Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Tăng đối thoại thầy - trò”

“Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Tăng đối thoại thầy-trò” là chủ đề Chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục và Thời đại thực hiện, từ 14h00 – 15h00 ngày 26/8/2021.

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Tăng đối thoại thầy - trò”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- ThS. Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên;

- Thầy giáo Nguyễn Trọng Tấn - Bí thư Đoàn Trường THPT Lương Ngọc Quyến - Thái Nguyên.

Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành GD-ĐT. Những năm gần đây, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, học sinh sinh viên đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ.

Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, học sinh sinh viên được triển khai ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo và trong các hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên, tạo hiệu quả rõ rệt.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đã bổ sung, thay thế nội dung giáo dục đạo đức trong chương trình giáo dục hiện hành.

Các khách mời của Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Tăng đối thoại thầy - trò” sẽ trao đổi với độc giả về các biện pháp tổ chức thực hiện giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh với mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook: www.fb.com/giaoducthoidai.

Ông Ngô Tiến Nha (bên phải) - Phó trưởng văn phòng thường trú Báo GD&TĐ khu vực Việt Bắc tặng hoa cảm ơn các khách mời tham dự buổi giao lưu trực tuyến
Ông Ngô Tiến Nha (bên phải) - Phó trưởng văn phòng thường trú Báo GD&TĐ khu vực Việt Bắc tặng hoa cảm ơn các khách mời tham dự buổi giao lưu trực tuyến
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Bí thư Đoàn Trường THPT Lương Ngọc Quyến - Thái Nguyên

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên

Bạn đọc

Bạn Quangnguyen...@gmail.com:

Theo thầy, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh có ý nghĩa như thế nào đối với công tác dạy - học trong nhà trường?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Người xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Từ đó, ta có thể thấy giáo dục đạo đức, lối sống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dạy học của mỗi nhà trường. Muốn có một môi trường giáo dục tốt để học sinh tiếp thu được kiến thức, trước hết mỗi nhà trường phải định hướng đúng đắn việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống cho học sinh.

Bạn đọc

Bạn Bảo Bình (Hà Nội):

Theo thầy, mỗi giáo viên nên chuẩn bị tâm thế ra sao để có thể sẵn sàng đối thoại với học trò trong vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

 

Thầy trò trường THPT Lương Ngọc Quyến biểu diễn văn nghệ, tặng quà Tết tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Thầy trò trường THPT Lương Ngọc Quyến biểu diễn văn nghệ, tặng quà Tết tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Để có thể sẵn sàng đối thoại với học trò trong vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, trước hết, mỗi thầy cô phải luôn cố gắng tu dưỡng đạo đức, là tấm gương để các em noi theo.

Mỗi thầy cô phải rèn luyện cho mình kĩ năng lắng nghe, chia sẻ và thậm chí là biết cả chấp nhận nữa. Lắng nghe những khúc mắc, những suy tư thầm kín của học trò một cách chân thành, không áp đặt. Từ đó, chia sẻ với những khó khăn mà học trò đang gặp phải để đưa ra cách giải quyết phù hợp. Và biết chấp nhận cá tính riêng của học trò, sai lầm của học trò để định hướng cho các em con đường đúng đắn về sau.

Vì trên thực tế, lứa tuổi này mới chỉ là lứa tuổi đang hình thành nhân cách mà thôi! Nếu thầy cô không làm được những điều trên thì việc đối thoại sẽ rất khó thành công.

Bạn đọc

Bạn thuphuong68…@:

Qua thực tế dạy học trên lớp, thầy thấy việc đối thoại với học trò thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Qua thực tế dạy học trên lớp, tôi thấy việc đối thoại với học trò có thuận lợi và cũng có khó khăn nhất định. Thuận lợi là học trò khá cởi mở, gần gũi với thầy cô, sẵn sàng chia sẻ, có những bạn cũng rất thẳng thắn trao đổi những quan điểm cá nhân của mình. Bên cạnh đó, hầu hết các em đều có thái độ tôn trọng, lễ phép với thầy cô giáo và tích cực thay đổi khi được góp ý, chia sẻ.

