Thận trọng khi thay đổi môn thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Về lâu dài, mong muốn của nhà trường, học sinh là cơ sở giáo dục đại học sớm công bố phương án tuyển sinh...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có 4 môn thi; bao gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Đây có thể nói là nấc cao hơn trong định hướng nghề nghiệp của học sinh, sau khi các em đã lựa chọn môn học từ lớp 10 THPT.

Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và thuận tiện tổ chức ôn tập, trường THPT đã cho học sinh lựa chọn môn thi từ sớm. Ghi nhận từ nhiều cơ sở giáo dục cho thấy xu hướng học sinh chọn các môn thi truyền thống, thường xuất hiện trong tổ hợp xét tuyển của trường đại học; không có nhiều lựa chọn với 2 môn mới là Tin học và Công nghệ.

Riêng môn Ngoại ngữ có sự phân hóa khá rõ. Khu vực thành thị, điều kiện kinh tế phát triển, học sinh có cơ hội học tập môn này tốt hơn, số lượng lựa chọn ngoại ngữ khá lớn; ngược lại, trường vùng khó khăn, ít học sinh đăng ký thi, thậm chí có trường không em nào lựa chọn môn này.

Đã trải qua một học kỳ được ôn tập theo 4 môn thi tốt nghiệp THPT, nhưng thời điểm cuối học kỳ I vẫn có học sinh lớp 12 muốn thay đổi lựa chọn, dù biết việc này sẽ kéo theo không ít khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân: Lựa chọn ban đầu cảm tính, chưa đúng với sở trường; nhận ra sự không phù hợp sau một thời gian được ôn tập; thay đổi nguyện vọng vào đại học; tác động từ gia đình, bạn bè… Tuy nhiên, một điều rất rõ ràng là, những trường nào tổ chức tư vấn cho học sinh kỹ lưỡng, bài bản, số lượng học sinh thay đổi lựa chọn môn thi ít hơn hẳn.

Ổn định trong lựa chọn môn thi là một trong những yếu tố giúp bảo đảm chất lượng ôn tập. Khi thay đổi lựa chọn, học sinh không chỉ phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nhiều các bạn để củng cố, bổ trợ kiến thức với môn mới, mà nhà trường cũng xáo trộn trong tổ chức lớp, phân công giáo viên.

Chưa kể, nhiều lần thay đổi môn thi thể hiện học sinh chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, như vậy là chưa bảo đảm mục tiêu Chương trình GDPT 2018 ở THPT. Những học sinh muốn thay đổi môn thi cần được tư vấn thật kỹ, tránh tình trạng lại tiếp tục dao động sau một thời gian ôn tập, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và khó có thể bắt nhịp với môn mới, từ đó kết quả thi tốt nghiệp THPT không được như mong muốn.

Trên tinh thần hỗ trợ người học tối đa, các nhà trường dù có ít hay nhiều trường hợp thay đổi lựa chọn môn thi đều dành sự ưu tiên cho những học sinh này. Trong đó, sắp xếp lại lớp phù hợp với lựa chọn mới của học sinh; yêu cầu giáo viên bộ môn điều chỉnh kế hoạch dạy học, dành nhiều thời gian hỗ trợ nếu người học có nhu cầu bổ trợ kiến thức; ứng dụng công nghệ để giáo viên có thể hỗ trợ học trò…

Những môn dù được lựa chọn rất ít, nhà trường cũng cố gắng tổ chức lớp ôn tập, bảo đảm quyền lợi của học sinh. Về lâu dài, mong muốn của nhà trường, học sinh là cơ sở giáo dục đại học sớm công bố phương án tuyển sinh, vì đây là một trong những căn cứ quan trọng khi quyết định lựa chọn môn thi của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.