Bí quyết chinh phục môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT năm 2025

GD&TĐ - Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử không phải học thuộc lòng mà là quá trình rèn luyện tư duy, hiểu sâu sắc và vận dụng linh hoạt kiến thức.

Thầy Phạm Văn Giềng và học sinh trong giờ Lịch sử.
Thầy Phạm Văn Giềng và học sinh trong giờ Lịch sử.

Ba mảng kiến thức nổi bật

TS.Phạm Văn Giềng, giáo viên Trường THCS&THPT Phenikaa (Hà Nội) cho biết: Môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT một môn học đòi hỏi khả năng tư duy logic lịch đại, khả năng tổng hợp và phân tích vấn đề, rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá khứ để giải quyết các vấn đề hiện tại.

Thay vì học thuộc lòng một cách máy móc, học sinh cần có chiến lược học tập rõ ràng, nắm chắc cấu trúc đề thi và biết cách vận dụng linh hoạt kiến thức vào từng tình huống cụ thể. Điều quan trọng nhất là học có mục tiêu, có phương pháp và có tư duy lịch sử.

Dựa trên ma trận đề thi môn Lịch sử năm 2025, có thể thấy đề được thiết kế với cấu trúc tương đối ổn định và có tính phân hóa cao.

Về phân bố kiến thức theo lớp, phần lớn câu hỏi thuộc chương trình lớp 12 (chiếm tới 85%), còn lại là kiến thức lớp 11 (chiếm 15%).

Như vậy, học sinh cần dành phần lớn thời gian ôn tập cho lớp 12, nhưng không được bỏ qua các chủ đề lớp 11 như: Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1945), Chủ nghĩa xã hội từ năm 1917 đến nay.

Về mặt chủ đề, ba mảng kiến thức nổi bật được phân bổ nhiều câu hỏi nhất gồm: Cách mạng tháng Tám và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ 1945 đến nay; Công cuộc đổi mới; Thế giới trong và sau Chiến tranh lạnh.

Mỗi mảng này đều có từ 6 đến 8 câu hỏi, chiếm gần một nửa số lượng toàn đề thi, do đó cần được ưu tiên trong kế hoạch ôn luyện.

Phương pháp học tập khoa học

Cũng theo TS.Phạm Văn Giềng, đề thi được phân chia theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu cho đến vận dụng và vận dụng cao.

Khoảng 30% câu hỏi yêu cầu học sinh nhận biết kiến thức lịch sử, 20% đòi hỏi khả năng thông hiểu, 40% còn lại kiểm tra kỹ năng vận dụng và tư duy phân tích, trong đó có 10% là câu hỏi mang tính vận dụng cao.

Điều này cho thấy đề thi không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra trí nhớ mà hướng tới đánh giá năng lực tư duy lịch sử toàn diện. Do đó, học sinh cần xây dựng lối học tập khoa học, trong đó kiến thức phải đi đôi với hiểu biết và tư duy.

tn-thpt.jpg
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Một trong những cách học hiệu quả là hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Thay vì ghi chép rườm rà, học sinh có thể lập bảng thống kê hoặc sơ đồ dạng cây, liên kết các sự kiện theo thời gian, theo chủ đề hoặc theo tiến trình phát triển. Cách học này giúp não bộ ghi nhớ lâu hơn, dễ liên hệ và phân tích hơn khi làm bài thi.

Học sinh nên tập trung rèn tư duy đồng đại, tức cách tiếp cận và phân tích các sự kiện, hiện tượng lịch sử diễn ra trong cùng một thời kỳ, nhưng ở nhiều không gian, khu vực hoặc lĩnh vực khác nhau, nhằm rút ra những điểm tương đồng, khác biệt hoặc mối liên hệ giữa chúng.

Đồng thời, luyện tập qua các đề thi minh họa, đề chính thức các năm trước và đề thi thử của các Sở GD&ĐT là bước quan trọng để học sinh làm quen với cấu trúc và dạng câu hỏi.

Trong quá trình luyện đề, cần đặc biệt chú ý cách phân tích câu hỏi, nhận diện từ khóa và học cách loại trừ đáp án sai. Đây là kỹ năng cần thiết để tối ưu điểm số trong thời gian làm bài có hạn.

Khả năng tư duy lịch sử

Tuy nhiên, điều tạo nên sự khác biệt trong môn Lịch sử hiện nay chính là khả năng tư duy lịch sử. Tư duy này bao gồm việc hiểu bản chất các sự kiện, nhìn thấy mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện và biết đặt vấn đề trong bối cảnh.

Nhấn mạnh điều này, TS.Phạm Văn Giềng cho rằng, học sinh nên rèn thói quen trả lời các câu hỏi theo mô hình 5W1H: Sự kiện gì, xảy ra ở đâu, khi nào, do ai thực hiện, vì sao lại xảy ra và kết quả ra sao?

Ngoài ra, cần phân biệt rõ các khái niệm lịch sử như “chiến lược” và “sách lược”, “khởi nghĩa vũ trang” và “đấu tranh chính trị”, hay “chủ trương” và “chính sách”. Những từ ngữ này thường là yếu tố quyết định đúng - sai trong câu hỏi trắc nghiệm.

Một lưu ý khác là không nên lựa chọn vội vàng những phương án chứa các từ tuyệt đối như “tất cả”, “luôn luôn”, “duy nhất”… nếu chưa phân tích kỹ bối cảnh. Nhiều câu hỏi đánh lừa bằng chi tiết nhỏ, nếu học sinh chủ quan sẽ dễ mất điểm đáng tiếc.

Ngoài ra, tư duy so sánh và liên hệ cũng là chìa khóa để giải quyết những câu hỏi vận dụng cao. Học sinh có thể được yêu cầu so sánh hai thời kỳ lịch sử, hai chính sách đối ngoại hoặc liên hệ giữa một sự kiện trong nước với bối cảnh quốc tế. Việc luyện tập tư duy theo hướng này không chỉ giúp ghi nhớ sâu mà còn phát triển kỹ năng lập luận - điều cần thiết không chỉ trong thi cử mà cả trong nhận thức công dân sau này.

Tóm lại, ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử không còn là hành trình học thuộc lòng mà là quá trình rèn luyện tư duy, hiểu sâu sắc và vận dụng linh hoạt kiến thức. Nếu nắm chắc cấu trúc đề thi, biết phân bổ thời gian hợp lý, kết hợp các phương pháp học tập hiện đại và rèn luyện kỹ năng xử lý câu hỏi, học sinh hoàn toàn có thể chinh phục môn thi này một cách tự tin và hiệu quả.

Lịch sử sẽ không còn là môn học khô khan nếu các em học bằng trái tim và tư duy bằng trí óc. Học sử là để hiểu quá khứ, sống có trách nhiệm với hiện tại và kiến tạo tương lai. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, chắc chắn các em sẽ đạt được kết quả xứng đáng trong kỳ thi sắp tới.

TS.Phạm Văn Giềng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