Còn khó khăn thường tồn tại ở một số học sinh còn thiếu sự quan tâm của gia đình hoặc quen được nuông chiều từ nhỏ, dẫn đến việc các em thường khép kín hoặc có thái độ bất cần. Với những học sinh này, tôi thường phải tìm hiểu riêng hoàn cảnh gia đình, tính cách, các mối quan hệ… để có định hướng đối thoại phù hợp.

Thầy Nguyễn Trọng Tấn trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ trong buổi giao lưu trực tuyến
Thầy Nguyễn Trọng Tấn trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ trong buổi giao lưu trực tuyến
Bạn đọc

Bạn Trần Hiếu (Thái Nguyên):

Trong quá trình đối thoại với học sinh, thầy thấy các em đón nhận vấn đề giáo dục đạo đức lối sống như thế nào?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Hầu hết các em khá hào hứng và vui vẻ, thậm chí cũng thấy quen thuộc.

Với trường chúng tôi, các em học sinh được đón nhận việc giáo dục đạo đức, lối sống một cách tự nhiên thông qua các chuyên đề, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các sân chơi do nhà trường tổ chức, như: Ngày hội đọc sách tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, Hội thi báo “Tri ân thầy cô và mái trường”, đêm văn nghệ xây dựng Quỹ “Thắp sáng ước mơ” ủng hộ học sinh nghèo vượt khó, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”,…

Trường THTP Lương Ngọc Quyến tổ chức diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường.

Trường THTP Lương Ngọc Quyến tổ chức diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường.

Bạn đọc

Bạn Nguyên Bảo (Phú Bình – Thái Nguyên):

Trong bối cảnh đời sống xã hội hiện đại, đặc điểm về tâm sinh lí cũng như nhận thức của học sinh có những thay đổi nhất định. Theo ông, việc tăng cường đối thoại thầy và trò có ý nghĩa như thế nào trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

Công tác nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong học sinh, tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo với học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc trong học sinh là một trong những việc làm cần thiết, quan trọng phải được tổ chức thường xuyên hằng năm.

Hoạt động đối thoại trực tiếp với các em học sinh tạo ra môi trường thân thiện, ngoài việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc trong học sinh thì hoạt động đối thoại cũng chính là môi trường để truyền tải tới học sinh cái đẹp trong văn hóa ứng xử.

ThS Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên
ThS Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên

 

Bạn đọc

Bạn Phuongnguyen72@...:

Thái Nguyên đề ra giải pháp như thế nào để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được triển khai một cách căn cơ, đồng bộ?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

Giáo viên trường Tiểu học Phú Xá (TP Thái Nguyên) tích cực tương tác, trao đổi tạo sự thân thiện với học trò. Ảnh tư liệu
Giáo viên trường Tiểu học Phú Xá (TP Thái Nguyên) tích cực tương tác, trao đổi tạo sự thân thiện với học trò. Ảnh tư liệu

 

Giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ học đường là một nội dung lớn, diễn ra trên bình diện quốc gia, đòi hỏi sự đồng bộ, hoàn chỉnh từ hệ thống pháp luật; công tác quản lí nhà nước về thanh thiếu nhi, về giáo dục và đào tạo đến các hoạt động của từng cơ sở giáo dục, từng cán bộ quản lí, giáo viên của các nhà trường…

Tại Điều 2, Chương I của Luật Giáo dục năm 2019 có ghi: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Như vậy giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các nhà trường hiện nay, như lời Bộ trường Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh “Giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ, kỹ năng sống”.

Để triển khai công tác Giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho HS phổ thông giai đoạn 2021-2025 được triển khai một cách đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính tri, của toàn xã hội, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND 14/4/2021 Kế hoạch tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho học sinh phổ thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã xây dựng Kế hoạch hướng dẫn các đơn vị trong toàn ngành triển khai thực hiện.

