Chàng trai “thơm mùi vani”

Học Quản trị Kinh doanh ở Singapore nhưng khi về nước, Yun Lukas (tên thật là Huỳnh Đức Hùng) lại “bắt tay” vào làm trong lĩnh vực hàng không, rồi viết blog thời trang. Và hiện tại, mọi người biết đến Hùng như một người thợ – thầy dạy làm bánh, tác giả series Những ngón tay vani đang “gây sốt” giới ẩm thực.

Chàng trai “thơm mùi vani”

Tự tạo cơ hội cho mình

Ngay từ khi còn nhỏ, Yun Lukas đã ấp ủ giấc mơ du học để mở mang kiến thức và trải nghiệm cuộc sống mới. Nghĩ là làm, cậu đã quyết tâm để được bố mẹ đồng ý cho sang Singapore học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, với bảng điểm “long lanh” cuối kỳ. 

Khi ở nước ngoài, Yun cũng bươn trải làm thêm để hạn chế phải xin trợ cấp từ bố mẹ. Kết thúc 2 năm học tập, cậu trở về nước và được nhận vào làm cho một hãng hàng không. Là người thích sáng tạo, nên công việc gò bó ấy gây nhàm chán cho Yun. 

Vốn có khiếu thẩm mỹ nên những lúc rảnh rỗi, Yun thường viết blog về thời trang. Dần dần, cậu được nhiều người biết tới và mời cộng tác. Một công ty thời trang thấy phong cách hình ảnh của Yun phù hợp nên đã mời cậu phụ trách sản xuất hình ảnh, một công việc chẳng liên quan gì đến chuyên ngành cậu học.

“Tại sao bạn phải ngồi đợi cơ hội đến, mà không thử tự tạo cơ hội cho chính mình. Khi bạn thực hiện điều gì đó một cách tâm huyết và nghiêm túc, bạn sẽ nhận được nhiều hơn là một sự hoàn thành. Đó có thể là bắt đầu của sự thành công”, Yun chia sẻ.

“Ổ bánh mì đa-zi-năng”

Khi còn ở Singapore, học hành bận rộn, rồi bươn chải làm thêm khiến Yun chẳng còn thời gian nấu nướng tại nhà mà thường ăn ở ngoài hay thậm chí, chén đại vài miếng bánh cho qua bữa. Rồi cậu nghiện những chiếc bánh ngọt từ lúc nào không hay. 

Một ngày nọ, Yun chợt nảy ra ý định: “Tại sao mình không thử tự làm bánh để ăn? Vừa không tốn tiền mua mà có thể làm để ăn bất cứ lúc nào tùy thích!”. Ngay sau đó, Yun “tầm sư học đạo” trên “nhà bác Gúc” các công thức làm bánh, rồi tìm hiểu thêm về thế giới các loại bánh Tây mà mình yêu thích. 

Nhưng đến khi thực hành, cậu dường như phát điên lên vì mấy cái bánh làm đi làm lại mấy lần mà vẫn không thành. Cậu bực mình vì làm đúng công thức như trong sách vẫn dạy mà không khi nào được như… bản gốc.

Khi về nước, cậu liền đăng ký tham gia học làm bánh tại một trường quốc tế. Càng học càng thấy mê và cậu phát hiện ra rằng: “Phải đi học thì mới biết được mỗi loại bánh cần có những kỹ năng cần thiết nào. Ngoài công thức ghi trên sách vở, mỗi một người thợ làm bánh đều có kỹ thuật và bí quyết riêng, chẳng ai giống ai cả”. 

Không chỉ thời gian trên lớp, mà cứ khi rảnh rỗi là Yun lại hì hụi với những khay bột. Chỉ mới “nhập môn” một thời gian ngắn, Yun đã có thể làm trên 40 dạng bánh Tây khác nhau, với hơn 150 loại: Mặn, ngọt, tráng miệng… các loại, khiến thầy giáo không khỏi bất ngờ.

