạm Văn Hiếu – chiến sĩ cán bộ công tác tại Đồn biên phòng huyện Ea Súp, tỉnh Đak Lak, là một trong số những thầy giáo quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình “ Chia sẻ cùng thầy cô” nhân ngày hiến chương Nhà giáo năm nay.
Lớp học của chú bộ đội
Buổi tối ở Ia Rve, huyện Ea Súp rộn ràng tiếng nói cười của những người lớn tuổi, rồi cả những em nhỏ theo cha mẹ cũng nô đùa cười vang. Họ đang gọi nhau đến lớp học của thầy Phạm Văn Hiếu – công tác tại Đồn biên phòng Ia Rve từ năm 2011.
Đại úy Phạm Văn Hiếu giữ cương vị Chính trị viên phó tại Đồn biên phòng, trước đây là Đội trưởng đội vận động quần chúng. Với đặc thù là vùng kinh tế mới nên tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn còn chậm phát triển; cuộc sống của bà con nhân dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao; trình độ văn hóa, nhận thức của người dân còn thấp, không đồng đều, đặc biệt nổi lên là tình trạng mù chữ trong một bộ phận người dân trên địa bàn....Tình hình đó đã có những tác động ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sự phát triển của quần chúng nhân dân.
Qua việc thực hiện tốt phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc”, đặc biệt đối với công tác xóa mù chữ, nâng cao trình độ dân trí cho người dân trên địa bàn biên giới, đại úy Phạm Văn Hiếu đã tiến hành khảo sát, đánh giá công tác này. Theo đó, anh Hiếu đã mạnh dạn báo cáo cụ thể tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ giúp cho bà con có thể biết đọc, biết viết, biết tính toán và sau đó là biết áp dụng kiến thức khoa học kỷ thuật vào trong đời sống, sản xuất, góp phần nâng cao trình độ dân trí trên khu vực biên giới.
“Bước đầu để tổ chức được lớp học vấn đề khó khăn nhất đó là công tác tuyên truyền vận động người mù chữ đến lớp tham gia học, Bởi bà con xưa nay quanh năm lo “miếng cơm, manh áo” cuộc sống vốn đã khó khăn, suốt ngày lo đi làm trên nương rẫy, đồng ruộng, thời gian buổi tối là khoảng thời gian lo công việc nhà và nghỉ ngơi; bên cạnh đó người mù chữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, không kể già trẻ, gái trai, nhiều thành phần dân tộc... nên về tâm lý đa số ngại tham gia lớp học, thậm chí nhiều học viên còn đem con nhỏ đến lớp” – Đại úy Phạm Văn Hiếu chia sẻ.
Tuy vậy, với quyết tâm cao và thực hiện tốt phương châm: “mưa dầm, thấm lâu”, thầy giáo quân hàm xanh Phạm Văn Hiếu đã cố gắng vận dụng mọi khả năng để tuyên truyền vận động, thuyết phục số người mù chữ tham gia đến lớp học do Bộ đội Biên phòng mở. Sau một thời gian kiên trì vận động cuối cùng đã thanh công, lớp học xóa mù chữ đã được mở tại khu vực địa bàn biên giới. Từ năm 2012 đến năm 2015 thầy giáo quân hàm xanh đã mở được 2 lớp xóa mù chữ với 53 học viên tham gia.
Thế nhưng, sau khi tổ chức được lớp học, việc duy trì cũng là một khó khăn lớn đối với những chiến sĩ giáo dục, bởi lớp học ở nhiều độ tuổi nên khả năng nhận thức của mỗi người cũng khác nhau. Hơn nữa, sĩ số lớp học khó để duy trì thường xuyên bởi nhiều khi người dân bận việc riêng không đến lớp hoặc đến rất muộn.
Bén duyên dạy chữ vùng biên
Lớp học xóa mù của các chú bộ đội |
Trong suốt quá trình tổ chức lớp học, ngoài thực hiện các nhiệm vụ công chính trị, đại úy Hiếu còn đến từng nhà học viên để tuyên truyên, vận động đến lớp, đồng thời là người trực tiếp lên lớp giảng dạy cho bà con; sau mỗi buổi học, thầy giáo quân hàm xanh còn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền việc chấp hành mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng, bên cạnh đó còn tô chức giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học viên.
Ông Lê Thanh Hải - Bí thư xã Ia Rve - cho biết: Sau các lớp học mù chữ, xã phối hợp cùng Đồn biên phòng có tiến hành khảo sát và mở các lớp học cho những người dân bị tái mù chữ. Nhờ các lớp xóa mù chữ do các chiến sĩ bộ đội biên phòng tổ chức, người dân biết thêm về những kiến thức cơ bản như: làm giấy khai sinh cho con, biết làm đăng ký kết hôn, hiểu kiến thức pháp luật, biết dạy con học và biết nhìn hạn sử dụng khi mua đồ dùng.
Sau khi Phòng Giáo dục đào tạo Huyện Ea Súp tổ chức thi kết thúc chương trình xóa mù chữ nhằm đánh giá chất lượng học viên tham gia lớp học, kết quả là tất cả học viên của lớp đều đạt yêu cầu, được Phòng Giáo dục cấp chứng chỉ chứng nhận.
Cái duyên bén với chiến sĩ biên phòng khi được thêm nhiệm vụ là “thầy giáo” cõng chữ lên vùng biên, đại úy Hiếu chỉ mong: “Hi vọng là sau khi tham gia các lớp học, người dân sẽ không bị tái mù chữ, biết đọc báo để hiểu hơn về pháp luật, từ đó cuộc sống cũng thay đổi. Trước đây, bà con hay gọi tôi là chú bộ đội, giờ, tôi còn được các học viên gọi là “thầy giáo”, rồi ngày nhà giáo Việt Nam, món quà tinh thần lớn nhất của tôi đó là những nụ cười, những lời chúc của các cô, chú trong lớp. Niềm hạnh phúc ấy có lẽ là động lực để tôi tiếp tục cống hiến với vùng mảnh đất vùng biên”.
Ông Hà Công Thức (sinh năm 1967, năm nay 50 tuổi, học viên của lớp xóa mù chữ) chia sẻ: Ngày xưa tôi học đến lớp 3, cuộc sống khó khăn quá, mình quên chữ đi. Các chú bộ đội biên phòng đến ở cùng luôn và vận động mình đi học nên mình đi học thôi. Hai vợ chồng cùng đi học luôn. Học không hiểu thì nhờ thầy giảng lại. Các con cũng động viên bố mẹ học chữ để biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, biết đọc báo nghe tin tức. Tôi biết ơn các chú bộ đội lắm, nhờ họ mà tôi chữ cái đầu tiên tôi biết là viết và đánh vần tên của mình”.
Mới đây, thầy Hiếu đã chuyển về công tác tại đơn vị, địa bàn khác, nhưng với ý nghĩa của việc nâng cao trình độ dân trí trên địa bàn xã biên giới, để nhân rộng mồ hình lớp xóa mù chữ, hiện tại thầy Hiếu đã hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị mở thêm một lớp xóa mù chữ tại địa bàn xã Ia Lốp nhằm đẩy lùi tình trạng mù chữ đối với một số bà con trên địa bàn và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, giúp bà con ổn định cuộc sống, gắn bó với biên giới.