Ngôi trường có một học sinh

GD&TĐ - Một ngôi trường trên đảo Kaprije, Croatia, đã mở cửa lại, dành cho một học sinh vừa tròn 7 tuổi.

Trẻ em trên đảo Kaprije di chuyển vào đất liền đi học.
Trẻ em trên đảo Kaprije di chuyển vào đất liền đi học.

Em là đứa trẻ duy nhất tại địa phương và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người dân nơi đây.

Đảo Kaprije, cách đất liền Croatia, khoảng một tiếng rưỡi đi thuyền và có khoảng 100 cư dân sinh sống. Phần lớn trong số họ là người già. Vào mùa Hè, hòn đảo này thu hút đông đảo du khách, nhưng vắng vẻ vào mùa Đông. Với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, trường học trên đảo đã đóng cửa do nhiều năm liên tiếp không có trẻ nhỏ.

Đến năm 2024, cậu bé Val Mudronja tròn 7 tuổi. Gia đình Val đã sinh sống trên đảo 16 năm. Nếu không thể tìm được trường học trên đảo, gia đình em sẽ phải chuyển đi. Nhờ vào sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự vận động của một linh mục, trường học đã mở cửa lại sau 52 năm, cho phép Val và gia đình em tiếp tục sống trên đảo.

Chị Livia, mẹ của Val, chia sẻ: “Đó là một phép màu. Con cái của chúng tôi cũng là con cái của hòn đảo. Cả ngôi làng đã cùng giúp đỡ để nuôi dạy những đứa trẻ”.

Cô Lucija Laca, giáo viên duy nhất tại trường, cho biết: “Hàng ngày, tôi mất một tiếng rưỡi di chuyển từ đất liền vào đảo dạy học. Dù việc đi lại mất nhiều thời gian nhưng là cơ hội đặc biệt cho tôi và trẻ em trên đảo”.

Chương trình học tại đảo Kaprije được thiết kế kết hợp giáo dục truyền thống và trải nghiệm thực tế. Đơn cử trong môn Giáo dục thể chất, 2 cô trò học cưỡi ngựa dọc theo bờ sông.

Việc mở cửa lại trường học trên đảo cũng được đông đảo cư dân hưởng ứng. Một cư dân lớn tuổi chia sẻ: “Nếu không có trường học, những đứa trẻ sẽ phải rời bỏ quê hương, hòn đảo sẽ mất đi và văn hóa của chúng tôi cũng sẽ biến mất”. Nhờ có ngôi trường nhỏ này, đảo Kaprije có một tương lai, và các em nhỏ sẽ tiếp tục trưởng thành và học tập trong môi trường đặc biệt của quê hương.

Ở nhiều quốc gia, việc trường học chỉ có một học sinh cũng được ghi nhận do nhiều nguyên nhân như đặc thù địa lý, tỷ lệ sinh giảm...

Trường cơ sở Sottunga, đảo Ahvenanmaa, Phần Lan là một trong số các trường được mở để giảng dạy một học sinh duy nhất. Với số lượng dân số chỉ 111 người, chính quyền địa phương vẫn quyết tâm mở cửa trường học, nếu không các em học sinh sẽ phải di chuyển sang đảo khác và đi học hết 10 tiếng một ngày.

Trong phòng học rộng, hai chiếc bàn được đặt cạnh nhau. Chiếc nhỏ hơn dành cho cậu bé Sven 7 tuổi và chiếc lớn hơn dành cho cô giáo Pia Ek khi cô muốn ngồi cạnh học sinh của mình.

Cô Pia Ek cho biết: “Mặc dù chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhà trường vẫn cố gắng đảm bảo đầy đủ nhu cầu học tập và vui chơi cho em Sven. Vào ngày lễ Giáng sinh, cậu bé có thể lên sân khấu của phòng thể dục để ngâm thơ hoặc hát. Hoặc nếu gia đình hào hứng tập luyện, có thể cùng diễn một vở kịch và mời cả hòn đảo đến xem”.

Mặc dù tương lai của các ngôi trường một học sinh sẽ được đảm bảo trong thời gian trước mắt, nhưng nhiều điều vẫn còn bỏ ngỏ. Phần lớn trong đó là thách thức nguồn giáo viên giảng dạy nếu số lượng học sinh tăng hoặc tương lai các trường nếu những em học sinh duy nhất này tốt nghiệp. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có nhiệm vụ đẩy mạnh kế hoạch hỗ trợ các trường và giảm thiểu tỷ lệ dân số già.

Nhờ có trường học mới xây, em Val không phải xa gia đình và các anh chị em của mình. Hàng ngày, cậu bé đi học và ngồi trên bờ biển đợi cha đi đánh cá trở về. Ước mơ của em là được tiếp tục duy trì và tiếp nối truyền thống làm ngư dân của gia đình trên hòn đảo quê hương.

Theo Deutsche Welle

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.