Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Đổi mới GD phổ thông theo hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh có ý nghĩa quyết định, chi phối toàn bộ quản lý mục tiêu, chương trình, phương pháp, nhân lực, tài liệu dạy học, kiểm tra, đánh giá.... ở nhà trường. 

Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục

Như vậy, yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục không phải chỉ có kiến thức mà còn phải hình thành được phẩm chất năng lực cho người học.

Nâng cao giáo dục kỹ năng sống

Việc đổi mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh đã trở nên bức thiết. Bởi một thực tế lâu nay dạy theo thiên về định hướng nội dung. Trong dạy học phát triển năng lực người học trước hết người dạy phải có đủ phẩm chất, năng lực giảng dạy thì mới bắt kịp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Hiện nay, năng lực của đội ngũ GV phổ thông vẫn để lại những lo ngại cả về lượng và chất trước yêu cầu đổi mới giáo dục.

Kết quả khảo sát thực trạng năng lực dạy học của GV của Trường ĐHSP Hà Nội cho thấy: “Tuy GV đã có những năng lực cần thiết để đáp ứng với yêu cầu đổi mới GD phổ thông, nhưng số GV có năng lực vững chắc chỉ đạt trên dưới 20%, những GV đã có năng lực nhưng chưa vững chắc chiếm tỉ lệ khá cao”. Vì vậy, trước thực tế đổi mới GD, việc tìm ra giải pháp để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh là điều vô cùng cần thiết.

Cô Lê Thị Thanh Hà, nguyên là giáo viên Vật lý, Trường THPT Kon Tum, Giám đốc Trung tâm GD kỹ năng sống “Thay đổi đến từ ai” (TP Kon Tum) cho rằng: Phẩm chất, năng lực không thể được hình thành chỉ qua việc nghe giảng và tự đọc tài liệu mà phải thông qua các hoạt động tương tác với người khác. Việc nghe giảng và tự đọc tài liệu chỉ giúp học sinh thay đổi nhận thức về một vấn đề nào đó.

Nhiều kỹ năng sống được hình thành trong quá trình học sinh tương tác với bạn cùng học và những người xung quanh (kỹ năng thương lượng, kỹ năng giải quyết vấn đề....). Trong khi tham gia các hoạt động tương tác, học sinh có dịp thể hiện các ý tưởng của mình, xem xét ý tưởng của người khác, được đánh giá và xem xét lại những kinh nghiệm của người khác trước đây theo một cách nhìn nhận khác.

Vì vậy kỹ năng sống và giá trị sống chỉ được hình thành khi người học được trải nghiệm qua các tình huống thực tế. Học sinh chỉ có kỹ năng khi các em tự làm việc đó chứ không chỉ nói về việc đó. Kinh nghiệm có được khi học sinh được hành động trong các tình huống đa dạng giúp các em dễ dàng sử dụng và điều chỉnh các kỹ năng, thái độ, phù hợp với điều kiện thực tế, lúc đó phẩm chất và năng lực của các em mới được hình thành.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội lại có quan điểm riêng: “Hiệu quả của GD chỉ có thể đạt được bằng trải nghiệm của chính người học. Tôi không quan niệm đây là việc “cần học” mà là việc “cần sống”. Thực hành, trải nghiệm, tạo nên nhiều tình huống khác nhau để học sinh phải va đập, suy nghĩ, tự tìm cho mình cách sống, hành vi phù hợp, điều đó mới có thể giúp các em thật sự có được năng lực để tự điều chỉnh bản thân và tham gia đời sống xã hội một cách tốt nhất”.

Phải có GV được đào tạo chuyên nghiệp

Cách đây nhiều năm, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu triển khai lồng ghép kỹ năng sống vào các môn học, bắt đầu từ cấp tiểu học. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ ngành GD thực hiện hàng loạt chương trình thử nghiệm ở một số địa phương nhưng hiệu quả không như mong muốn.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm: “Dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông hiện nay vẫn 3 không: Không có cơ chế, không có biên chế giáo viên, không có cả thời gian triển khai”.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng: “Dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông phải khác hoàn toàn với cách dạy các bộ môn văn hóa trong chương trình phổ thông hiện nay. Đây là công việc cần được GV phổ thông uốn nắn, giúp đỡ, rèn giũa hàng ngày trong các giờ lên lớp, giờ sinh hoạt. Mà GV không được đào tạo để thay đổi nhận thức và quan trọng là không có được năng lực, kỹ năng truyền đạt đúng với đặc trưng dạy kỹ năng sống”.

Theo cô giáo Lê Thị Thanh Hà, giá trị sống và kỹ năng sống là nhu cầu bức thiết của xã hội mà trường học là môi trường các em được trải nghiệm, được rèn luyện để trưởng thành. Vì vậy, trường phổ thông cần một chương trình thực sự hiệu quả và phải có GV được đào tạo chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, trong lúc giao thời thì khóa học “Giáo viên chủ nhiệm” của chương trình “Dạy học tích cực” sẽ đem đến cho GV chủ nhiệm một phương pháp và nội dung dạy kỹ năng sống và giá trị sống có thể sử dụng ngay trong các tiết sinh hoạt hoặc ngoại khóa của lớp.

Thay đổi từ mỗi thầy cô giáo

Cô giáo Lê Thị Thanh Hà cho biết, để cuộc đổi mới thành công phải bắt đầu cách mạng sự học của mỗi người thầy . Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề làm sao để phát triển phẩm chất, năng lực người học trong nhà trường hiện nay với một tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc, thẳng thắn có tư duy đột phá. Không thể thay thế bằng kêu gọi, bằng ra các văn bản, chỉ thị nghị quyết mà muốn làm tốt việc này, mỗi GV và các nhà quản lý giáo dục phải nhận thức được sứ mệnh cao quý của nghề dạy nghề và cách tốt nhất để thay đổi học sinh phải bắt đầu từ thay đổi chính mình.

Cô Hà cho rằng, đào tạo đội ngũ GV phải được đặt lên hàng đầu, đây là việc tối quan trọng. Kiến thức, năng lực của người thầy, phẩm chất và nhiệt huyết của người thầy sẽ luôn là yếu tố quyết định. Sự tương tác của thầy và trò là những giá trị không thể đo lường được trong GD. Bất kể thế nào, không có thầy giỏi cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức thì khó có thể có một nền GD thật sự có chất lượng.

Thực sự chúng ta cần các giảng viên đưa đến cho giáo viên nguồn động lực đó là giải quyết: Vì sao chúng ta phải dùng phương pháp dạy học tích cực? Vì sao chúng ta phải dạy học phát triển năng lực?... để GV thực sự muốn thay đổi chứ không phải bị thay đổi và khi muốn thì trả lời câu hỏi làm thế nào?

Chúng ta cần thay đổi cách làm, hội tụ và phát huy được nguồn lực đầy ánh sáng và có tính đột phá trong đội ngũ GV, giảng viên, những nhà giáo dục, những nhà quản lý. “Nếu không có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục” - TS Nguyễn Tùng Tâm khẳng định.

“Nhà nước cần có cơ chế rộng mở để khuyến khích, động viên và kích thích những sáng tạo có tính chất đột phá của GV và của xã hội cho đổi mới GD. Bên cạnh đó, có chính sách tạo điều kiện về tài lực, vật lực để đủ điều kiện triển khai những sáng tạo hiệu quả đã được xã hội chấp nhận vào công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo” - cô giáo Lê Thị Thanh Hà chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.