Bạn đọc

Bạn Vantuongpham@...:

Với sự phát triển và thay đổi của nhịp sống xã hội hiện đại, cùng với khoảng cách về thế hệ và lứa tuổi, có thể có những khác biệt nhất định trong quan điểm về đạo đức, lối sống giữa thầy cô và học trò. Thầy nghĩ thế nào về điều này?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

 

Trường THPT Lương Ngọc Quyến tặng quà cho học sinh nhân dịp Tết Tân Sửu.

Trường THPT Lương Ngọc Quyến tặng quà cho học sinh nhân dịp Tết Tân Sửu.

Việc khác biệt trong quan điểm về đạo đức, lối sống giữa thầy cô và học trò là điều chúng ta có thể dễ dàng thấy được, với những lí do như vừa nêu ở câu hỏi. Tuy nhiên, dù là ở thời đại nào, chúng ta cũng có những quy chuẩn cơ bản về đạo đức cần tuân thủ, lối sống tích cực mà mọi người đều cần hướng đến. Đó chính là cơ sở để người thầy giáo dục được đạo đức, lối sống cho học trò theo chuẩn mực xã hội đương thời.

Bạn đọc

Bạn Buimai…@gmail.com:

Theo thầy, các phụ huynh học sinh nên lưu ý điều gì để phối hợp hiệu quả cùng giáo viên trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con em mình?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Trước hết, các bậc phụ huynh hãy quan tâm tới con em của mình để hiểu về sự thay đổi tâm lí của các em trong từng lứa tuổi. Bên cạnh đó, việc kết hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của nhà trường là một trong những cách thức hữu hiệu để giáo dục đạo đức cho học sinh. Bởi lẽ, ở mỗi môi trường khác nhau, học trò sẽ có những biểu hiện tâm lí, tích cách khác nhau.

Có những học sinh ở nhà sẽ có những biểu hiện tính cách khác với khi đến trường… do đó, phụ huynh cần đặc biệt phối hợp với giáo viên trong giáo dục con em mình.

Bạn đọc

Bạn Nguyenquyen54@...:

Kế hoạch công tác giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 của Thái Nguyên có đề cập việc xây dựng nét phong cách nổi bật của học sinh tỉnh nhà. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

Phải xác định công tác giáo dục đạo đức cho học sinh là việc hệ trọng, lâu dài, cho hiện tại và cả cho tương lai, là một nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT.

Vì vậy Kế hoạch hoá công tác giáo dục đạo đức cho học sinh có vai trò rất quan trọng, giúp nhà trường chủ động định hướng trước các nội dung, biện pháp, thời gian, cơ chế phối hợp để thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đạo đức học sinh trong suốt năm học; tránh sự tùy tiện, cảm tính, ngẫu hứng và bị động trong hoạt động.

Có những mục tiêu được lượng hóa, hoặc mục tiêu định tính song điểm nhấn trong giai đoạn 2021-2025 là phải xây dựng cho được nét phong cách nổi bật của học sinh tỉnh Thái Nguyên đó là: “Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm”.

Bạn đọc

Bạn Lananhnb…@gmail.com:

Nội dung mà ngành giáo dục Thái Nguyên sẽ tập trung nhất trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là gì?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

Nội dung cần đặc biệt quan tâm đó là Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục.

Về nội dung giáo dục: Giáo dục kiến thức đạo đức; thái độ đạo đức; kỹ năng - hành vi đạo đức và được thực hiện thông qua môn học và hoạt động giáo dục.

Về phương pháp giáo dục: Phương pháp giáo dục đạo đức cho HS rất phong phú trong đó chúng tôi đặc biệt chú trọng đến phương pháp nêu gương.

Về xây dựng tiêu chí về văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và học sinh trong trường học phù hợp với đặc điểm, tình hình văn hóa, kinh tế xã hội của địa phương, đơn vị. Trong đó, một trong những nội dung được quan tâm  là xây dựng “Thông điệp nhà trường”.

Mỗi đơn vị trường học đều xây dựng “Thông điệp nhà trường” phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học và đặc điểm đơn vị. “Thông điệp nhà trường” phải hàm chứa những nội dung cốt lõi nhằm giáo dục học sinh có lễ phép, thân thiện, trung thực, trách nhiệm. 

