Lồng ghép thông qua hoạt động trải nghiệm
Trong những năm qua, các trường học trên địa bàn TP Cần Thơ đã hết sức chủ động, tích cực phối hợp với phụ huynh học sinh và chính quyền, đoàn thể địa phương trong việc xây dựng, tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục trong trường học và tại địa phương.
Nội dung và hình thức giáo dục học sinh vì thế rất phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhiều mô hình hay về việc lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống học sinh thông qua các hoạt động giáo dục trải nghiệm đã được triển khai. Tiêu biểu là các mô hình như giáo dục đạo đức học sinh tiểu học thông qua mô hình “Sinh hoạt các câu lạc bộ trong trường học”, “trải nghiệm làm đầu bếp nhí”, “Xây dựng và chăm sóc vườn rau”…
Bà Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) chia sẻ: Với chương trình giáo dục hiện hành, học sinh sẽ có 2 tiết học đạo đức tại trường với 1 tiết lý thuyết và 1 tiết thức hành. Qua đó các em cũng chỉ thực hành minh hoạ lại điều việc học được ở phần lý thuyết.
Nhưng kể từ khi áp dụng chương trình GDPT 2018, học sinh được học giáo dục đạo đức tại tất cả các môn học. Điển hình ở môn Tiếng Việt, học sinh được giáo dục qua chủ đề, chủ điểm về gia đình, về bạn bè… Các em được giáo viên vừa hướng dẫn phân môn Tiếng Việt vừa được giáo dục phải biết yêu thương gia đình và giúp đỡ mọi người xung quanh.
Thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại trường, học sinh hình thành những thói quen tự phục vụ, kỹ năng học tập, kỹ năng giao tiếp cơ bản. Nhà trường còn lồng ghép giáo dục đạo lức, lối sống để các em phát triển các kỹ năng xã hội qua tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời hướng tới mục tiêu là phát triển một số năng lực đặc thù.
Chẳng hạn với hoạt động “trải nghiệm làm đầu bếp nhí”, học sinh không chỉ nắm các kiến thức cơ bản về các thực phẩm, món ăn hàng ngày trong gia đình, về các đồ dùng dụng cụ trong bếp và cách sử dụng chúng mà còn hiểu được giá trị lịch sử và văn hoá của từng món ăn, từ đó giúp các em trân trọng, lưu giữ nó. Ngoài ra, học sinh còn được thể hiện kỹ năng giao tiếp, học hỏi và chia sẻ với nhau trong quá trình trải nghiệm.
Gặt hái hiệu quả từ mô hình lồng ghép
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Lê Thị Hường - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ cho biết: Từ năm học 2017-2018, khi áp dụng trường học điển hình đổi mới, Phòng GD&ĐT quận đã chỉ đạo các trường lồng ghép, tích hợp và tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục giá trị sống cho học sinh thông qua các môn học trải nghiệm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Trước đây, các hoạt động lồng ghép giáo dục đạo đức học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm ở trường làm rất đơn lẻ, trường nào làm trường đó và phụ thuộc nhiều vào vai trò của cán bộ tổng phụ trách tại đơn vị. Nhưng kể khi áp dụng mô hình trường học điển hình đổi mới và chính thức thực hiện chương trình GDPT mới 2018, các hoạt động đi vào nề nếp hơn, các hình thức tổ chức phong phú hơn và đa dạng hơn.
Trong giai đoạn tới, phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện nhiều hoạt động phong phú hơn, để học sinh có thể tiếp cận một cách hết sức nhẹ nhàng mà không phải áp dụng máy móc như học thuộc lòng.
Qua một năm thực hiện, cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) nhận thấy khi tổ chức giáo dục lồng ghép hoạt động trải nghiệm, học sinh được học thực hành nhiều hơn so với học lý thuyết, do đó các em bước vào thực tế nhiều hơn và thích thú với việc học hơn. Đồng thời học sinh được phát triển nhiều ở các lĩnh vực, phát triển về năng lực và phẩm chất cần có. Các em còn biết tìm tòi các nguồn hỗ trợ để học tập và phát triển khả năng của bản thân trong việc học.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), đến nay, học sinh Cần Thơ có ý thức học tập tốt, có động cơ học tập đúng đắn, có lý tưởng cao đẹp, tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, của địa phương. Đa số học sinh chăm ngoan, lễ phép, cố gắng trong rèn luyện đạo đức và lối sống, không có trường hợp học sinh vi phạm đạo đức, lối sống nghiêm trọng. Không có tình trạng bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra, hạnh kiểm khá tốt của học sinh chiếm tỷ lệ khá cao, đạt gần 90%.