Nốt trầm ở "xóm chạy thận"

GD&TĐ - “Xóm chạy thận” nằm trên đường Ngô Văn Sở (thuộc khóm Đông An, phường Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên) là nơi trú ngụ của những người mang trong mình căn bệnh quái ác thời kỳ cuối. Những con người nơi này “dư” đau khổ nhưng không vì thế mà “thiếu” tình tương trợ, thương yêu.

Người dân “xóm chạy thận” phần lớn nghèo khổ nên phải ăn cơm từ thiện
Người dân “xóm chạy thận” phần lớn nghèo khổ nên phải ăn cơm từ thiện

“Xóm chạy thận” giữa thành phố

Ông Tô Văn Đực (56 tuổi) cho biết: “Tôi mắc bệnh suy thận mãn tính đến nay đã 2 năm. Những ai mắc bệnh này đều phải ngủ ngồi để tránh nước tràn lên tim, phổi. Mỗi đêm, người nào ngủ nhiều cũng chỉ được 2-3 tiếng, bởi lượng nước cứ tăng lên hoài”. Vợ chồng ông Đực đã ly hôn. Hai con theo mẹ ở Long Xuyên, còn ông lên Bình Dương làm phụ hồ. Trong một lần làm việc, ông Đực thấy trong người hơi mệt và bị ói nên các đồng nghiệp đưa vào bệnh viện 175. “Bác sĩ xác định tôi bị suy thận mãn thời kỳ cuối. Do số tiền dành dụm đã hết và không bảo hiểm, tôi đành chuyển về quê”, ông Đực buồn bã kể lại.

Như ông Đực, anh Võ Văn Thọ (34 tuổi, ngụ xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) cũng lên Bình Dương phụ hồ, với thu nhập 250 ngàn đồng/ngày. Sau mấy năm làm việc, anh Thọ thấy mình tự nhiên lên cơn sốt, ói và càng ngày càng nặng. Đi khám, anh mới biết mình bị suy thận mãn tính. Nằm chữa trị hơn 1 tháng, tiền hết sạch mà bệnh vẫn không khỏi, anh đành xin về TP Long Xuyên điều trị theo diện bảo hiểm y tế (BHYT). “Đến nay đã hơn 3 năm rồi, có khi đôi ba tháng nhập viện 1 lần, nhưng lắm lúc chừng 2-3 ngày, bất kể giờ giấc. Sau 1 ngày lọc thận, tay chân sẽ căng phồng như… ổ bánh mì. Tay tôi ghim kim tiêm giờ bị phù hết trơn, trời nóng nực mà nước cũng chẳng dám uống vì sợ mệt. Đến bữa ăn cũng hạn chế, bởi không còn tiêu hóa được như trước”, anh Thọ tâm sự.

Những người chạy thận theo lịch 3 lần/tuần và nhà ở xa chỉ còn cách chọn hành lang bệnh viện là nhà trong suốt thời gian dài. Cứ thế, họ xin cơm từ thiện ăn và trải 1 chiếc chiếu nhỏ để ngả lưng hàng đêm. Nhưng giấc ngủ có bao giờ trọn vẹn khi tiếng bước chân cấp cứu, siêu âm, xét nghiệm trong bệnh viện cứ thi nhau kéo đến. Chưa kể, có người bị bệnh “hành”, cả đêm ngồi ôm chiếc thùng giấy thở nặng nhọc.

Dù vậy, ở “xóm chạy thận” họ yêu thương, đùm bọc, nương tựa nhau, dìu dắt nhau sống với sự lạc quan, tin tưởng vào một ngày sẽ khỏi bệnh và được ra viện. Càng về chiều, “xóm chạy thận” càng thêm hiu hắt, ảm đạm, nhịp sống nơi đây cứ âm thầm diễn ra như những nốt nhạc trầm buồn.

Khu vực dành cho bệnh nhân lọc thận
 Khu vực dành cho bệnh nhân lọc thận

Có nhà mà không được về ở

Khu nhà cho các bệnh nhân chạy thận có 3 phòng, căn phòng cuối dãy là nơi sinh hoạt của 4 người phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi mà bi đát nhất là trường hợp của chị Trần Thị Thúy Oanh (36 tuổi, ngụ ấp Thị 2, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Chị Oanh kể, chị và anh Dương Quốc Trọng (33 tuổi) kết hôn đến nay đã 5 năm. Trước đây, nhà không đất vườn nên vợ chồng kéo nhau lên TPHCM lập nghiệp. Hàng ngày chồng đi mua loa bông bí, đĩa nhạc cũ bán lại cho dân chơi đồ cổ, còn chị ở nhà lo việc nội trợ. Sau 1 năm, chị sinh 1 bé gái kháu khỉnh. Lúc này, đôi vợ chồng trẻ rất hạnh phúc và vẽ nên nhiều kế hoạch cho tương lai, nào ngờ tai họa ập đến dập tắt mọi thứ. Trong một buổi đi làm về, cách nhà chưa đầy 10m, anh Trọng bất ngờ bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, hộp sọ được gửi lên BV Phạm Ngọc Thạch nuôi dưỡng. Đã 4 năm trôi qua, anh Trọng vẫn chưa được ráp hộp sọ mà theo quy định thì sau 5 năm sẽ hủy hồ sơ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nuôi con nhỏ, anh Trọng quyết định đi bán vé số nhưng chỉ được một vài tháng phải nghỉ bởi đầu thường bị đau nhức.

