4 giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo có chất lượng

GD&TĐ - Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với quan điểm chỉ đạo là “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Để thực hiện thành công điều này, điều quan trọng là cần phát triển đội ngũ nhà giáo có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

4 giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo có chất lượng

Phát triển đội ngũ giáo viên (GV) là một quá trình học tập liên tục của GV, bắt đầu từ khi họ được tuyển vào học tại các cơ sở đào tạo GV và kéo dài trong suốt cuộc đời dạy học.

Với quan điểm này, ThS Mai Quang Huy (trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) đề xuất một số giải pháp cho đào tạo GV ở Việt Nam dựa trên việc tham khảo chính sách phát triển GV của một số nước.

Thu hút người giỏi học sư phạm

Để có được GV giỏi, cần thu hút những người giỏi vào học ngành sư phạm, đó là một quan điểm phổ biến trên thế giới. Nhìn chung, các nước đều tuyển chọn GV từ những người học tốt nhất.

Về mô hình đào tạo ban đầu, ở Đức, GV được đào tạo theo mô hình kế tiếp: bậc cử nhân trong 6 học kỳ (180 tín chỉ) được tiếp tục với bậc thạc sỹ trong 4 học kỳ (120 tín chỉ). Chương trình đào tạo được mô đun hóa và sử dụng hệ thống chuyển giao tín chỉ châu Âu.

Tại Nhật Bản, GV THPT không đào tạo từ đầu cho những người tốt nghiệp THPT mà được đào tạo cho sinh viên của các ngành học khác. Theo quy định của luật, họ phải tích lũy thêm 23 tín chỉ các học phần về khoa học giáo dục, 20 tín chỉ các học phần về khoa học cơ bản và 16 tín chỉ hoặc khoa học cơ bản, hoặc khoa học giáo dục để được nhận được chứng chỉ GV. Hiện nay, Nhật Bản đưa ra mô hình đào tạo thạc sỹ cho các GV trong các chương trình với sự kết hợp của các cơ sở đào tạo sau ĐH và các trường phổ thông.

Bên cạnh các mô hình đào tạo GV truyền thống, 2/3 các nước thành viên OECD còn tiến hành việc đào tạo GV theo các cách thức khác như đào tạo GV tại các nhà trường.

Ở nước ta, sự ra đời của trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội tạo ra một mô hình mới về đào tạo GV trong các ĐH đa ngành, đa lĩnh vực; cho phép tận dụng lợi thế của các trường ĐH thành viên là những cơ sở ĐH hàng đầu về khoa học cơ bản.

Mô hình đào tạo này cũng cho phép thu hút sinh viên các ngành khoa học cơ bản đang học hoặc đã tốt nghiệp thực hiện được nguyện vọng được đào tạo GV trong và sau khi hoàn thành chương trình cử nhân.

Chuẩn năng lực GV theo xu hướng chung của thế giới

Qua các nền văn hóa và hệ thống nhà trường khác nhau, dường như có đồng thuận về một số yêu cầu năng lực cốt lõi mà tất cả các GV cần có, cụ thể:

Các khuôn khổ kiến thức vững vàng/đầy đủ, được hỗ trợ bởi các chiến lược quản lý tri thức có hiệu quả;

Một kiến thức sâu sắc về cách thức dạy các môn học cụ thể, kết hợp với năng lực kỹ thuật số và việc học tập của học sinh;

Các kỹ năng, chiến lược giảng dạy và quản lý lớp học;

Các kỹ năng giao tiếp, phản ánh và nghiên cứu, cho công việc hợp tác trong các trường học như các cộng đồng chuyên môn hành nghề;

Thái độ phản biện đối với những hành động chuyên môn của bản thân, dựa trên các nguồn thông tin khác nhau – như kết quả của học sinh, lý thuyết và đối thoại chuyên nghiệp - để tham gia vào sự đổi mới;

Thái độ tích cực để phát triển chuyên môn, sự hợp tác, sự đa dạng và hòa nhập một cách liên tục;

Khả năng thích ứng kế hoạch và thực hành theo bối cảnh và nhu cầu của học sinh.

Ở nước ta, chuẩn nghề nghiệp GV trung học hiện hành gồm 6 tiêu chuẩn là: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; Năng lực dạy học; Năng lực giáo dục; Năng lực hoạt động chính trị, xã hội và Năng lực phát triển nghề nghiệp với 25 tiêu chí.

