Ngày 12/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ V, khóa II, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã đến dự. Hội nghị báo cáo tổng kết hoạt động trong năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025 của Hiệp hội kết hợp kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại (và mở rộng) từ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (thành lập năm 2014).
Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động 10 năm của Hiệp hội, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực điểm lại một số vấn đề quan trọng được Hiệp hội tích cực đóng góp trong 10 năm qua.
Thứ nhất, Hiệp hội có nhiều góp ý cho việc sửa đổi các luật về giáo dục như: Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi; đóng góp rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học.
Thứ hai, Hiệp hội đã trình Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị liên quan đến hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập;
Thứ ba, Hiệp hội đã nhiều lần đóng góp ý kiến, đề nghị xem xét lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch các trường sư phạm đào tạo giáo viên các bậc học, các vấn đề cần quan tâm của khối trường cao đẳng, vấn đề cơ cấu, quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Hiệp hội cũng đã kiến nghị giải pháp cụ thể cho một số trường địa phương đang gặp khó khăn, có nguy cơ bị giải thể hoặc bị sáp nhập vào các trường khác sứ mệnh.
Thứ tư, Hiệp hội kiến nghị duy trì nguyên vẹn hệ thống trường cao đẳng sư phạm địa phương và có kế hoạch đầu tư toàn diện để vừa nâng cấp trình độ đào tạo giáo viên (lên đại học), vừa đa ngành hóa các trường này theo mô hình trường cao đẳng/đại học cộng đồng.
Thứ năm, Hiệp hội chủ động kiên trì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị cho toàn ngành giáo dục, đào tạo khẩn trương thay thế giải pháp cho người học nghỉ học – một giải pháp mang tính thụ động - bằng giải pháp chủ động hơn trong thời điểm dịch Covid-19.
Thứ sáu, Hiệp hội kiến nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo cho tổng kết nghiêm túc việc làm thí điểm tự chủ đại học.
Thứ bảy, Hiệp hội kiến nghị bổ sung luồng THPT định hướng nghề nghiệp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ tám, góp ý đổi mới việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học.
Thứ chín, góp ý cho Đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 định hướng đến năm 2050.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, những năm tới, Hiệp hội tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, củng cố xây dựng và phát triển Hiệp hội bền vững; kiên trì thực hiện sứ mệnh của mình để phục vụ tốt hơn và nhiều hơn cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.
Quan tâm đến những nội dung góp ý của Hiệp hội liên quan đến giáo dục đại học trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao các kết quả hoạt động cũng như dự kiến chương trình công tác trong thời gian tới của Hiệp hội.
Thứ trưởng đề nghị, Hiệp hội cần tập trung, có những góp ý cho việc xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng, trong đó có nội dung về phát triển nhân lực để cạnh tranh đưa đất nước đi lên.
Phát triển nhân lực, hiền tài là yếu tố cạnh tranh cốt lõi của quốc gia. Giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học có vai trò lớn trong ngành giáo dục, phát triển nhân lực, đóng góp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng mong muốn Hiệp hội sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến vào văn kiện đại hội Đảng sắp tới, làm sao để có thể đề cao được vai trò của giáo dục đại học, hệ thống đại học, cao đẳng trong phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển đất nước...