Từ ngày chồng bị tai nạn, gia đình chị Oanh trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Để sinh nhai, chị nhận dạy con của hàng xóm. Nhưng họa vô đơn chí, cách nay gần 3 năm, chị thấy trong người khó chịu như bị cao huyết áp và mình mẩy sưng phù, đi khám và biết mình bị suy thận mãn tính. Từ ngày chị bị bệnh, con gái đành gửi cho người chị chồng nuôi, còn chồng được cha mẹ ruột rước về bên ấy.

Từ đó, chị Oanh sống cảnh xa chồng, xa con và phải tìm mọi cách để chống chọi với căn bệnh quái ác. “Năm đầu, lịch chạy thận ít, tôi sắp xếp về nhà để chăm sóc con nhỏ. Đến năm thứ 2, tôi phải chạy thận 3 lần/tuần, đành dọn ít vật dụng vào nương náu hành lang bệnh viện. Hơn 2 năm ròng ở trong bệnh viện, tôi nhớ nhà, nhớ chồng con da diết nhưng không về được. Bây giờ, mọi chi phí chạy thận của tôi đều trông chờ vào tình thương của anh em, bà con và sự thương tình của các nhà hảo tâm. Buồn vô cùng nhưng ráng sống vì đứa con nhỏ, dù bệnh này bác sĩ nói “chạy” suốt đời. Ở đây thấy ai mắc bệnh cũng nghèo khổ, không còn tài sản, có nhà mà không được về”, chị Oanh tâm sự.

Tấm lòng người cha nghèo

Anh Thái Thuận Minh (24 tuổi, ngụ ấp Mỹ Á, xã Núi Voi, Tịnh Biên, An Giang) phát hiện bị suy thận mãn tính thời kỳ cuối khi đang là sinh viên năm nhất. Cha anh, ông Phạm Văn Ai, xin bệnh viện cho chuyển anh lên TPHCM điều trị. Ông Ai nhớ lại: “Lọc thận nửa tháng tốn cả trăm triệu đồng, vậy mà về nhà nó mới khỏe được 18 ngày, rồi co giật như động kinh. Lập tức tôi chở xuống BV Đa khoa trung tâm (BVĐKTT) An Giang cấp cứu”. Suốt 5 năm ròng “đóng đô” ở bệnh viện, những đồng bạc tích góp cuối cùng của gia đình ông Ai cạn dần.

Tuy hoàn cảnh khó khăn chồng chất nhưng ông Ai sẵn sàng giúp các bệnh nhân có chung căn bệnh như con trai mình. Từ ngày chuyển ra “xóm chạy thận”, thấy mọi người đi chạy thận bất tiện, ông Ai tự nguyện đưa, rước mọi người miễn phí (mỗi ngày 6 lượt). Nói về việc làm của mình, ông Ai chia sẻ: “Ngoài chở họ chạy thận theo ca: thứ 2,4,6 hoặc 3,5,7 tôi còn đảm nhận đưa những trường hợp bệnh trở nặng đi cấp cứu. Giờ mình không còn gì hết nên chia sẻ được khó khăn gì thì làm thôi”. Là một trong gần chục bệnh nhân được ông Ai đưa rước miễn phí, bà Nguyễn Thị Ngân (56 tuổi, ngụ H.Chợ Mới) cho biết: “Mỗi ca chạy thận kéo dài 4 tiếng đồng hồ, nhưng anh Ai đều đợi để đưa rước. Thấy hoàn cảnh anh Ai cũng khổ, bà con có gom tiền gửi lại nhưng kẹt dữ lắm ảnh mới lấy chút tiền để đổ xăng”.

Bác sĩ Dương Thị Thu Cúc - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ BVĐKTT An Giang chia sẻ: “Trước đây, những bệnh nhân suy thận ở trước cổng hoặc hành lang bệnh viện để chờ đến lượt chạy thận. Sau khi chuyển qua bệnh viện mới, tình cảnh ấy lặp lại, khiến sức khỏe họ không được đảm bảo. Vì thế bệnh viện vận động nhà hảo tâm, cán bộ nhân viên liên hệ trung tâm thuê 3 phòng, chi trả điện nước để họ ở. Bố trí nơi đó bởi có cơ quan y tế hỗ trợ kịp thời khi bệnh trở nặng. Việc ăn uống của họ có Hội Từ thiện đảm nhận. Dự định tới đây sẽ bố trí xe đưa rước cho thuận tiện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.