Đây là những kim loại và vật liệu có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự. Chẳng hạn như Gallium được sử dụng trong chế tạo linh kiện bán dẫn chất lượng cao, tấm năng lượng mặt trời hay thiết bị radar, hệ thống phòng thủ tên lửa, thiết bị truyền thông trong tác chiến điện tử. Germanium được sử dụng trong chế tạo sợi thuỷ tinh quang học hay vệ tinh.
Có thể thấy, việc đảm bảo cung ứng đất hiếm, kim loại hiếm và vật liệu chứa những nguyên tố hoá học hiếm này có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với Mỹ. Theo số liệu cho giai đoạn 2019 - 2022, nhập khẩu Gallium và Gernanium từ Trung Quốc đáp ứng 21% và 26% tổng nhu cầu của Mỹ. Đòn này là sự trả đũa trực tiếp của Trung Quốc sau khi Mỹ tăng cường trừng phạt - ba lần liền - những hãng chế tạo bán dẫn của Trung Quốc.
Chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là ganh đua về kinh tế và thương mại mà mang bản chất chính trị. Mỹ trừng phạt Trung Quốc để ngăn chặn quốc gia này vươn lên dẫn đầu thế giới về chế tạo bán dẫn, đồng thời coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất tới an ninh quốc gia của Mỹ.
Trung Quốc nhìn nhận đây là hành động cản trở tự do lựa chọn con đường phát triển đất nước. Trung Quốc coi sự tự do này là quyền chính đáng và hợp pháp, đồng thời lập luận rằng, đáp trả Mỹ thích đáng là cách bảo toàn an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Cạnh tranh chiến lược biểu hiện thông qua thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang tiếp tục trở nên ngày càng quyết liệt và không khoan nhượng. Gần 8 năm trước đây, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump đã khởi xướng cuộc xung khắc thương mại với Trung Quốc.
Vũ khí và công cụ được ông Trump sử dụng là áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Sau đó, ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Xung khắc thương mại của Mỹ với Trung Quốc thời kỳ này không những tiếp tục mà còn gia tăng mức độ.
Không đầy tháng rưỡi nữa, ông Trump sẽ trở lại cầm quyền ở Mỹ. Chưa chính thức nhậm chức Tổng thống, song ông Trump đã lớn giọng dọa sẽ áp thêm thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Lý do là Trung Quốc sản xuất ra rất nhiều nhưng không ngăn cản đưa độc dược Fentanyl vào Mỹ, tức là cũng không liên quan gì đến kinh tế và thương mại.
Việc Trung Quốc cấm xuất khẩu nguyên vật liệu hay chất liệu hiếm sang Mỹ cần phải được nhìn nhận và đánh giá trong bối cảnh tình hình mối quan hệ song phương. Trung Quốc tung đòn này để đáp trả chính quyền của ông Biden và để cảnh báo, răn đe trực tiếp ông Trump. Bên cạnh đó, Trung Quốc một lần nữa thể hiện tâm thế rất tự tin trong đối đầu Mỹ và phương Tây, và gửi đi thông điệp rằng nước này không đứng yên và bó tay để cho Mỹ nói chung và ông Trump nói riêng muốn làm gì với họ thì làm.
Ngoài ra, còn có thể thấy Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn những con bài cho cuộc chơi với ông Trump, và quan hệ Mỹ - Trung Quốc chưa thể sớm có cơ hội được cải thiện.