Ước mơ bình dị của nữ sinh Y khoa

GD&TĐ - Trong con ngõ hẹp 121, Nguyễn Thanh Nghị, Hà Nội - nơi Ngô Thị Xuân, sinh viên năm thứ 3 (Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội) cùng mẹ em đang sinh sống trong trong căn phòng trọ chừng 10 mét vuông. Bố mẹ ly hôn khi em lên 7 tuổi, mẹ em phải chạy thận nhân tạo đã 12 năm.

Từ khi Xuân ra Hà Nội ở với mẹ, mẹ Xuân dù bệnh ngày càng nặng nhưng vui hơn nhiều!
Từ khi Xuân ra Hà Nội ở với mẹ, mẹ Xuân dù bệnh ngày càng nặng nhưng vui hơn nhiều!

Để chữa căn bệnh vừa nguy hiểm lại tốn kém của mẹ, hai mẹ con và người thân trong gia đình đã phải cực nhọc, mưu sinh đủ nghề để trang trải tiền thuốc cho mẹ, tiền sinh hoạt hàng ngày và tiền học cho Xuân. Khó khăn trong cuộc sống là động lực giúp Xuân thấy mình giàu có vì cuộc sống đầy ắp tiếng cười, đầy ắp tình yêu thương mà những thành viên trong gia đình em dành cho nhau!

Gia cảnh éo le

Bố lên thành phố mưu sinh rồi bỏ mẹ vì phải lòng người đàn bà khác khi Xuân mới học lớp 2. Mẹ em khi ấy ốm yếu thường xuyên nên bằng lòng để Xuân ở với bố. Rồi bố cũng tỉnh ngộ và cuộc tình chóng vánh của bố cũng sớm kết thúc. Một năm sau, mẹ Xuân ốm nặng. Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai bảo mẹ bị suy thận nặng chỉ vào viện muộn một chút là không cứu được.

Bà ngoại bảo, khi đưa mẹ vào cấp cứu, phải nộp một số tiền lớn lên đến vài triệu đồng mà gia đình không có. Bố Xuân khi đó đã ly hôn với mẹ em được một năm rồi vẫn chạy đôn chạy đáo từ viện về quê để xoay sở tiền nộp nhập viện cho mẹ em. Rồi kể từ năm 2006 đó, cuộc sống của mẹ Xuân gắn luôn với con ngõ hẹp giữa lòng thành phố Hà Nội để tiện cho việc chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai. Bố Xuân nhiều lần nài nỉ mẹ em tha lỗi và nối lại tình cảm vợ chồng nhưng mẹ Xuân cương quyết không đồng ý. Phần vì thương chồng, phần nhiều thương Xuân, mẹ em còn giới thiệu và khuyên bố lập gia đình với người bạn gái cùng quê Phú Thọ của mẹ để có điều kiện nuôi Xuân ăn học.

12 năm bệnh tật thì 10 năm mẹ Xuân sống một mình ở Hà Nội. Ban ngày chữa bệnh, ban tối mẹ Xuân đi bán nước chè trong bệnh viện để vừa lấy tiền sinh sống vừa lấy tiền chữa bệnh.

Cô Tấm trong nhà

Dù được bảo hiểm hộ nghèo 100% nhưng ngoài chạy thận được chi trả bảo hiểm, mẹ Xuân còn phải chi thêm vài triệu đồng mỗi tháng để mua thuốc bổ và thuốc chữa các bệnh biến chứng khác. Vì thế ngay sau khi nhập học, Xuân đã tìm việc để làm thêm kiếm tiền. Từ công việc chạy bàn, bán quần áo hay bất kể việc gì em đều không ngần ngại.

Hai năm trước, Xuân đỗ vào Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và ở cùng mẹ. Cuộc sống giờ đây đối với Xuân không còn giống với thời gian ở nhà cùng bố và dì nữa. Xuân bảo: “Cháu phải trưởng thành để mẹ cháu có thể dựa vào cháu khi sức khỏe của mẹ mỗi năm một xấu đi”. 

