Chiều 11/12, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hoá (Cục THADS) tổ chức họp báo, thông tin chính thức về việc thực hiện cưỡng chế bàn giao mặt bằng đối với Công ty TNHH Tây Đô.
Theo hồ sơ, căn cứ bản án số 6 (năm 2013), đề nghị của bên được thi hành án là Ngân hàng Phát triển Việt Nam... Cục THADS tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 1 (năm 2018) để thi hành án đối với tài sản là toàn bộ công trình xây dựng tại dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa của Công ty TNHH Tây Đô để thanh toán nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam - CN Thanh Hoá với số tiền hơn 109 tỷ đồng.
Do Công ty TNHH Tây Đô không tự nguyện thi hành án, Cục THADS tỉnh Thanh Hoá đã thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá tài sản (định giá hơn 268 tỷ đồng tại thời điểm thẩm định tháng 4/2019) và tiến hành bán đấu giá.
Quá trình tổ chức thực hiện từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Tây Đô đã có nhiều đơn kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện, tố cáo đã được cơ quan chức năng từ cơ sở đến Trung ương giải quyết. Theo đó, cơ quan chức năng khẳng định việc bán đấu giá tài sản thi hành án để thực hiện nghĩa vụ trả nợ là đúng quy định.
Sau 15 lần giảm giá và 19 lần bán đấu giá, đến ngày 7/3/2024, tài sản mới đấu giá thành công bằng hình thức đấu giá trực tuyến. Người mua trúng đấu giá là Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Phúc Thịnh, với số tiền hơn 88 tỷ đồng.
Cục THADS tỉnh Thanh Hóa đã ký hợp đồng bán và Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Phúc Thịnh đã nộp đủ tiền mua trúng đấu giá.
Cục THADS tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản và tiến hành làm việc trực tiếp với Công ty TNHH Tây Đô và 34 tổ chức, hộ gia đình cá nhân để yêu cầu bàn giao tài sản thi hành án đã bán đấu giá cho người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Tây Đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan nêu trên không đồng thuận, tiếp tục có nhiều đơn gửi đến cơ quan chức năng.
Trước diễn biến vụ việc phức tạp, đã kéo dài nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh trật tự... Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa phối hợp VKSND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị và được VKSND Tối cao thụ lý, kiểm sát nội dung vụ việc và kết luận việc thực hiện các quy trình thi hành án (kê biên, định giá tài sản, giải quyết khiếu nại, tố cáo ...), tổ chức bán đấu giá tài sản, xây dựng kế hoạch cưỡng chế thi hành án là đúng quy định của pháp luật.
Để bàn giao tài sản cho người mua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế bắt buộc, thời gian thực hiện từ ngày 16/12/2024 cho đến khi hoàn thành (đã có thông báo cưỡng chế đến Công ty TNHH Tây Đô và tổ chức, cá nhân có liên quan).
Năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 1506/QĐ-UBND giao 40.387m2 đất tại xã Đông Hương (nay là phường Đông Hương), TP Thanh Hóa cho Công ty TNHH Tây Đô thực hiện Dự án Trường Tiểu học và THCS Thanh Hoa. Đây là dự án trường dân lập có quy mô lớn đầu tiên ở Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng hơn 200 tỷ đồng, xây dựng theo kiến trúc hiện đại, kỳ vọng là ngôi trường chuẩn quốc tế trong khu vực.
Để thực hiện dự án, Công ty TNHH Tây Đô đã ký hợp đồng tín dụng với Chi nhánh Ngân hàng phát triển Việt Nam tại Thanh Hóa (Chi nhánh NHPTTH) vay 144 tỷ đồng bằng 2 hợp đồng, hợp đồng số 12/2008 là 74,5 tỷ đồng; hợp đồng số 131/2009 là 69,5 tỷ đồng. Vốn đối ứng của Công ty Tây Đô là 62,6 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2010.
Việc hợp tác xây dựng đang thực hiện theo kế hoạch thì biến cố xảy ra. Phía Công ty Tây Đô thực hiện đúng cam kết, giải ngân đầy đủ phần vốn đối ứng, trả lãi đầy đủ và đã tổ chức xây được khoảng 70%. Tuy nhiên, phía Chi nhánh NHPTTH sau khi giải ngân đủ 74,5 tỷ đồng theo hợp đồng số 12/2008, chỉ giải ngân thêm 3 tỷ đồng của hợp đồng 131/2009 rồi đột ngột dừng giải ngân.
Việc ngân hàng dừng giải ngân khiến Công ty Tây Đông gặp khó khăn về tài chính, cuối cùng buộc phải dừng dự án dù đã tiến hành gần 70% với hàng trăm tỷ đồng đã bỏ ra. Công trình cũng không đưa vào sử dụng đúng mục đích vì không thể nghiệm thu.
Hai bên kiện tụng suốt từ năm 2013 đến nay. Phía Chi nhánh NHPTTH đòi phải thanh lý dự án để thu hồi vốn, phía Công ty Tây Đô không đồng ý vì cho rằng việc định giá là quá thấp so giá trị thực tế đã bỏ ra.
Công trình với kiến trúc độc đáo giữa lòng TP Thanh Hoá bỏ hoang phế gần 12 năm qua. Các quán ăn, cửa hàng gia dụng, nhà kho mở ra nham nhở trong khuôn viên. Phòng học đẳng cấp quốc tế thành kho chứa đồ, đài phun nước thành nơi nuôi vịt, phòng họp thành nhà vệ sinh…