Tận dụng môi trường mạng giáo dục đạo đức, lối sống thanh thiếu nhi

GD&TĐ - Ứng dụng hiệu quả, khai thác tối đa công nghệ thông tin (CNTT) và mạng xã hội là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Nhiều thách thức

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội, mạng xã hội là một trong những phương tiện truyền thông phổ biến nhất hiện nay, kênh thông tin có sức lan tỏa rất nhanh và rộng.

Ưu điểm nổi trội của mạng xã hội là gắn kết, chia sẻ và tìm kiếm; là cây cầu nối người với người, nối ý chí với cơ hội và nối mỗi chúng ta với nguồn thông tin vô tận.

Bên cạnh đó, mạng xã hội còn là cầu nối giúp nhiều phong trào thanh niên đến gần hơn với giới trẻ, hiệu quả hơn những cách thức truyền thống. Thậm chí với bạn trẻ đủ năng động, sáng tạo, đam mê, mạng xã hội còn được sử dụng để start-up khởi nghiệp, kinh doanh, tiếp cận với  nhà đầu tư tiềm năng.

“Tính ứng dụng của mạng xã hội và tiềm năng của nó đặt ra nhiệm vụ cho tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp trong ứng dụng hiệu quả CNTT, mạng xã hội vào công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, định hướng thông tin, nắm bắt tình hình dư luận xã hội và trang bị kiến thức cho thanh thiếu nhi.

Thời gian qua, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội đã  phát huy tối đa hiệu quả của mạng xã hội trong giáo dục, nắm bắt tình hình, tâm lý đoàn viên thanh niên với các định hướng tuyên truyền kịp thời, đổi mới, sáng tạo về cả nội dung và hình thức“ - ông Tiến chia sẻ.

Lạm dụng mạng xã hội khiến người dùng, nhất là giới trẻ bị cuốn sâu vào thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thật của mình. Ảnh minh họa/ITN
Lạm dụng mạng xã hội khiến người dùng, nhất là giới trẻ bị cuốn sâu vào thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thật của mình. Ảnh minh họa/ITN

Tuy nhiên, khi mạng mạng xã hội trở thành kênh thông tin được giới trẻ quan tâm theo dõi với dòng chảy thông tin thay đổi theo từng giây, từng phút cũng đặt ra nhiều thách thức.

Ông Tiến cho rằng, lợi dụng điều này, các thế lực thù địch không ngừng từ bỏ âm mưu chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình” thông qua nhiều luồng thông tin độc hại trên không gian mạng.

Hình thức giáo dục không còn đơn thuần theo hướng triển khai văn bản, tài liệu mà phải đa dạng hóa các kênh,  công cụ truyền thông để tiếp cận đời sống thanh niên  nhanh chóng, gần gũi, sâu rộng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều bất cập từ “thế giới ảo” này tác động đến người dùng. Trong đó có sự tiêu tốn thời gian một cách lãng phí, ảnh hưởng đến học tập, công việc. Thông tin được đưa lên mạng xã hội ồ ạt, không kiểm soát khiến người dùng bị hoang mang, không biết đâu là tin thật, đâu là tin ảo…

Các vấn đề liên quan đến an toàn bảo mật cá nhân vẫn còn xảy ra, khiến tranh ảnh, thông tin cá nhân của người dùng bị đối tượng xấu sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Nguy hiểm hơn là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dùng do tình trạng “nghiện mạng xã hội”; lạm dụng mạng xã hội khiến người dùng, nhất là giới trẻ bị cuốn sâu vào thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thật của mình.

“Điều này đặt ra những khó khăn, thách thức cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống trên không gian mạng của tổ chức Đoàn Thanh niên”. Ông Nguyễn Đức Tiến nói và cho rằng, khó khăn nằm ở công tác nắm bắt, bao quát dư luận xã hội, dư luận trong thanh niên. Kịp thời phản bác luận điệu sai trái trên mạng xã hội tác động tiêu cực đến đoàn viên, thanh niên.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội.

Phải bắt nguồn từ sự thấu hiểu

Đưa ra giải pháp, từ góc độ của người làm công tác Đoàn, ông Nguyễn Đức Tiến cho rằng, tổ chức Đoàn các cấp phải tiên phong trong nắm bắt đặc điểm tâm lý của thanh thiếu niên để không ngừng thay đổi, sáng tạo, làm mới cách thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng.

Có thể linh động, lồng ghép sáng tạo những nội dung giáo dục trong chính các chủ đề hot, hợp “trend” để thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ thanh niên. Dùng mạng xã hội là một kênh “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp - dẹp cái xấu”.

Cần nhất quán thông tin từ cấp cao đến cơ sở, để mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên đều có thể truyền tải thông điệp, là mắt xích kết nối người dùng mạng xã hội ở khắp nơi, giúp phong trào có thể lan tỏa mạnh mẽ.

Cán bộ Đoàn phải được trang bị đầy đủ kỹ năng, am hiểu nhất định về mạng xã hội, có khả năng ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, phát huy vai trò của các công cụ hỗ trợ với công nghệ, phương tiện hiện đại trong công việc, hoạt động.

Thường xuyên tập huấn, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên cách thức tham gia diễn đàn trên mạng xã hội hiệu quả, xây dựng văn hóa sử dụng mạng xã hội. Giáo dục Đoàn viên thanh niên về mạng xã hội và tính 2 mặt của nó.

Kịp thời giới thiệu, thông tin, tuyên truyền, lan tỏa những mô hình hiệu quả, sáng tạo, gương tốt việc tốt của đoàn viên, thanh niên trong cộng đồng, xã hội.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

“Muốn các mô hình ứng dụng CNTT trong công tác giáo dục thu hút hãy để cho thanh niên được tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai. Tại Hà Nội, thành phố và các quận huyện trong nhiệm kỳ qua giao cho tổ chức đoàn, thanh niên chủ trì đề án số hóa các di tích lịch sử, văn hóa và ẩm thực đường phố trên địa bàn. Thông qua xây dựng ứng dụng, biên tập nội dung, thiết kế hình thức, thanh niên được trực tiếp tuyên truyền, giáo dục và có thể đi tuyên truyền cho người khác” - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội ví dụ.

Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông, phối hợp các kênh truyền thông đa nền tảng trong tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, định hướng dư luận đúng đắn cho đoàn viên thanh niên cũng là giải pháp được ông Tiến đưa ra.

Ngoài theo dõi tâm lý người dùng mà chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, các trang mạng xã hội của Đoàn cần là kênh chủ động theo dõi các diễn đàn tin tức, để như một bước chạy đà và lường trước, dự báo những tác động tiêu cực của những luồng thông tin không chính thống. Từ đó, chủ động định hướng thông tin, tuyên truyền giáo dục giới trẻ; có biện pháp đấu tranh hiệu quả trên không gian mạng.

“Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại, online tiếp tục giữ vai trò then chốt trong định hướng thông tin, dư luận trong tương lai. Việc “ứng dụng hiệu quả, khai thác tối đa” CNTT và mạng xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên.

Mặt khác, cần trẻ hóa các kênh thông tin của Đoàn, bắt nguồn từ sự thấu hiểu người trẻ, đi từ chính góc nhìn của người trẻ để có thể phát huy tối đa vai trò tiên phong, tính chủ động, sáng tạo, kịp thời trong làm chủ CNTT.

Từ đó, đạt hiệu quả tối đa trong tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt trên không gian mạng” – ông Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