Cũng hai năm nay, bố Xuân ở quê lại bị bệnh gút không thể theo nghề thợ xây nữa mà chỉ ở nhà chăn gà, trồng rau vì chân sưng nhức suốt ngày. Vợ của bố mà theo Xuân kể cũng thương em như mẹ đẻ. Dì một mình bươn chải làm công nhân, chăm chỉ tăng ca mà thu nhập cũng chỉ 7 triệu đồng một tháng. Vậy mà, tháng nào dì cũng dành 2 triệu đồng gửi lên Hà Nội cho Xuân. Số tiền của dì, Xuân đưa cả cho mẹ để mẹ thêm tiền chữa bệnh, còn tiền làm thêm Xuân dành dụm cũng đủ đóng tiền học và chi tiêu cá nhân.

“Năm nay năm cuối, cháu phải đi thực tập nên tốn kém nhiều. Giờ cháu chỉ còn 1 triệu đồng, mà tháng 9 này phải đóng tiền học phí rồi. Cháu đang đợi có thời khóa biểu thì sẽ bố trí thời gian đi làm thêm! Chắc là sẽ ổn thôi cô ạ!” - Xuân chia sẻ. Nhìn gương mặt vui vẻ của cô bé không hề có chút lo lắng có lẽ là do khó khăn cứ mặc định với gia đình em vậy rồi. Xuân cho rằng, dù có thiếu thốn nhưng mẹ và em chịu khó đi làm thêm thì vẫn đủ trang trải cho các khoản chi hàng tháng.

Xuân kể, xóm Chạy Thận này đều là những gia đình rất khó khăn. Nhiều bệnh nhân không sợ bệnh, không sợ nghèo chỉ sợ buồn tủi, cô đơn… Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Xuân cùng đoàn từ thiện gói bánh chưng, quyên góp quần áo, sách vở tặng các em nhỏ vô gia cư không có nơi nương tựa. “Tuy cháu có thiệt thòi vất vả nhưng cháu may mắn khi nhận được tình yêu thương của mẹ, của bố, dì, của em gái cháu - con của bố và dì nữa…”.

Xuân cùng đoàn từ thiện đến thăm bệnh nhân ung bướu Hà Nội năm 2017. Ảnh nhân vật cung cấp
Xuân cùng đoàn từ thiện đến thăm bệnh nhân ung bướu Hà Nội năm 2017. Ảnh nhân vật cung cấp

Căn nhà đầy ắp tiếng cười

“Tít Tít Chu”, “Cục thịt nạc của mẹ” là hai trong số cái tên mà mẹ em thường âu yếm gọi Xuân. Xuân kể, em chưa có người yêu vì mình còn trẻ con và vẫn quấn mẹ nhiều lắm. Thời gian hai mẹ con sống xa cách, em và mẹ thường xuyên gửi thư cho nhau. Xuân khoe một tập thơ em viết về mẹ từ khi em mới 10 tuổi. Xuân kể, mẹ em yếu hơn nhưng có em bên cạnh khiến mẹ vui nhiều!

Tôi hỏi Xuân về những kỷ niệm về mẹ mà em nhớ nhất, Xuân kể: Năm Xuân 18 tuổi, mẹ về quê tổ chức sinh nhật cho Xuân. Mẹ mua bánh sinh nhật, hoa hồng, kẹo bánh và bảo Xuân mời các bạn đến dự. Đấy là lần đầu tiên sinh nhật cô bé có bánh kem và cho đến bây giờ cô bé cũng chưa bao giờ tổ chức sinh nhật nữa. Ngày mẹ Xuân lên Hà Nội để chữa bệnh mẹ nói dối để Xuân ngủ và ra khỏi nhà lúc nửa đêm. Sáng hôm sau ngủ dậy, Xuân chỉ thấy tờ giấy chép bài hát hài Xuân Hinh mẹ cài ở giỏ xe của bà ngoại.

Khi được hỏi Xuân mơ ước điều gì, cô bé nết na chia sẻ mong ước bình dị của mình. “Hồi bé, cháu luôn mơ ước ngủ một giấc tỉnh dậy mẹ cháu sẽ khỏi bệnh nhưng khi lớn cháu hiểu đó là điều không thể. Bây giờ cháu chỉ mong mẹ duy trì được tình trạng bệnh, không biến chứng xấu hơn để sống với cháu thật lâu. Tháng 9 năm sau, cháu ra trường, cháu mong sẽ làm trong một bệnh viện ở Hà Nội để tiếp tục được gần mẹ, chăm sóc và đỡ đần cho mẹ!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