Phan Hoa Trà My từng là 1 trong 20 sinh viên được đào tạo theo chương trình cử nhân tiên tiến của khoa Hóa (Đại học Khoa học Tự Nhiên Hà Nội).
Ra trường, My không làm về khoa học như kì vọng của bố mẹ. Ý nghĩ “phải sống khác đi” vào năm thứ 3 đại học khiến My bắt đầu hiểu bản thân. Từ đó, cô theo đuổi hành trình xác lập và khẳng định chính mình.
Từ Hiccup, Maximus…
My học khoa học tự nhiên theo định hướng của bố mẹ bởi sự đảm bảo đầu ra từ các mối quan hệ gia đình. Bản thân cô yêu thích thời trang và những gì liên quan đến nghệ thuật.
My tự nhận, thời sinh viên cô có một chu trình đều như chanh vắt: Ngày lên giảng đường, tối về học bài, cuối kì lo thi cử. Mọi thứ đều nhàn nhạt, phẳng lặng trôi đi.
Năm thứ ba đại học, My muốn thoát khỏi chu trình quen thuộc ấy để tìm kiếm sự thú vị... Cô muốn sống khác đi. My và 2 người bạn thân dự định mở một cửa hàng bán quần áo nho nhỏ.
My muốn tìm hiểu về thời trang – lĩnh vực cô yêu thích thông qua cửa hàng này. Đều là sinh viên, không có vốn, cả ba về quê tìm đến sự trợ giúp của bố mẹ.
Bố mẹ My không đồng ý vì muốn con gái tập trung học hành. Nhưng My không bỏ cuộc. Sự bướng bỉnh, cứng đầu của cô khiến bố mẹ chào thua, cho tiền mở cửa hàng với lời đe: “Cho nếm mùi thất bại để thôi viển vông, hão huyền”.
Suy nghĩ đó của bố mẹ khiến My quyết tâm làm mọi thứ ra trò. Những ngày đầu tập tành kinh doanh, mọi thứ đều khó khăn và mới mẻ. Cả ba lần mò học hỏi về luật kinh doanh, cách thức chuẩn bị giấy tờ, tìm nguồn hàng, thuê địa điểm rồi cân đối việc học trên lớp.
Hiccup ra đời trong niềm vui của 3 bạn trẻ. Giá cả hợp lí và sự nhạy bén trong nắm bắt thị hiếu thời trang giới trẻ khiến Hiccup trở thành địa điểm mua sắm của nhiều khách hàng tuổi teen.
Từ số vốn ít ỏi bố mẹ đầu tư, Hiccup mang đến cho My và bạn bè những khoản lợi nhuận nhất định đủ để một thời gian sau, My tách ra, mở cửa hàng Maximus. Maximus kế thừa tôn chỉ và phương thức kinh doanh của Hiccup nên nhanh chóng trở thành điểm đến lí tưởng của khách hàng trẻ.
Từ một cửa hàng Maximus ở Nguyễn Du, My mở cửa hàng Maximus thứ 2 ở Núi Trúc. Tiếp đến là Max&Outfits ở Hàng Mành. Sau 5 năm kinh doanh, My là chủ chuỗi cửa hàng quần áo có tiếng ở Hà Nội.
Giữa lúc chuỗi cửa hàng quần áo do My sáng lập ở thời kì hoàng kim, cô bất ngờ nhượng lại cửa hàng cho bạn thân. Bản thân My rẽ sang một hướng kinh doanh hoàn toàn mới.
… đến Momoco
My chưa bao giờ xác định sẽ gắn bó dài lâu với phương thức kinh doanh của Hiccup, Maximus. Với cô, đây chỉ là khoảng thời gian tích lũy kinh nghiệm và học hỏi.
My chia sẻ: “Với Hiccup, Maximus,… mình nhập hàng từ nước ngoài về bán. Bản thân mình luôn mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang, sử dụng chất liệu Việt, tạo nên trang phục cho người Việt”.