Bạn đọc

Bạn thunguyenvu@...:

Thầy có thể chia sẻ thêm về những cách làm, những kinh nghiệm của mình qua thực tế quá trình đối thoại với các em học sinh?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Qua thực tế đối thoại với học sinh, tôi rất chú trọng việc lắng nghe và chia sẻ với học trò. Muốn vậy, phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của các em để thông cảm, tôn trọng cảm xúc của học trò, từ đó đưa ra những gợi ý để các em tự lựa chọn. Không áp đặt suy nghĩ của mình lên các em, không rao giảng những bài học về đạo đức một cách sáo rỗng, không quát nạt và xúc phạm. Đó là những nguyên tắc của tôi khi đối thoại với học trò.

Bạn đọc

Bạn Khánh Linh (Đồng Hỷ- TN):

Thầy thấy đối với các nhà trường của Thái Nguyên, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh có thể gắn vào những nội dung, vấn đề cụ thể nào của địa phương?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh có thể gắn với những hoạt động xã hội có ý nghĩa tại địa phương như: Trồng cây xanh, vệ sinh môi trường, tổ chức các sân chơi bổ ích thu hút các em tham gia như Giải bóng đá, Hội thi dân vũ, Hội thi “Giai điệu tuổi hồng”,… tổ chức các chương trình tình nguyện như chương trình tình nguyện mùa Đông, chương trình “Xuân ấm yêu thương”,…

Đoàn viên thanh niên trường THPT Lương Ngọc Quyến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh tư liệu

Đoàn viên thanh niên trường THPT Lương Ngọc Quyến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Gvvungcao…@gmail.com:

Ông có thể nói rõ hơn nội dung của “Thông điệp nhà trường” trong kế hoạch giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh của Thái Nguyên?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

“Thông điệp nhà trường” của mỗi một đơn vị, cơ sở giáo dục có thể tập trung vào một số nội dung mang tính định hướng sau:

- “5 xin” trong giao tiếp (Xin chào; Xin phép; Xin lỗi; Xin góp ý; Xin cảm ơn).

- “5 luôn” khi tiếp xúc (Luôn dạy tốt, học tốt; Luôn mỉm cười thân thiện; Luôn nhẹ nhàng, lịch thiệp; Luôn thấu hiểu, chia sẻ; Luôn nhiệt tình, giúp đỡ).

- “5 không” khi ở trường (Không mang vũ khí, chất dễ gây cháy nổ, thuốc lá, các chất gây nghiện đến trường; Không mang dụng cụ, thiết bị ra ngoài phòng học; Không vứt rác bừa bãi, không mang quà bánh lên khu vực lớp học; Không nói tục chửi bậy; Không mất trật tự, không làm việc riêng trong giờ học).

- “3 nhớ” và “1 đừng quên” trước khi ra về (Nhớ lau sạch bảng sau mỗi giờ học và cuối buổi học; Nhớ thu gom rác, phế thải để đúng nơi quy định; Nhớ kê lại bàn ghế, đồ dùng trong phòng; Đừng quên tắt các thiết bị điện trước khi ra về).

Bạn đọc

Bạn Phamphuong…@gmail.com:

Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh của Thái Nguyên sẽ được ngành triển khai ngay trong năm học 2021 - 2022 là gì, thưa ông?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

Trong năm học 2021-2022, các đơn vị trường học xây dựng và giới thiệu mô hình tiêu biểu về giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử trong trường học trong từng cấp học. Từ đó nhân rộng trong toàn ngành trong những năm tiếp theo.

Trong học kỳ I, các đơn vị, trường học tổ chức lựa chọn, xây dựng mô hình phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị và phù hợp đặc điểm lứa tuổi học sinh, báo cáo về cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp để theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện mô hình.  

Bạn đọc

Bạn Quanghaivu@...:

Theo ông, giải pháp trọng tâm để triển khai hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là gì?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

 

Sở GD&ĐT Thái Nguyên phối hợp với Đài PT-TH Thái Nguyên tổ chức cuộc thi Dân ta phải biết sử ta, tạo sức hút lớn đối với học sinh.

