Mô hình “chuỗi” trong đào tạo GV
GS.TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thái Nguyên – cho rằng, hiện nay đào tạo và phát triển GV đang chủ yếu thực hiện theo mô hình kinh viện là đào tạo và bồi dưỡng khép kín theo năng lực hiện có của các trường, ít gắn kết với xã hội, mang nặng tư duy bao cấp theo kế hoạch được giao.
Khâu thiết kế và triển khai chương trình nặng tính hàn lâm với mục tiêu đào tạo GV có chức năng truyền thụ, ít quan tâm đến đào tạo chuyên gia giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực. Trong quá trình đào tạo GV đã cắt rời hệ thống đào tạo và giáo dục thực tiễn.
Theo quy luật của sự phát triển xã hội, nền sản xuất công nghiệp hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đều được triển khai theo mô hình “chuỗi”. Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, phương pháp đào tạo và đào tạo lại GV cũng được triển khai theo mô hình “chuỗi”.
Về phương diện cơ bản, “chuỗi” được tiếp cận ở các phương diện: Quá trình tạo ra sản phẩm và sử dụng, bảo dưỡng sản phẩm đó như thế nào? Ba công đoạn sau đây cần được gắn kết hữu cơ, gồm: Nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình đào tạo và bảo trì sản phẩm.
Gắn chặt 3 công đoạn trong một quá trình. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm cả 3 khâu, cụ thể: Hỗ trợ cho địa phương - nơi sử dụng giáo viên, sản phẩm được sử dụng có hiệu quả và bồi dưỡng thường xuyên, đào tạo lại. Như vậy, nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên là trách nhiệm của nhà trường sư phạm.
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, những vấn đề cần đổi mới trong đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên như thay đổi việc đào tạo giáo viên dạy 1 môn sang đào tạo giáo viên có học vấn rộng để tăng khả năng thích ứng cho giáo viên; nội dung đào tạo lại và bồi dưỡng cần cân bằng giữa năng lực và trách nhiệm của giáo viên;
Thay đổi việc đào tạo trang bị kiến thức sang trọng tâm là đào tạo năng lực sư phạm, trong đó chú ý: Các năng lực chẩn đoán, thiết kế, tổ chức, thực hiện và giám sát đánh giá và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học và giáo dục; Thay đổi phương pháp dạy sang đào tạo, bồi dưỡng cách dạy phương pháp học.
Ở khâu đào tạo, vấn đề chương trình là quyết định đến việc hình thành năng lực cơ bản, nền tảng cho người giáo viên. Ở khâu bồi dưỡng, đào tạo lại, vai trò định hướng của các trường sư phạm rất quan trọng, do vậy mô hình “chuỗi” trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là phù hợp.
Đánh giá lại năng lực nghề nghiệp GV
TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng, GV chính là lực lượng xung kích trên mặt trận đổi mới, là người đi đầu quyết định đến chất lượng dạy học. Không giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, mọi chương trình giáo dục đều thất bại. Chính vì thế công tác bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ GV là hết sức quan trọng và cấp bách.
Để làm tốt công tác bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ GV, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng: Cần khảo sát và đánh giá lại năng lực nghề nghiệp và đạo đức của GV một cách chính xác và khách quan; Đối chiếu với yêu cầu của Chương trình GDPT mới để thấy rõ những năng lực nghề nghiệp còn yếu của GV, các nội dung chuyên môn cần bổ sung từ đó xác định nội dung cần bồi dưỡng cho GV và xây dựng các chương trình bồi dưỡng; Biên soạn các tài liệu bồi dưỡng GV theo từng nội dung hoặc chủ đề mà GV còn thiếu và yếu như dạy học theo định hướng phát triển năng lực, dạy học tích hợp liên môn...
Các chương trình đào tạo lại phải được tổ chức cho GV học tập một cách tập trung, nghiêm túc, có kiểm tra, đánh giá; Cần thiết rà lại đội ngũ GV trong các vị trí giảng dạy phải đúng chuyên môn (công tác tổ chức cần tiến hành một chặt chẽ).
Mở mã ngành giáo viên THCS bậc đại học
TS Ngô Gia Võ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu KHXH - NV miền núi, ĐH Thái Nguyên nêu quan điểm: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được công bố, ở bậc THCS có nhiều môn học mới, nhiều thay đổi lớn về phương pháp và mục tiêu giáo dục.
Với tính chất tích hợp ở cấp học dưới và phân hóa ở cấp học trên theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, giáo viên THCS phải được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng hơn nữa mới đáp ứng mục tiêu giáo dục mới.
Mặt khác, giáo dục Việt Nam trong thời đại hội nhập hiện nay cũng phải bảo đảm theo mặt bằng chung của khu vực và thế giới, cần có quyết định dứt khoát và rõ ràng rằng: Muốn trở thành giáo viên phổ thông bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp ĐHSP hệ chính quy.
Ở một số nước phát triển, như Đức, muốn làm thầy cô giáo phải có bằng tương đương thạc sĩ trở lên. Họ được đào tạo nghiêm túc và kỹ lưỡng, có một thời gian dài tập sự, trợ giảng hoặc học nghề ở các trường phổ thông mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Hiện nay, hệ thống các trường ĐHSP ở nước ta vẫn chưa có mã ngành đạo tạo GV THCS hệ chính quy có trình độ đại học. Hầu hết GV dạy THCS hiện nay đều được đào tạo từ các trường sư phạm 10+3 và CĐSP. Điều đó cho thấy, chất lượng đội ngũ này còn nhiều hạn chế, bất cập. Để đáp ứng yêu cầu “Đổi mới căn bản, toàn diện” nền GD nước nhà, cần mở ngay mã ngành đào tạo GV THCS ở các trường ĐHSP.
Hệ thống trường ĐHSP phải xây dựng ngay khoa Giáo dục THCS, xây dựng và hoàn thiện khung chương trình, chuẩn đầu ra, hệ thống học phần và kế hoạch đào tạo GV THCS có trình độ đại học theo định hướng đổi mới giáo dục, bám sát chương trình sách giáo khoa mới.
Không mở ngay mã ngành cử nhân ĐHSP hệ chính quy dạy THCS sẽ không kịp chuẩn bị một lớp giáo viên THCS mới đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đổi mới giáo dục. Các trường ĐHSP cũng phải dành một phần kinh phí đáng kể cho các nhóm chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu, giảng viên có năng lực và tâm huyết nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu về giáo dục THCS.