Ấm áp tình thương

GD&TĐ -Dạy học cho trẻ em xóm Việt Kiều Campuchia ở Hưng Điền A, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, thiếu tá Nguyễn Văn Chính (Đồn Biên phòng Bến Phố) đã làm tròn hai vai. Anh vừa dạy tiếng mẹ đẻ cho các em, vừa dạy xóa mù chữ và còn cả những bài học kỹ năng sống cho trò nghèo vùng biên giới.

 Thiếu tá Nguyễn Văn Chính (Đồn Biên phòng Bến Phố) dạy chữ cho trò.
Thiếu tá Nguyễn Văn Chính (Đồn Biên phòng Bến Phố) dạy chữ cho trò.

Dạy tiếng “mẹ đẻ”

Thiếu tá Nguyễn Văn Chính sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng thuộc xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Sau 2 năm học tập, rèn luyện tại trường Trung học Biên phòng II, anh được điều động về công tác tại đồn Biên phòng Bến Phố, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, giữ chức vụ Phó đội trưởng đội Vận động quần chúng.

Canh cánh với ý nghĩ mang đến cho các em học sinh Việt Kiều không có điều kiện đi học được học con chữ, anh Chính đã tham mưu chỉ huy Đồn Biên phòng Bến Phố mở lớp học tình thương đóng tại điểm trường tiểu học ấp 2, xã Hưng Điền A.

Ấm áp tình thương  ảnh 1

Thiếu tá Nguyễn Văn Chính đã phối hợp cùng Ban giám hiệu nhà trường đến từng nhà vận động các em đến lớp học tình thương đều được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Biết được tình hình đó, nhà trường trên địa bàn đã tạo điều kiện và bố trí cho một phòng nhỏ, gọn, để có nơi cho lớp học tập.

Lớp học đi vào hoạt động, thiếu tá Nguyễn Văn Chính đã phối hợp cùng Ban giám hiệu nhà trường đến từng nhà vận động các em đến lớp học tình thương đều được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hàng năm tỉ lệ học sinh đến lớp ngày một tăng lên.

Điều đặc biệt ở lớp học là không chỉ xóa mù chữ, thiếu tá Nguyễn Văn Chính vừa dạy tiếng mẹ đẻ, bởi đa số học sinh mặc dù là người Việt Nam, nhưng được sinh ra và lớn lên tại Campuchia đủ thành phần độ tuổi nên công tác giảng dạy gặp không ít khó khăn.

Tình thương của thầy giáo không chuyên

Là thầy giáo không chuyên nên thầy Chính dạy các em bằng tình thương. Anh luôn coi các em như em ruột của mình. Hàng ngày, hành trình cứ lặp đi lặp lại và phải mất đến nửa năm, các em mới có thể nhận biết mặt chữ, gọi tên đồ vật bằng tiếng Việt.

Có những bài tập đọc, viết theo chương trình lớp 1 bình thường cũng phải mất đến vài ngày các em mới nắm bắt được. Trước sự nhiệt tình của “thầy giáo quân hàm xanh”, tất cả các em đều học tập say mê, hào hứng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chính chia sẻ: “Trong số các em học sinh ở đây đa số gia đình mới chuyển từ Campuchia về nên chưa có hộ khẩu thường trú, giấy khai sinh. Gia đình các em có điểm chung là nghèo khó, cũng vì cái nghèo khó ba, mẹ phải đi làm thuê, làm mướn không có thời gian đưa, rước các em đến trường nên nhiều khi có một vài em tự dưng nghỉ học không lý do. Khi ấy, bản thân tôi lại đến từng nhà vận động các em trở lại lớp, ngày đầu không được thì lại tiếp tục ngày hai, ngày ba…Nghe phân tích cái lợi của việc học nên bây giờ nhiều phụ huynh đều cố gắng tạo điều kiện cho con em đến lớp học tập, vì thế sĩ số học luôn được duy trì ổn định”.

Nhiều năm tham gia giảng dạy lớp học tình thương, anh Chính nhớ mãi học trò Trần Hồng Anh – học sinh trong lớp. Đó là em học sinh khuyết tật bại liệt chân. Mặc dù đi lại khó khăn nhưng nhìn ánh mắt khát khao được đến lớp, thầy Chính đã nhận đưa em về tận nhà sau mỗi buổi học. Cho đến giờ, em đã nhận thức rất tốt và đạt học sinh xuất sắc năm học vừa qua.

Dù không còn được học thầy Chính, nhưng Hồng Anh mỗi lần gặp thầy đều kể bao nhiêu chuyện. Với em, thầy là người đã mang đến cho em ý nghĩa của cuộc sống và mở ra tương lai trước mắt. Mỗi lần được học trò gọi là “thầy”, anh không giấu niềm xúc động vì trong đời quân ngũ chưa bao giờ nghĩ đến phút giây mình được đứng trên bục giảng cầm phấn dạy các em.

Ấm áp tình thương  ảnh 2

Ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Makerting Tập đoàn Thiên Long tặng quà cho các em học sinh

Nhờ có sự chỉ bảo tận tình, ở lớp học tình thương, các em cũng không ngại nhờ thầy chỉ cho em viết chữ, chỉ cho em tập làm toán, đến nay các em đã biết đọc, biết viết, làm phép cộng trừ đơn giản. Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, bằng nhiệt huyết và lòng yêu thương trẻ, thầy Chính đã mở được 7 lớp có 62 học sinh theo học. Qua kiểm tra công nhận có 23 em lên lớp, loại giỏi 05 em, loại khá 11em, loại trung bình 7 em, hiện nay các em được lên lớp tiếp tục theo học chương trình phổ thông.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chính là một trong số những thầy giáo quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay.

Trong chuyến đi thăm các thầy làm công tác giảng dạy vùng biên cương, Tập đoàn Thiên Long đã tặng các phần quà cho các em học sinh. Ngoài ra, mỗi tấm gương được tuyên dương sẽ nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mỹ cần chặng đường dài để tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hạt nhân, thoát phụ thuộc uranium Nga.

Mỹ bắt đầu thoát uranium Nga

GD&TĐ - Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.