Sở GD&ĐT Thái Nguyên phối hợp với Đài PT-TH Thái Nguyên tổ chức cuộc thi Dân ta phải biết sử ta, tạo sức hút lớn đối với học sinh.

Để triển khai hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa ứng xử cho hoạc sinh cần tập trung làm tốt 6 giải pháp:

- Một là, Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học;

- Hai là, Xây dựng kế hoạch tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống thông qua các hoạt động thiết thực, cụ thể trong tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể;

- Ba là, Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học;

- Bốn là, Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học;

- Năm là, Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử;

- Sáu là,  Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho học sinh.

Trong đó giải pháp trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Cụ thể:

- Xây dựng nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục và đào tạo bảo đảm thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng cấp học.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, giáo dục Lý luận chính trị theo hướng tiếp cận tự nhiên, tránh giáo điều, cứng nhắc (Tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Đa dạng hóa các hình thức để phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh).

-  Xây dựng chuyên đề đổi mới phương pháp và hình thức giáo dục văn hóa ứng xử, giá trị văn hóa truyền thống thông qua các môn học, các hoạt động giáo dục cho từng cấp học. Quan tâm giáo dục văn hóa địa phương trong nội dung giáo dục địa phương của các môn học.

-  Biên tập tài liệu Văn hóa học đường cho học sinh phổ thông; tổ chức chuyên đề sinh hoạt Đoàn, Đội, Hội; giáo dục, định hướng ứng xử trên mạng xã hội cho học sinh. 

Bạn đọc

Bạn Thaomien…@gmail.com:

Công tác tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

Về vấn đề này, chúng tôi đã đề ra một số biện pháp, như:

- Phối hợp với các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử trường học; cung cấp tài liệu cho phụ huynh học sinh về đạo đức lối sống và văn hóa ứng xử.

-  Thông báo cho phụ huynh nội dung Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của nhà trường; Thông điệp nhà trường.

-  Tổ chức hội thảo chuyên đề về phối hợp giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh hằng năm.

- Thường xuyên rà soát thực hiện Điều lệ nhà trường, quy chế đánh giá hạnh kiểm, kết quả rèn luyện của học sinh.

Học sinh trường THCS Trương Vương (Thái Nguyên) nâng lá cờ Tổ quốc được các chiến sĩ đảo Sinh Tồn gửi tặng. Ảnh tư liệu.

Học sinh trường THCS Trương Vương (Thái Nguyên) nâng lá cờ Tổ quốc được các chiến sĩ đảo Sinh Tồn gửi tặng. Ảnh tư liệu.

 

Bạn đọc

Bạn Phuongmai…@gmail.com:

Theo thầy, điều gì sẽ giúp các em học sinh hào hứng khi đón nhận vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Các em học sinh cần được tham gia các hoạt động thực tế, có tính cộng đồng, có ý nghĩa với xã hội để rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, lối sống. Tôi nghĩ với lứa tuổi của các em, những hoạt động như vậy sẽ rất bổ ích và sẽ được các em đón nhận hào hứng.

Bạn đọc

Bạn Thu Hiền (Phú Thọ):

Một trong những vấn đề nóng hiện nay là tình trạng học sinh sử dụng mạng xã hội không đúng mục đích đã và đang gây ra những hậu quả đáng tiếc. Thầy đánh giá về vấn đề này như thế nào? Ở trường Lượng Ngọc Quyến, việc giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh được triển khai như thế nào?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Xã hội ngày càng hiện đại, mạng lưới công nghệ thông tin bao phủ toàn cầu với sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok…) sẽ mang lại những tác động tích cực và cả những ảnh hưởng tiêu cực tới lứa tuổi học sinh. Với học sinh THCS và THPT, nhân cách đang trong giai đoạn định hình thì mạng xã hội có khả năng tác động khá nhiều đến suy nghĩ, hành vi, lối sống của các em.

