Những người thầy chưa từng được kỉ niệm ngày nhà giáo

GD&TĐ - Những thầy giáo chưa một lần được đào tạo trong môi trường Sư phạm, chưa một lần được kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, và cũng chưa từng sinh hoạt trong trường có đầy đủ Ban giám hiệu, nhưng họ vẫn là những người thầy mang con chữ đến nuôi ước mơ cho những học trò nghèo. Đó là câu chuyện của những thầy giáo quân hàm xanh.

Thượng úy Phạm Tuân – Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu.
Thượng úy Phạm Tuân – Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu.

Thầy giáo quân hàm xanh Phạm Tuân (Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu) và thầy giáo Ngô Anh Dũng (Quảng Trị) là hai trong số những thầy giáo quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2017”. Chương trình do Trung ương Hội LHTN VN, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Chương trình cũng đã đến thăm hỏi và tặng những phần quà của Tập đoàn Thiên Long cho một số đơn vị. Tới đây, chương trình tuyên dương những thầy giáo quân hàm xanh sẽ diễn ra tại Hà Nội với 60 giáo viên, mỗi giáo viên được trao tặng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và 30 em học sinh cũng sẽ được ra thăm Thủ đô cùng thầy giáo của mình.

Làm tròn “ba vai”

Thượng úy Phạm Tuân – Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu đã không ít những kỉ niệm trong quá trình đem con chữ về với bản nghèo.

Trước khi kể về những em học sinh chân trần, anh đã kể về mình, về những ước mơ từ ngày còn nhỏ, bởi chính vì những thân thuộc thời ấu thơ đã cho anh tình thương đối với học trò.

Năm cuối cấp, khi đứng trước ngưỡng cửa cổng trường Đại học, anh đã phân vân lựa chọn vào học dân sự hay quân sự. Cha của anh – một người lính là thương binh đã để lại một phần máu thịt của mình cho tổ quốc đã động viên anh thi vào trường quân đội.

Vì sức khỏe của bố yếu dần nên đã không thể chứng kiến những thành tích mà con trai mình đạt được. Những lúc nhớ cha, anh lại nghĩ đến những buổi tối hai bố con tâm sự, ông thường kể về những trận đánh của đơn vị và hành trình của những vết thương ông mang trên mình.

Năm 2011, tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân 1, anh được phân công về công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, mảnh đất nơi anh sinh ra và lớn lên.

Đi tới các xã biên giới anh cảm nhận được cuộc sống của những người dân nơi đây và đặc biệt là sự thiệt thòi với các em học sinh. Anh đã có suy nghĩ “liệu mình có thể làm gì để có thể giúp đỡ các em, để các em có điều kiện tới lớp tốt hơn, các em yên tâm học tập hơn”.

Đúng khi ấy, chương trình “ Nâng bước em tới trường” được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động đã tạo thêm động lực để anh có thể giúp đỡ các em: “Tôi còn nhớ mãi chuyến đi phát động chương trình tại xã Tá Bạ, huyện Mường Tè – một xã khó khăn và xa nhất của tỉnh Lai Châu.

Đây là một hành trình gian nan mang lại nhiều cảm xúc với 9 lần dùng dây cáp để kéo chiếc xe của đoàn công tác bị sa lầy. Bù lại những khó khăn vất vả ấy là niềm vui của các em học sinh với những suất quà và nhiều em học sinh được nhận đỡ đầu , nuôi dưỡng.

Rồi lần đi thăm các em nhỏ giữa mùa đông giá rét của trường tiểu học Tung Qua Lìn nằm ở độ cao gần 2000m. Chúng tôi đến thăm các thầy cô và các em khi cả ngôi trường chìm trong sương mờ.

Những lớp học mỏng manh không thể ngăn được những cơn mưa gió lạnh, chúng dường như đang muốn thử thách sự can đảm của thầy và trò nơi đây.