Yun bảo: “Mình giống như một chiếc bánh mì dạng bread, có khả năng biến hóa cao, có thể ăn với mứt hay đồ mặn… và tạo được nhiều mùi vị phong phú. Yun thấy bản thân mình giống “bánh mì” ở chỗ, có thể thích nghi tốt và làm tốt ở nhiều môi trường khác nhau”.

Cuốn sách thơm mùi vani

Khi hoàn thành được một chiếc bánh nào đó, Yun hay chia sẻ lên Facebook và blog cá nhân cho bạn bè xem. Dần dần, cậu biến thành người tư vấn và giải đáp thắc mắc cho mấy đứa bạn “chuyên làm hỏng bánh”. 

Một người chị cũng thích làm bánh giống Yun thấy vậy, liền gợi ý cho cậu mở một tiệm dạy làm bánh, nơi các bạn và Yun có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Được sự động viên và lời hứa “cho mượn cửa hàng miễn phí”, Yun bắt đầu khai giảng lớp dạy làm bánh đầu tiên của mình, với gần 20 học viên đăng ký sau một ngày thông báo.

Chỉ một tuần mở lớp, cái tên Yun Lukas đã được xuất hiện trên nhiều tờ báo. Sau đó, I Love Cookbook đã liên hệ với cậu để đề nghị hợp tác cho ra đời một cuốn sách về làm bánh. 

Hơi bất ngờ về lời đề nghị nhưng nghĩ đó sẽ là trải nghiệm thú vị nên Yun đồng ý luôn. Việc viết cuốn sách bắt đầu từ tháng Năm, đến giữa tháng Tám thì cậu hoàn thành, với khoảng 60% nội dung cuốn sách là những gì đã viết, đã chụp trước đó. “Nó giống như là nơi để mình viết nhật ký nhưng được trình bày đẹp hơn, được nhiều người đọc và chia sẻ hơn.

Khi phát hành, cuốn sách cũng nhận được những phản hồi khá tích cực từ độc giả. “Những ngón tay Vani” là một cuốn cookbook có concept khá mới, cho nên mọi người còn hơi bỡ ngỡ trong thời gian đầu nhưng sau đó sẽ thấy thích”, Yun chia sẻ.

Nếu như ở Những ngón tay vani – Yun Lukas’s Mookbook, độc giả đã cảm nhận được tình yêu bánh ngọt của Yun Lukas từ lúc còn bé, cho đến lúc cậu trưởng thành và biết yêu, qua những dòng tự sự chân thành thì Những ngón tay vani – Lavie En Rose, sẽ là một bức tranh lãng mạn, đầy cung bậc cảm xúc yêu đương đôi lứa – điều mà Yun Lukas muốn gửi gắm qua từng công thức trong sách. 

Cuốn sách nhỏ nhắn, gồm 22 công thức bánh ngọt – được chính cậu thiết kế như một gói quà lãng mạn, với giấy gói in hoa hồng cùng dải nơ đăngten tinh tế. 

La Vie en Rose như một cuộn phim quay chậm, ghi lại những mảnh ký ức tình yêu của Yun Lukas – chàng trai với con tim yêu luôn tràn đầy sự mơ mộng, lãng mạn với những cổng hoa hồng sớm mai đẹp tinh khôi, mùi gối chăn sau đêm say giấc nồng, tách cà phê thơm ngát cùng bữa sáng trên giường cùng người yêu… và cả những buổi trà chiều đầy ắp tiếng cười của hạnh phúc, yêu thương.

Yun Lukas mong muốn dùng Những ngón tay vani làm tít chính cho Tủ sách cookbook của mình vì mùi vani thoảng trên ngón tay luôn tạo nguồn cảm hứng vô tận cho cậu trong bếp bánh ngọt và đó là thứ tình yêu không bao giờ thay đổi.

Theo Sinh viên Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.