Tích hợp giáo dục đạo đức lối sống qua những bài giảng
Là một giáo viên giỏi chuyên môn, cô Phùng Thị Phượng- giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội) luôn tích cực, nghiêm túc trong việc đổi mới phương pháp dạy học, sáng tạo trong từng hoạt động của bài dạy để có được những tiết học hay, hấp dẫn học sinh.
Trong giờ dạy trên lớp, cô tổ chức nhiều trò chơi, đóng kịch, hùng biện theo tranh cuốn hút học sinh tham gia. Đặc biệt trong hoạt động học của học sinh, cô đã áp dụng thành công phương pháp “Đôi bạn cùng tiến”, hướng các em tránh học theo lối sáo mòn, nắm chắc kiến thức thông qua hệ thống từ khóa rồi thể hiện bằng sơ đồ tư duy.
Trong công tác chủ nhiệm, cô Phượng luôn quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh của từng học sinh; gần gũi, cởi mở, thân thiện với các em như một người bạn, người mẹ. Cô giáo đã thành lập quỹ khuyến học của lớp để kịp thời động viên, quan tâm đến những học sinh có hướng phấn đấu tốt, có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt với mong muốn nâng cao hiệu quả giờ sinh hoạt cuối tuần, từng bước đưa chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, cô Phượng đã đổi mới hình thức sinh hoạt lớp, tránh nhàm chán, nặng nề, cứng nhắc, tạo hứng thú cho học sinh.
Để làm được điều đó, ngay từ đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm đã xây dựng kế hoạch theo từng tuần, từng tháng và mỗi học kì. Dựa trên kế hoạch và đặc điểm tình hình của lớp, cô tổ chức cho các em thành các đội, tổ, nhóm, tập hợp những tư liệu thông qua tìm hiểu, trải nghiệm, sưu tầm để tạo thành bài thuyết trình của mình.
Bên cạnh việc sinh hoạt truyền thống hay theo chủ đề, cô Phượng còn chú trọng giáo dục cho học sinh kĩ năng sống, phát triển chỉ số chỉ số cảm xúc (EQ) với mong muốn phần nào giúp các em giải quyết được những vấn đề đặt ra trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn, tự nhận thức về bản thân, luôn hi vọng, kiên trì, lạc quan.
Cùng với đó, cô còn rèn tính tự lập cho học sinh thông qua việc yêu cầu các em tự lập kế hoạch học tập, thời gian biểu cho mình, giúp các em có ý thức tự giác học tập và phục vụ sinh hoạt cá nhân. Để làm được điều này, cô đã phối kết hợp với cha mẹ học sinh để chính họ phải là tấm gương cho các con noi theo.
Ngoài ra cô luôn dành thời gian cho các buổi sinh hoạt thảo luận, trao đổi về các kiến thức lịch sử văn hóa, về cuộc sống xung quanh thông qua các chương trình như: “Một ngày làm nông dân”, “Tự hào làng nghề quê em”, “Trang sử quê hương”... Từ đây các em thêm yêu quê hương, yêu lao động và trân trọng những giá trị của lao động, có các kĩ năng sống cần thiết.
Bà Lê Thị Ngọc, phụ huynh học sinh Nguyễn Thu Trang, lớp 7A2 bày tỏ: “Hai năm vừa qua, với sự ân cần chỉ bảo của cô giáo chủ nhiệm Phùng Thị Phượng, con tôi tiến bộ rõ rệt trong học tập và rèn luyện. Từ một cô bé nhút nhát, nay con đã tự tin, chủ động hơn và đặc biệt là luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với bạn bè”.
Cuốn hút học sinh vào các hoạt động Đội
Đã 12 năm làm công tác Tổng phụ trách đội, thầy Tạ Quang Khang - giáo viên Trường THCS Thạch Thất (huyện Thạch Thất, Hà Nội) luôn đi sớm về muộn, đều đặn xuất hiện ở cổng trường vào buổi đầu giờ cũng như khi tan lớp để nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định về giờ giấc, về trang phục và tuân thủ quy định của Luật giao thông đường bộ.
Với sự năng nổ, nhiệt huyết của bản thân, với mong muốn luôn làm mới, luôn thay đổi để tạo sự cuốn hút các em học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động Đội, thầy đã tham mưu cho Ban giáo hiệu nhà trường để thay đổi hình thức tổ chức các tiết chào cờ đầu tuần thành các sân chơi trải nghiệm, khơi gợi sự sáng tạo, năng động của các em học sinh, tạo hứng thú, tâm thế học tập và rèn kĩ năng sống cho học sinh
Bên cạnh đó, thầy luôn tìm tòi biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng cho học sinh bằng những cách làm cụ thể, thiết thực như giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn qua việc nhận chăm sóc Đền liệt sĩ; tăng cường tập huấn kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống tệ nạn xã hội, tuyên truyền Luật giao thông đường bộ.
Do là ngôi trường trung tâm huyện, học sinh trường THCS Thạch Thất luôn được chọn cử tham gia chào mừng các hoạt động chính trị xã hội của địa phương. Do đó, thầy Khang đã mạnh dạn đề xuất với Ban giám hiệu xây dựng mỗi chi đội có 1 đội nghi thức đội, những em tốt nhất sẽ được chọn tham gia đội nghi thức của liên đội.
Nhờ đó, đội nghi thức của liên đội luôn đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để tham gia thực hiện các nhiệm vụ được giao như phục vụ: Đại hội Đảng bộ Huyện, phục vụ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện, Lễ giao nhận quân Huyện, Hội khỏe Phù Đổng Huyện và nhiều sự kiện khác.
Với phong trào Kế hoạch nhỏ, một phong trào lớn của Đội, thầy đã linh hoạt thay đổi cách thức thu gom giấy vụn của học sinh, không còn là những đợt thu gom tập trung mang tính hình thức thường thấy, hàng ngày các em học sinh trực nhật của các lớp sẽ thu gom giấy nháp, giấy bỏ của các bạn trong lớp mang xuống tập kết tại phòng Đội.
Thầy Khang chia sẻ, đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, ngoài ra sô tiên thu được từ việc bán giấy sẽ dùng để mua tăm, mua bút từ thiện hoặc tặng quà cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường.