Phận đời xóm chạy thận

GD&TĐ - Bước vào khu nhà, tôi bắt gặp ánh mắt bàng quan của những cư dân chạy thận ở đây. “Nhà báo phải không? Ở đây, nếu không phải người nhà đến thăm, thì chỉ có nhà báo đến viết bài thôi”, ông Trương Đình Vinh nói.

Phận đời xóm chạy thận

Bất cứ ai, khi đã bước chân vào cái xóm chạy thận này là đã xác định gắn bó suốt cuộc đời còn lại với nơi đây, như một sự mặc định ngầm, mà ai cũng hiểu.

Giường đơn, bếp gas và người chạy thận

Đây là khu nhà khách của Công ty Cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh, đã xuống cấp, cũ kỹ, đối diện với Bệnh viện Giao thông Vận tải Nghệ An. Tuy nhiên, từ lâu nay, nó đã trở thành xóm chạy thận của TP Vinh, “Chẳng hiểu sao người ta chưa đập bỏ đi, có lẽ họ đang thương chúng tôi nên cứ để thế và cho thuê trọ giá rẻ. Lâu dần, người ta gọi đây là xóm chạy thận”, những cư dân của xóm nói.

Căn phòng mà ông Trương Đình Vinh ở ẩm thấp, chật chội, những mảng tường loang lổ, mốc meo. Có 3 người ở, 3 cái giường đơn, 3 bếp gas. Mùi thức ăn, mùi quần áo, thuốc men trộn lẫn vào nhau ngai ngái.

Ông Vinh người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, năm nay 58 tuổi, nhập xóm từ hơn 10 năm trước. Mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng vợ ông lại là người ra đi trước. “Cách đây 3 năm, bà nhà tôi bị ung thư, rồi mất”, ông kể. Còn 4 người con, đủ trai gái đã lập gia đình, kẻ Bắc người Nam làm công nhân kiếm sống, gửi tiền về cho bố chữa bệnh. Nước da tái sạm, tay chân nổi đầy những u cục do “phồng ven vì chạy thân”, nhiều lúc ông cũng muốn về nhà nhưng con cái không yên tâm, thế là ông đành quanh quẩn ở lại.

Cánh cửa phòng bị đẩy ra, kêu cọt kẹt. Đó là anh Nguyễn Văn Đoàn vừa đi chợ về. Anh cũng đã gắn bó với xóm chạy thận này 5 năm. Người đàn ông 50 tuổi cố tếu táo: “Ở đây không “đi chạy” thì đi chợ, về nấu ăn xong thì nằm, vậy là hết ngày. Những hôm đau quá thì vợ con xuống chăm”. Nhắc đến gia đình, giọng anh như chùng xuống. Mỗi tháng ở đây, mặc dù có bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần, thuê được chỗ ở giá rẻ, chi tiêu tằn tiện lắm trung bình cũng tiêu tốn hết 3 triệu đồng. Trong khi chẳng đủ sức lực để làm được việc gì nữa. Biết là gánh nặng cho vợ con nhưng đành phải chấp nhận.

Vịn vào yêu thương để sống

Ngày cuối tuần nhưng chẳng ai về quê. “Thỉnh thoảng khỏe thì có về, nhưng một năm vài lần thôi, ngày tết chỉ về ngày 30, mùng 1 rồi lại lên. Không dám ở lâu, lỡ cao huyết áp lại không kịp cấp cứu. Tháng trước có ông ở phòng bên về nhà. Mới chào nhau buổi sáng, buổi chiều thấy thằng con gọi điện vào đây báo bố cháu mất rồi. Thế đấy, nếu không về chưa chắc đã chết đâu. Ở đây, có chuyện chi, thì đưa ngay sang bệnh viện đã có bác sĩ… Tôi cũng thế thôi, bệnh mãn tính rồi, sống thêm ít năm nữa, trời kêu ai nấy dạ”, anh Đoàn tỉnh bơ.

Không chỉ anh Đoàn, những cư dân của xóm ai cũng mang trong mình sự bình thản ấy, để im lặng chấp nhận, im lặng thở dài. Họ đã chứng kiến quá nhiều, hay đã có một thời gian quá dài để chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi cuối cùng của cuộc đời ấy, của chính mình và của cả những người “đồng bệnh”.

Cụ Đào Thị Nguyên (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) là bệnh nhân chạy thận cao tuổi nhất tại khu trọ. Năm nay đã 87 tuổi, tai điếc, mắt mờ, khớp chân tay đã cứng, phải ngồi xe lăn. Ấy vậy mà 8 năm qua, cụ lại phải chịu thêm đau đớn từ những đợt chạy thận. Như ngọn đèn leo lét trước gió, nhưng vẫn cháy phập phù. Thương mẹ, bà Thái Thị Hợi - con gái của cụ Nguyên gác hết công việc ở quê để vào đây chăm nom từ sinh hoạt đến chữa bệnh cho mẹ. Thôi thì còn nước còn tát, quan trọng là còn người, còn sống để mà được chăm sóc, yêu thương cho trọn đạo làm con.

Hoàn cảnh khiến nhiều người nhắc đến hơn cả, với sự ái ngại, lo lắng, cám cảnh lẫn bất lực ấy là trường hợp anh Thái Khắc Dần (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Anh là cư dân tuổi đời trẻ nhất, nhưng tuổi bệnh lại cao nhất. Từ năm 29 tuổi, anh đã bị suy thận cấp. Từ đó, những ước mơ, hoài bão, dự định của tuổi trẻ như sụp đổ. Kể cả cái hạnh phúc giản đơn và thiêng liêng nhất của đời người là lấy vợ, sinh con cũng dường như trở nên xa vời ngoài tầm tay với.

Phía trên đầu giường, anh Dần treo một cây đàn ghi ta, một cây sáo trúc. Trước kia, anh vẫn hay chơi đàn cho vui. Gần đây anh không chơi được nữa. “Khớp tay đau không gảy được đàn, còn sáo phải cần nhiều hơi, nhiều sức lực để thổi…”. Anh cũng đã từng chạy xe ôm ở cổng bệnh viện khi sức khỏe còn tốt. “Mỗi ngày kiếm ít chục ngàn, đỡ bớt gánh nặng cho gia đình. Hôm nào mới đi chạy thận về mệt thì nghỉ. Nhưng bây giờ thì tôi nghỉ hẳn” - anh cười buồn. Được biết, gia đình anh Dần còn mẹ già 90 tuổi ở quê đang mang trên mình căn bệnh ung thư phổi. Các anh chị em đều làm nông nghiệp, kinh tế không khá giả gì.

Một vài người hàng xóm kể lại, trước đây có chị Nguyễn Thị Hải, người Hà Tĩnh cũng sống ở khu nhà này. Anh Dần và chị bầu bạn với nhau, cho qua những đoạn ngày buồn. Nhưng hiện Hà Tĩnh đã có máy chạy thận, nên chị Hải về quê, thỉnh thoảng sức khỏe ổn thì chị bắt xe buýt ra thăm anh, mang theo ít quà quê. Đó dường như là niềm vui, niềm hi vọng và đợi chờ mỗi ngày của anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.