Trọn vẹn triển khai chu kỳ CTGDPT 2018: Dấu ấn trong giáo dục hướng nghiệp

GD&TĐ - Một trong những dấu ấn khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là sự thay đổi rõ rệt về giáo dục hướng nghiệp.

Học sinh Trường THCS Thụy Liên thăm cơ sở làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Thụy Liên thăm cơ sở làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn. Ảnh: NTCC

Điều này giúp học sinh định hướng ngành nghề phù hợp, bớt lúng túng lựa chọn môn học khi vào lớp 10.

Xác định rõ mục tiêu

Những năm gần đây, xác định được tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) đã chú trọng lồng ghép, tích hợp nội dung hướng nghiệp vào các môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường luôn chú trọng công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tác dụng của công tác định hướng phân luồng tới học sinh, phụ huynh. Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc để làm thay đổi nhận thức, tâm lý của phụ huynh.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo nội dung Chương trình GDPT 2018, giáo dục hướng nghiệp có vai trò quan trọng trong hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh và được tích hợp vào một số môn học, hoạt động giáo dục, đồng thời biên soạn thành một số chủ đề ở các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...

Riêng khối lớp 8, 9, mỗi năm nhà trường dành thời lượng nhất định để tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh theo quy định. Qua các hoạt động này, học trò được định hướng nghề nghiệp và học tập phù hợp với bản thân.

Ba năm trở lại đây, qua khảo sát trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, khoảng 20% học sinh của trường có nguyện vọng vào học các trường nghề, trung tâm GDTX. Tỷ lệ học sinh học GDTX mỗi năm tăng 3 - 4% (năm học 2024 - 2025 là 20%).

Lên THPT, học sinh được lựa chọn môn học, bắt đầu giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Để học sinh không lúng túng, theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, trường đã tích cực làm công tác tư vấn, định hướng, phân luồng học sinh sau THCS tới học sinh, cha mẹ.

Tại các tiết học chính khóa, ngoại khóa, nhà trường mời chuyên gia, doanh nhân nói chuyện về triển vọng thị trường lao động, việc làm, nghề nghiệp gắn với thực tế phát triển của địa phương. Trường cũng tổ chức chương trình tham quan, trải nghiệm tại cơ sở sản xuất đồ gia dụng, nuôi trồng thủy sản, công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn… để các em được thấy, nghe bài học thực tế về giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Theo cô Bùi Thị Hường - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, TP Hải Phòng), định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS có tầm quan trọng lớn đối với việc hình thành mục tiêu, tính cách. Đây cũng là cơ sở để học sinh tập trung trau dồi kỹ năng, bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Chính vì thế, phương pháp giáo dục hướng nghiệp THCS là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà trường, phụ huynh.

Với Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ, thông qua nội dung giáo dục hướng nghiệp, học sinh biết mình có niềm yêu thích đặc biệt, đam mê hay năng lực, tố chất nổi bật nào. Đây là bước đầu để các em định hình hướng đi trong tương lai.

Bên cạnh đó, được trải nghiệm nhiều ngành nghề, công việc đa dạng, các em ý thức được bản thân phù hợp với lựa chọn nào nhất; từ đó khoanh vùng những môn học, kỹ năng cần tập trung phát triển. Học sinh cũng biết được đặc trưng, nhiệm vụ cụ thể của công việc mình lựa chọn thông qua các buổi hướng nghiệp; sớm biết mình phải chuẩn bị những gì để có thể gắn bó lâu dài với lựa chọn đó. Khi đã xác định được mục tiêu cần hướng đến, các em sẽ không gặp nhiều khó khăn khi chọn môn học ngay từ năm lớp 10. Qua đó, kiên định hơn với lựa chọn của mình để không gặp tình trạng “bỏ dở” giữa chừng.

dau an trong giao duc huong nghiep (1).jpg
Học sinh Trường THCS Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) tham quan khu Công nghiệp Liên Hà Thái và được giới thiệu về nhu cầu nhân lực. Ảnh: NTCC.

Chọn nghề phù hợp

Từ năm học 2022 - 2023, Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018 với lớp 10. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Phan Trọng Hải, khi xây dựng kế hoạch giáo dục vào đầu năm học, trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá học sinh. Trong đó, nhà trường tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.

Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất, năng lực thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

“Kết quả thấy rõ là học sinh có định hướng tốt hơn về nghề nghiệp. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm (0,49% - giảm mạnh so với giai đoạn trước). Số học sinh lớp 12 những năm gần đây lựa chọn học nghề, cao đẳng, đại học tăng mạnh (trên 80%).

Số học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp tăng nhiều (trên 20% học sinh tham gia) và chất lượng được nâng lên (1 giải Ba cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh (toàn tỉnh có 25 giải); giải Khuyến khích cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp). Qua khảo sát, học sinh lớp 12 năm học 2024 - 2025 cho thấy, các em cơ bản chọn được ngành nghề sau khi học xong lớp 12”, thầy Phan Trọng Hải chia sẻ.

Tại Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), thầy Phó Hiệu trưởng Trần Văn Hân cho biết, nhà trường luôn chú trọng nội dung giáo dục hướng nghiệp với mục tiêu giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị của bản thân, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu xã hội.

Thông qua các môn học, nhất là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương để có sự gắn kết tốt nhất giữa giảng dạy trong nhà trường và phối hợp cha mẹ nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Kết quả, người học có biểu hiện nghiêm túc và bước đầu thấy được tầm quan trọng của nghề nghiệp trong tương lai; từng bước tập trung, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu và tham gia tích cự các hoạt động, nội dung liên quan đến giáo dục hướng nghiệp.

Thời gian tới, thầy Trần Văn Hân chia sẻ, Trường THPT Tháp Mười tiếp tục lồng ghép nội dung giáo dục hướng nghiệp vào các môn học một cách phù hợp. Tạo điều kiện thuận lợi để thầy cô được bồi dưỡng, tập huấn nhằm phụ trách tốt hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và giáo dục địa phương; từ đó thực hiện hiệu quả hơn nữa giáo dục hướng nghiệp cho người học.

“Học sinh khi vào THPT nên lựa chọn môn học dựa trên các yếu tố: Mục tiêu nghề nghiệp, thế mạnh của bản thân (và gia đình), tương lai của thị trường lao động, điều kiện thực tế của nhà trường nơi mình tiếp tục học tập”. - Thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