Nếu các em không được người lớn định hướng đúng đắn, không có kĩ năng sử dụng mạng xã hội lành mạnh, các em rất dễ bị kích động, lôi kéo và có những hành động sai lầm, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Ở trường THPT Lương Ngọc Quyến, chúng tôi luôn trú trọng giáo dục cho các em học sinh kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn thông qua các diễn đàn, các buổi ngoại khoá dưới cờ, các giờ sinh hoạt lớp. Việc tuyên truyền diễn ra thường xuyên, liên tục, do đó, học sinh nhà trường có kỹ năng sử dụng mạng xã hội khá tốt, chưa để lại hậu quả đáng tiếc nào.

Trường THPT Lương Ngọc Quyến tuyên truyền về kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh.

Trường THPT Lương Ngọc Quyến tuyên truyền về kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh.

 

Bạn đọc

Bạn Mộc Miên (Tuyên Quang):

Theo ông, làm thế nào để các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống trở nên sinh động, hấp dẫn với học sinh?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

Công tác tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cần được triển khai thông qua các hoạt động thiết thực, cụ thể. Chúng tôi đã xây dựng một số hoạt động như:

- Thực hiện nêu gương của cán bộ giáo viên, đảng viên bằng việc làm cụ thể trong từng năm học (Mỗi đảng viên xây dựng một nội dung, nhận một địa chỉ giúp đỡ học sinh).

- Xây dựng kế hoạch lồng ghép trong dạy học chính khóa, ngoại khóa các nội dung tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”.

- Tổ chức cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong nhà trường bằng các hình thức phù hợp, gọn nhẹ, thường xuyên để tạo sức lan tỏa và ảnh hưởng tới đạo đức, văn hóa, lối sống của học sinh.

- Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương, khen thưởng, giới thiệu tấm gương mô hình tốt kịp thời.

Ông Nguyễn Đức Thịnh và đoàn công tác Sở GD&ĐT Thái Nguyên trao sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách tại Đại Từ, Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Đức Thịnh và đoàn công tác Sở GD&ĐT Thái Nguyên trao sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách tại Đại Từ, Thái Nguyên.

 

 

Thầy Nguyễn Trọng Tấn - Bí thư Đoàn Trường THPT Lương Ngọc Quyến

Để việc giáo dục về đạo đức, lối sống trở nên tự nhiên, sinh động, hấp dẫn... giáo viên cần chú ý tới sự phát triển của tâm lí lứa tuổi để đưa ra những hình thức giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp, sinh động. Cần tổ chức các hoạt động giáo dục có tính thực tiễn cao, gắn liền với đời sống hàng ngày và có ý nghĩa với xã hội.

Bạn đọc

Bạn Vuchinhtb@....:

Ông có lưu ý, nhắn nhủ gì gửi đến các thầy cô giáo để quá trình đối thoại với học trò đạt hiệu quả tích cực?
ThS. Nguyễn Đức Thịnh

ThS. Nguyễn Đức Thịnh

Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, bước vào năm học 2021 - 2022 toàn ngành Giáo dục còn rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua; mỗi thầy cô giáo với tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, tình cảm tình yêu thương và trách nhiệm với thế hệ trẻ, tương lai của đất nước hãy cố gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm học.

Về nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh thì mỗi thầy cô phải là một một tấm gương. Hãy chú trọng giáo dục hành vi đạo đức để học sinh thấm nhuần trong hành động chứ không phải buộc phải thực hiện hành vi bởi các quy định, đó chính là cơ sở để chúng ta có thể đạt được điểm nhấn trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 xây dựng nét phong cách nổi bật của học sinh tỉnh Thái Nguyên: “Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm”.

Bạn đọc

Bạn Quanghuong…@gmail.com:

Điều mà thầy muốn nhắn nhủ, gửi gắm nhất đến các em học sinh của mình là gì?
Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Thầy Nguyễn Trọng Tấn

Điều mà tôi muốn nhắn nhủ, gửi gắm nhất đến các em học sinh của mình đó là: Mong các em sẽ luôn tự tin trong cuộc sống, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