Hình ảnh những đứa trẻ chân trần áo mỏng chống chọi với các rét cắt da cắt thịt làm ai nấy đều xót và không giấu sự xúc động và tự hứa phải cố gắng nhiều hơn nữa để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn” – Thượng úy Phạm Tuân kể lại.

Biết bao con đường thầy giáo ấy đã đi qua, đến tận sâu nơi rừng núi và các xã nghèo xa xôi trên quê hương mình để giúp các em học chữ, để vận động các em về đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc. Anh không chỉ làm tròn vai người mẹ, người cha mà cả người thầy, dù chưa từng được kỉ niệm ngày nhà giáo

Các em được đến trường, chắp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa, đó là sự thay đổi lớn lao đối với học sinh vùng biên giới. Tương lai, các em sẽ làm cho quê hương Lai Châu thêm trù phú – đó cũng chính là mong ước của thầy giáo quân hàm xanh Phạm Tuân.

Làm “thầy” khi khoác trên mình màu xanh áo lính

Thiếu tá Ngô Anh Dũng – Chính trị viên Cụm cơ động chó nghiệp vụ 4 – Trường Trung cấp 24 Biên phòng là cái tên được bà con nhân ở vùng Biên giới Việt – Lào ở xã Ango, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị nhắc đến với lòng biết ơn sâu sắc .

Cụm cơ động chó nghiệp vụ 4 là đơn vị trực thuộc khối chiến đấu trực thuộc Ban Giám hiệu trường Trung cấp 24 Biên phòng đóng quân trên địa bàn xã Ango, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị. Địa bàn đóng quân thuộc Biên giới Việt – Lào, là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị.

Trên cương vị chức trách được giao, thiếu tá Ngô Anh Dũng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban giám hiệu trường Tiểu học và THCS Ango tiến hành rà soát các em học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn để lựa chọn, nhận đỡ đầu.

Đơn vị đã chọn được 2 em học sinh để giúp đỡ.1 em là Lưu Quang Vũ – Lớp 5B, trường Tiểu học Ango bị tật nguyền bẩm sinh, bố mẹ sức khỏe yếu, gia đình hộ nghèo, còn 1 em là Hồ Cu My – học sinh lớp 7C trường THCS xã Ango bố chết, mẹ bỏ đi lấy chồng, em phải ở với anh trai.

Anh đã chỉ đạo đơn vị và trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương, Ban giám hiệu trường tiểu học và trung học và gia đình để ký cam kết nhận đỡ đầu hai em học sinh. Theo đó, hàng tháng, mỗi em sẽ nhận được tiền hỗ trợ từ đơn vị, những ngày lễ tết được động viên kịp thời giúp các em yên tâm đến trường.

Đồng thời, thiếu tá Ngô Anh Dũng luôn kịp thời nắm bắt tình hình, động viên các em trong học tập, rèn luyện. “Hàng tuần, tôi đã trực tiếp chỉ đạo cho cán bộ xuống gia đình các em để thăm hỏi, động viên các em tới trường, nhất là những ngày mưa lũ, em Lưu Quang Vũ bị tật bẩm sinh khó khăn trong việc đi lại nên tôi đã cử chiến sĩ tại đơn vị xuống đưa em đi học. Nhìn những thành tích chuyển biến rõ rệt của các em trong học tập, tôi đã thấy yên tâm nhiều lắm về tương lai của những đứa trẻ Ango” -Thiếu tá Ngô Anh Dũng chia sẻ.

Anh xúc động khi học trò gọi mình là “thầy Dũng ơi”. Đối với anh, đó là niềm hạnh phúc lớn khi khong chỉ giúp đỡ được các em mà còn nhận lại niềm yêu thương của bà con nhân dân. Trong đời mình, anh cũng chưa bao giờ nghĩ khi đã được mặc bộ quân phục màu xanh lại được gọi là “thầy giáo của chúng em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.