Nâng bước chân đến trường của học sinh xóm “chạy thận”

GD&TĐ - “Tôi vừa mổ cắt thận được mấy hôm. Tiền chi phí cho phẫu thuật mà tôi vay mượn của bà con lối xóm và họ hàng thì chưa phải trả ngay nên ngoài tiền thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt và nhất là tiền đóng học cho con vào năm học mới thì phải được ưu tiên hàng đầu”. Nỗi lòng của chị Lê Thị Hoài cũng là nỗi lòng của 4 hộ dân trong tổng số 120 bệnh nhân sống ở xóm “chạy thận” trong ngõ Lê Thanh Nghị giữa lòng Thủ đô Hà Nội này.

Mai Xuân Thắng, 8 năm là học sinh giỏi và ước mơ học giỏi để kiếm tiền chữa bệnh cho bố
Mai Xuân Thắng, 8 năm là học sinh giỏi và ước mơ học giỏi để kiếm tiền chữa bệnh cho bố

Khó khăn chồng chất khó khăn

Điều giống nhau ở 4 gia đình trong xóm nghèo “chạy thận” là đều có bố, mẹ hoặc bà mắc bệnh suy thận. Họ đều là các gia đình thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh hết sức éo le, đều thuê nhà trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị đã nhiều năm nay. Đều ăn, ngủ, học hành, nấu nướng… và sinh hoạt trong căn phòng khoảng 10 m2 và đều có những đứa con ngoan, học giỏi và hiếu thảo.

Điểm khác nhau ở chỗ, mỗi gia đình là một lát cắt buồn với những hoàn cảnh éo le riêng. Nhà anh Mai Văn Tuấn nằm trên gác 2, mùa hè nắng rọi vào, hơi nóng của tấm lợp fibro xi măng phả ra như cái lò rang, vậy mà anh vẫn hồ hởi khoe nhà mình mỗi tội nóng còn rộng, sáng sủa và sạch sẽ hơn nhiều nhà khác!

Dưới nhà anh Tuấn, tầng 1 là nhà của 2 bà cháu. Cháu bé đang học Trường Tiểu học Đồng Tâm nhưng vì bố mẹ ly hôn, cháu phải sống với bà. “Dù bố đi làm vẫn gửi tiền về cho hai bà cháu nhưng bà là bệnh nhân chạy thận không những vừa điều trị vừa chăm sóc mình mà còn phải đèo bòng, nuôi nấng và lo học hành cho cả cháu nữa! Thật là tội nghiệp!”, anh Tuấn cho biết.

Sâu vào con ngõ 121 là nhà 2 mẹ con chị Lê Thị Hoài, quê Quý Lộc, Yên Định, Thanh Hóa. Mười mấy năm chị vừa chạy thận vừa đi bán nước rong trong bệnh viện để lấy tiền trang trải. Nhưng 3 tháng nay sức khỏe sụt giảm nghiêm trọng khiến chị không thể di chuyển được. Không những việc làm thêm bị gián đoạn mà giờ đây cơm nước, giặt giũ, di chuyển, chị đều phải nhờ cậy vào cậu con trai Trương Tuấn Nam, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Nội vụ giúp đỡ.

Cạnh nhà Nam là nhà cô sinh viên Ngô Thị Xuân hiện đang học năm thứ 3 Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. Gia cảnh nhà Xuân thật đặc biệt: Nghèo khó, éo le nhưng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình lại đẹp như trong chuyện cổ tích vậy. Bố mẹ Xuân ly hôn năm em còn nhỏ nhưng bố vẫn chăm sóc chạy vạy tiền khi mẹ em đổ bệnh. Mẹ em không đồng ý nối lại tình cảm với bố khi bố đề nghị chỉ vì thương chồng cũ và muốn chồng cũ lấy vợ để có điều kiện nuôi Xuân ăn học. Xuân ở với bố và nhận được thêm cả tình yêu của dì, người vợ thứ hai của bố. Khi Xuân học hết lớp 12 và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội thì em chuyển sang ở với mẹ trong xóm nghèo “chạy thận” từ đó đến nay.

Vào năm học mới tiền đóng học phí và các khoản thu khác cũng nhiều. Xuân tâm sự: “Giờ em chỉ còn 1 triệu, sang tháng chắc dì cũng gửi tiền lên hỗ trợ nhưng cả 2 chị em vào năm học mới đều phải đóng nhiều khoản. Em đang tính khi có lịch học cụ thể em sẽ bố trí thời gian để đi làm thêm”.

Ngô Thị Xuân và mẹ trong bữa cơm thường ngày

Ngô Thị Xuân và mẹ trong bữa cơm thường ngày

Nâng cánh những ước mơ

Mai Xuân Thắng, con anh Tuấn đỗ vào Trường THPT Hai Bà Trưng, Hà Nội với số điểm khá cao 50,5. “Em mơ ước được ra nước ngoài học tập để kiếm được thật nhiều tiền thay thận cho bố em và để gia đình em thoát khỏi cuộc sống nghèo khó này” - Thắng tâm sự. Nói về ước mơ của cậu con trai, anh Tuấn kể anh có một số bạn đồng niên khá thành đạt ở nước ngoài. Thỉnh thoảng bạn bè anh lại gọi điện động viên gia đình và cháu học tập cho tốt để đủ điều kiện đi du học thì họ sẽ chung tay vào giúp đỡ thêm vì thế nên cháu quyết tâm lắm.

Ngược lại Trương Tuấn Nam, chàng sinh viên năm cuối Trường Đại học Nội vụ thì bật mí ước mơ thật giản dị, khiêm nhường của mình: “Học xong, em muốn được về làm việc ở xã Quý Lộc quê em. Ở xã em vẫn còn thiếu mấy vị trí ở văn phòng. Học xong em sẽ cố gắng thi đỗ công chức để được làm việc kiếm tiền cùng bố lo điều trị bệnh cho mẹ. Nhưng trước mắt em chỉ muốn mẹ em đi lại được và ổn định sức khỏe để sống được càng dài thời gian càng tốt”.

Thầy Hiệu phó Trường THPT Hai Bà Trưng, Hà Nội, nơi em Mai Xuân Thắng đang theo học, chia sẻ: “Trường tôi luôn quan tâm đến các em thuộc các gia đình chính sách, hộ nghèo, những em có hoàn cảnh éo le. Năm nào cũng vậy, nhà trường đều đưa ra hội đồng để xét miễn giảm cho các học sinh thuộc diện trên. Ngoài ra trường còn có Quỹ Khuyến học do các cựu sinh viên của các khóa đã theo học ở trường đóng góp mỗi lần về thăm trường. Chúng tôi sử dụng quỹ này rất hiệu quả hỗ trợ đúng đối tượng. Trường hợp em Mai Xuân Thắng nếu thực sự khó khăn chắc chắn vào năm học nhà trường sẽ xem xét tạo điều kiện hết mức có thể để không những cá nhân em Thắng mà còn nhiều bạn khác có cơ hội học tập tốt nhất!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.