"Chúng ta cần bổ sung cho các tiêu chuẩn nghề nghiệp này năng lực nghiên cứu khoa học và thái độ phản biện để đáp ứng những yêu cầu mới" - ThS Mai Quang Huy đề xuất.

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên: vận dụng các mô hình tiên tiến 

Cùng với việc xây dựng chuẩn năng lực, việc xác định mô hình GV sẽ định hướng cho các cơ sở đào tạo GV phương thức đào tạo.

Bốn mô hình GV sau đây đã được các nước sử dụng trong quá trình đào tạo giáo viên:

Mô hình GV hiệu quả (effective teacher) nhấn mạnh vào sự thực hiện mang tính kỹ thuật các công việc của một người GV.

Mô hình GV phản ánh (reflective teacher) nhấn mạnh sự cần thiết phải học tập chuyên nghiệp một cách liên tục và mang tính cộng tác. Trung tâm của mô hình này là một cách tiếp cận mang tính chu trình bao gồm việc lập kế hoạch, quy định các việc phải làm, thực hiện, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, đánh giá và phản hồi và lai tiếp tục lập kế hoạch cho chu trình tiếp theo.

Mô hình GV học hỏi (enquiring teacher) nhấn mạnh định hướng nghiên cứu trong các công việc chuyên môn của GV.

Mô hình GV thay đổi (transformative teacher) được xây dựng trên cơ sở và kết hợp các thành phần của hai mô hình trên; đặc trưng cơ bản quan trọng của nó là nó mang chiều kích “nhà hoạt động” vào tiếp cận dạy học.

Việc tiếp cận các mô hình GV nói trên sẽ giúp định hướng quá trình đào tạo GV trong các cơ sở đào tạo và phát triển nghề nghiệp của GV khi thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh.

Phối hợp trường ĐH, trường phổ thông trong đào tạo, bồi dưỡng GV

Hiện nay, một số lượng không nhỏ GV các trường phổ thông, các cử nhân sư phạm mới tốt nghiệp theo học các khóa đào tạo sau ĐH về lý luận và phương pháp dạy bộ môn.

Vì vậy, cần phải tăng cường phối hợp giữa các trường ĐH, các trường phổ thông để việc đạt được hiệu quả cao nhất trong việc tạo ra một đội ngũ GV có học vị thạc sỹ, nắm vững lý thuyết và thực tiễn giáo dục.

Những đề xuất chính sách dưới đây của Bộ Giáo dục Nhật Bản có thể xem xét để thực hiện biện pháp này.

Tại Nhật Bản, đào tạo GV ở trình độ sau ĐH là mô hình đào tạo GV trong tương lai, được thực hiện trong sự liên kết, phối hợp với hội đồng giáo dục các địa phương, trường phổ thông và trường ĐH.

Trường hợp những sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH tiếp tục học ngay cao học, khi học 2 năm sau ĐH họ vừa học lý thuyết và thực hành tại trường phổ thông. Nhờ đó khi hoàn thành chương trình thạc sỹ học viên có những hiểu biết về quản lý nhà trường, nắm vững thực tiễn giáo dục phổ thông, như vậy sẽ tự tin khi trở thành GV phổ thông.

Trường hợp học viên đang là GV, họ có cơ hội xem xét mang tính lý luận đối với các thực tiễn dựa trên cảm giác và các kinh nghiệm đã có, có khả năng xử lý các thực tiễn đã gặp, dựa trên lý thuyết có được sự tự tin để làm những điều ngược lại, và sau khi hoàn thành chương trình, họ có thể đảm nhận các vị liên quan đến việc xây dựng kế hoạch và triển khai việc bồi dưỡng GV tại các nhà trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo GV ở trình độ sau ĐH sử dụng các trường phổ thông làm cơ sở thực tập và là nơi tiến hành các nghiên cứu thực tiễn.

Như vậy GV trong khi vừa tiếp tục thực hiện công việc của mình tại trường học, có thể nghiên cứu đề tài giải quyết một vấn đề cụ thể ở trường học thực hành, vừa tiến hành học tập tại cơ sở đào tạo sau ĐH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.