Chiến lược ôn tập thi tốt nghiệp THPT hiệu quả với môn Địa lí

GD&TĐ - Với đặc thù kiến thức đa dạng và các kỹ năng chuyên biệt, HS cần chiến lược ôn tập khoa học để ôn tập thi tốt nghiệp THPT hiệu quả môn Địa lí.

Cô Phạm Thị Ngọc Lan và học sinh Trường THCS&THPT Phenikaa trong giờ Địa lí.
Cô Phạm Thị Ngọc Lan và học sinh Trường THCS&THPT Phenikaa trong giờ Địa lí.

Trong bối cảnh giáo dục định hướng phát triển năng lực, môn Địa lí trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ đánh giá khả năng ghi nhớ kiến thức mà còn chú trọng năng lực tư duy, vận dụng thông tin vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Với đặc thù kiến thức đa dạng, bao gồm địa lí tự nhiên, địa lí kinh tế - xã hội và các kỹ năng chuyên biệt, học sinh cần một chiến lược ôn tập khoa học, hệ thống hóa kiến thức hiệu quả để tự tin đạt kết quả tốt nhất.

Xây dựng hệ thống kiến thức trọng tâm

“Nền tảng vững chắc cho mọi quá trình ôn tập chính là việc hệ thống hóa kiến thức”. Nhấn mạnh điều này, cô Phạm Thị Ngọc Lan, giáo viên Địa lí Trường THCS&THPT Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, giáo viên cần khuyến khích học sinh hệ thống các chủ đề lớn thành các đơn vị kiến thức nhỏ hơn thông qua từ khóa, sơ đồ tư duy hoặc bảng biểu so sánh.

Việc phân loại kiến thức theo các mảng chủ đề chính như Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí các ngành kinh tế và Địa lí vùng kinh tế sẽ tạo ra một hệ thống kiến thức mạch lạc, giúp học sinh dễ dàng liên kết các khái niệm, nguyên nhân và hệ quả.

Phương pháp học tập trung vào từ khóa không chỉ tối ưu hóa khả năng ghi nhớ mà còn rèn luyện kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin cho học sinh.

“Hiện nay, môn Địa lí với đề thi trắc nghiệm đa dạng, việc nắm vững từ khóa giúp học sinh nhanh chóng xác định trọng tâm câu hỏi, loại trừ các phương án nhiễu và đưa ra lựa chọn chính xác. Đây là một kỹ năng quan trọng để đối phó với các câu hỏi vận dụng và phân tích”, cô Phạm Thị Ngọc Lan lưu ý.

Phát triển kỹ năng làm bài thông qua luyện tập

Việc làm quen với cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí năm 2025 là một bước không thể thiếu.

Lời khuyên của cô Phạm Thị Ngọc Lan, học sinh nên chủ động tìm kiếm và làm các đề thi minh họa, đề thi chính thức của các năm trước và các đề thi thử của các Sở GD&ĐT.

Bài thi trắc nghiệm môn Địa lí bao gồm nhiều dạng câu hỏi khác nhau, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng tiếp cận phù hợp với từng dạng.

Với trắc nghiệm lựa chọn 4 đáp án học sinh cần đọc kỹ câu hỏi và phân tích từng phương án. Các em xác định kiến thức trọng tâm để đưa ra quyết định chính xác nhất, sau đó sử dụng kỹ năng loại trừ các đáp án sai dựa trên kiến thức nền tảng và từ khóa trong câu hỏi là rất quan trọng.

de-tham-khao-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2021-9121.jpg

Lưu ý với câu trắc nghiệm đúng/sai, cô Phạm Thị Ngọc Lan cho rằng, học sinh phải phân tích kỹ lưỡng từng thành phần của câu, xác định chủ đề liên quan và cân nhắc mọi khía cạnh là cần thiết để tránh những sai sót đáng tiếc.

Với trắc nghiệm trả lời ngắn, học sinh cần tập trung vào khả năng vận dụng công thức tính toán và xử lí số liệu. Việc hệ thống hóa các công thức theo chủ đề và luyện tập áp dụng một cách chính xác sẽ giúp các em thành thạo và tự tin với dạng trắc nghiệm này.

Ngoài ra, với trắc nghiệm trả lời ngắn, các em cần đặc biệt lưu ý đến yêu cầu làm tròn đáp án để tránh mất điểm không đáng có.

Chuẩn bị tâm lý và thực hành trong môi trường thi mô phỏng

Bên cạnh kiến thức và kỹ năng, tâm lý phòng thi đóng vai trò then chốt trong việc quyết định kết quả.

Nhấn mạnh điều này, theo cô Phạm Thị Ngọc Lan, học sinh cần tự giác ôn tập và luyện đề trong bối cảnh tương tự như điều kiện thi thực tế, như tạo không gian yên tĩnh, tuân thủ thời gian làm bài và hạn chế các yếu tố gây xao nhãng sẽ giúp học sinh làm quen với áp lực và xây dựng sự tự tin.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một dấu mốc quan trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc và toàn diện. Với một chiến lược ôn tập hiệu quả, sự rèn luyện và tâm lý vững vàng, học sinh hoàn toàn có thể tự tin chinh phục môn Địa lí và đạt được kết quả như mong đợi”, cô Phạm Thị Ngọc Lan cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