Vì thế, sau khi ra trường, song hành với việc kinh doanh, My theo học về thiết kế ở Học viện Thời trang Luân Đôn (Hà Nội).
""Nghe thì đơn giản nhưng tôi mất đúng 3 tháng suy nghĩ để đưa ra tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Thời gian đó gần như tôi mất ngủ với những câu hỏi: mình thực sự muốn gì, mình muốn trở thành gì, mình mang những giá trị nào vào thương hiệu của mình, nhiều năm tiếp theo thương hiệu của mình phát triển ra sao. Tôi cứ nghĩ rồi viết, viết rồi lại xóa, rồi lại viết tiếp. Cứ như thế trong 3 tháng, tôi mới hoàn thành"".
My cho biết phần lớn những người học thiết kế có xu hướng chung là xây dựng một thương hiệu riêng mang tên mình, một thương hiệu đậm chất cá nhân.
Quá trình học và kinh doanh, My nhận ra Việt Nam chưa có thương hiệu nào thực sự lớn dành cho giới trẻ cả về sự đa dạng trong thiết kế, chất lượng sản phẩm.
Thị trường thời trang giới trẻ bị hàng Trung Quốc xâm chiếm. My mơ ước xây dựng một thương hiệu thời trang của Việt Nam, dành riêng cho đối tượng này.
Hai năm đầu ra trường là khoảng thời gian My học, tìm hiểu về thiết kế và ngành may. Từ bỏ chuỗi cửa hàng thời trang, đi một hướng riêng với thương hiệu thời trang Momoco, My thừa nhận: “Đây mới thực sự là những thách thức, khó khăn. Trước, tôi chỉ lo nhập hàng về bán thì với Momoco, tôi chuyển sang tự sản xuất, tự xây dựng hệ thống, thương hiệu”.
My nhận ra sự lên ngôi của hàng Trung Quốc là do sự cập nhật mẫu mã, xu hướng quá nhanh trong khi giá thành rẻ nhưng chất lượng sản phẩm không được đảm bảo.
Khi xây dựng Momoco, My tập trung vào phân khúc hàng bình dân, trang phục mang tính ứng dụng cao nhưng phải phóng khoáng và lịch lãm. Áp dụng chiêu thức của Trung Quốc, My cập nhật liên tục tính xu hướng và tính thời trang trên thế giới vào sản phẩm.
Trước đó, My quan niệm để sản phẩm được nhiều người biết đến chỉ cần mẫu mã đẹp, thời thượng, quảng bá tốt thì khi thiết lập Momoco, cô nhận ra nếu không xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của thương hiệu thì bản thân sẽ không có hướng đi cụ thể.
Với đứa con tinh thần Momoco, My bước chân vào thử thách hoàn toàn mới, đòi hỏi sự am hiểu không chỉ thời trang mà cả kinh doanh. Kiến thức kinh doanh là khoản My thiếu hụt nhiều nhất. Để bù vào khoảng trống đó, cô tham gia các khóa học ngắn hạn về quản trị kinh doanh, xây dựng thương hiệu.
My cũng tích cực tìm đọc các loại sách về kinh tế. Xây dựng Momoco, My có 1 ekip cộng sự cùng đưa ra ý tưởng, thiết kế trang phục, mẫu mã. Phần sản xuất, My đặt xưởng may bên ngoài.
Đến nay, Momoco hoạt động được 6 tháng. My cho biết phản ứng của khách hàng với sản phẩm khá tốt. My chia sẻ cô còn gặp nhiều khó khăn về vốn, nhân lực để có thể đẩy mạnh việc sản xuất.
Trong tương lai, My mơ về 1 chuỗi cửa hàng sản phẩm của thương hiệu Momoco. Và trong vài năm tới, My hy vọng khách hàng sẽ biết đến Momoco như 1 thương hiệu dành cho giới trẻ có sự chuyên nghiệp trong cả sản phẩm và dịch vụ.