Trọn vẹn triển khai chu kỳ CTGDPT 2018: Giải pháp căn cơ cho môn học mới

GD&TĐ - Dạy các môn mới theo Chương trình GDPT 2018, nhiều trường thiếu giáo viên lẫn cơ sở vật chất nên gặp không ít khó khăn. 

Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng trong giờ học Ngữ văn lớp 10. Ảnh: Đình Tuệ
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng trong giờ học Ngữ văn lớp 10. Ảnh: Đình Tuệ

Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ cho giai đoạn tiếp theo.

Linh hoạt giải pháp

Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, tính đến hết năm học 2023 - 2024, nhà trường chưa có đội ngũ giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Thời điểm nhận được tài liệu hướng dẫn nội dung Giáo dục địa phương cũng bị muộn.

Một số môn giáo viên thiếu nhiều tiết do không có học sinh lựa chọn như: Hóa học, Tin học, Công nghệ, Sinh học… Mức lương còn thấp nên giáo viên Âm nhạc tuyển được nhưng lại xin nghỉ việc. Trường chưa có đầy đủ trang thiết bị cho phòng Âm nhạc, Mỹ thuật, nhất là năm học 2024 - 2025 Chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai ở cả ba khối.

Để khắc phục những khó khăn đó, nhà trường tăng cường truyền thông; nâng cao công tác tự đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi sinh hoạt chuyên môn; hợp đồng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật; phân công giáo viên ít tiết dạy nội dung Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, tạo điều kiện tốt để thầy cô yên tâm giảng dạy, cống hiến.

“Chúng tôi tiếp tục rà soát nhân lực, cơ sở vật chất, đưa ra gợi ý về tổ hợp môn lựa chọn và chuyên đề học tập phù hợp với đặc điểm và tình hình nhà trường. Tổ chức họp phụ huynh đầu năm (2 lần) trước khi ổn định mô hình lớp, đảm bảo các bậc cha mẹ và học sinh hiểu rõ về Chương trình GDPT 2018”, cô Nhâm Huyền trao đổi thêm.

Về giải pháp, cô Huyền đề xuất các trường đại học cần đào tạo giáo viên chuyên dạy Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương cho trường phổ thông. Cấp trên sớm chuyển tài liệu hướng dẫn nội dung Giáo dục địa phương về các trường; có chế độ động viên, khích lệ hơn nữa về tuyển chọn giáo viên nhóm môn Công nghệ, Nghệ thuật; Tăng cường trang thiết bị cho phòng Âm nhạc, Mỹ thuật đảm bảo mục tiêu chương trình mới.

Năm nay, Trường THPT Ngô Quyền (TP Hải Phòng) có 2 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mỹ thuật. Nội dung Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp được xây dựng để dạy “cuốn chiếu” theo chuyên đề. Mỗi thầy cô đảm nhiệm một vài chuyên đề phù hợp chuyên môn, hiểu biết tương ứng với số tiết còn thiếu so với quy định.

giai phap can co cho mon hoc moi (1).jpg
Cô trò Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) trong chuyến trải nghiệm tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Đình Tuệ

Môn tích hợp dạy thế nào?

Kết thúc năm học thứ ba dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), nhiều trường THCS gặp phải khó khăn từ đội ngũ đến cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học.

Cô Nguyễn Thị Gấm – Tổ trưởng chuyên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) nêu thực trạng, một số giáo viên lúng túng trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học.

Trên thực tế, đa số thầy cô chỉ được đào tạo một hoặc hai phân môn nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giáo viên có chuyên môn nào thì đảm nhiệm phần đơn vị kiến thức đó. Vì thế chưa đảm bảo tính logic, sự tích hợp giữa các chủ đề mà nội dung sách giáo khoa, ý đồ các tác giả mong muốn.

Hơn nữa, sách giáo khoa được viết theo mạch kiến thức từng phần với 4 tiết/tuần, việc phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu, thực hiện nhiệm vụ nhà trường và giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Thiết bị dạy học tương ứng với nội dung các bài trong sách giáo khoa vẫn chưa được cấp mới, các thiết bị cũ có thể sử dụng lại không nhiều. Trong khi, Khoa học tự nhiên là môn học thiên về thực nghiệm. Theo đó, thông qua hoạt động thực hành, học sinh nắm vững lý thuyết, đồng thời có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Do đó, nếu thiếu thiết bị dạy học thì chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục.

Trước thực tế đó, theo cô Nguyễn Thị Gấm, mỗi giáo viên cần chủ động, tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa; phát huy tính sáng tạo, rèn luyện phương pháp học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực học sinh. Tích cực nghiên cứu tài liệu, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường.

“Nhà trường tận dụng thiết bị dạy học cũ, có thể điều chỉnh, thay thế thí nghiệm trong bài học sao cho phù hợp mà vẫn đạt hiệu quả cao. Những thí nghiệm không thực hiện được có thể sử dụng video, bài học có tranh ảnh, học liệu điện tử để giảng dạy. Về lâu dài, cấp trên cần sớm có kế hoạch đào tạo bổ sung giáo viên môn Khoa học tự nhiên; cấp mới, bổ sung các thiết bị dạy học phù hợp với nội dung chương trình sách giáo khoa”, cô Gấm đề xuất.

Ở cấp tiểu học, nội dung Giáo dục địa phương cũng được thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tế. Cô Cao Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, hiện giáo viên chủ nhiệm vẫn là lực lượng chính giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương.

Trong năm học vừa qua, dù không được nhận tài liệu hướng dẫn từ đầu năm nhưng nhà trường đã chủ động phân công giáo viên sử dụng bản PDF nội dung Giáo dục địa phương để dạy. Ngoài kiến thức chung về văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, học sinh có cơ hội hiểu hơn về nhân vật nổi tiếng, làng nghề truyền thống quê hương Hà Đông như: Đại tướng Lê Trọng Tấn (quê Yên Nghĩa), làng nghề Lụa Vạn Phúc, làng nghề rèn Đa Sỹ…

Thầy Phùng Chí Tân - giáo viên môn Lịch sử - Địa lí, Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) có nhiều sáng tạo trong giảng dạy. Trong đó, thầy Tân lồng ghép giáo dục di sản văn hóa địa phương cho học sinh thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích như: Thành lập Câu lạc bộ Em yêu Lịch sử, Kể chuyện di sản, thi kể chuyện về các danh nhân văn hóa của địa phương và dân tộc, giới thiệu sách về các di sản văn hóa, thi vẽ tranh về đề tài: “Chiến thắng Điện Biên Phủ” lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu để học sinh thuyết trình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