Trọn vẹn triển khai chu kỳ CTGDPT 2018: Cân bằng giữa đội ngũ và nguyện vọng

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018, ngoài các môn bắt buộc, học sinh được lựa chọn môn học phù hợp sở trường và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh với tiểu phẩm: Tìm hiểu các danh thắng của Quảng Nam - Đà Nẵng trong tiết học Hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh với tiểu phẩm: Tìm hiểu các danh thắng của Quảng Nam - Đà Nẵng trong tiết học Hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Ảnh: NTCC

Các nhà trường phải giải bài toán vừa bảo đảm nguyện vọng người học, vừa phù hợp điều kiện thực tiễn về cơ sở vật chất, đội ngũ.

Lựa theo thực tế

Trường THPT số 2 Đức Phổ (Quảng Ngãi) dự kiến năm học 2024 - 2025 biên chế 2 lớp 10 nghiêng hẳn về nhóm môn tự nhiên, 2 lớp nghiêng về nhóm môn xã hội. Tuy nhiên, do số lượng học sinh đăng ký chọn nhóm môn nghiêng về tự nhiên quá đông nên phải điều chỉnh thành 3 lớp và 1 lớp thiên về xã hội.

Thầy Hiệu trưởng Thạch Cảnh Bê cho biết, trên cơ sở phân tích một số dữ liệu như học sinh chọn tổ hợp môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học năm trước, trường xây dựng một số phương án tổ chức cho học sinh lớp 10 đăng ký tổ hợp môn.

Với đăng ký các môn lựa chọn, Trường THPT số 2 Đức Phổ tạo điều kiện cho học sinh đăng ký theo nguyện vọng để đảm bảo đúng tinh thần Chương trình GDPT 2018. Mỗi học sinh có 3 nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, các phương án xây dựng chọn tổ hợp môn phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Để đáp ứng tối đa nguyện vọng học sinh với 80% các em được sắp xếp lớp đúng nguyện vọng 1, Trường THPT số 2 Đức Phổ điều chỉnh phương án phân công giáo viên làm công tác chủ nhiệm. 20% số học sinh còn lại học nguyện vọng 2.

Chương trình GDPT 2018 đã trao quyền chủ động cho người học mà tiêu biểu là việc lựa chọn các môn học. Đây là cơ hội để học sinh hình thành năng lực, định hướng nghề nghiệp tương lai khi bước chân vào cấp học này.

Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cũng phải điều chỉnh biên chế số lớp có nhóm môn tự chọn gồm Vật lí - Hóa học - Tin học - Giáo dục Kinh tế và Pháp luật từ 2 lớp tăng lên 5 lớp năm học 2024 - 2025 ở khối lớp 10. Trong khi đó, biên chế lớp 10 có nhóm môn lựa chọn là Hóa học - Sinh học từ 2 lớp giảm xuống còn 1 lớp.

Trước đó, từ chỗ dự kiến năm học 2023 - 2024 chỉ có 2 lớp 10 với nhóm môn lựa chọn gồm Vật lí - Hóa học - Tin học - Công nghệ (Công nghiệp) đã phải điều chỉnh thành 4 lớp do số học sinh đăng ký quá đông.

Việc ưu tiên tối đa nguyện vọng lựa chọn môn học của học sinh dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Thầy Thạch Cảnh Bê cho biết, thực trạng này, nhà trường không thể dự báo trước cho từng năm học mà tùy thuộc vào thực tế học sinh đăng ký chọn nhóm môn học sau khi trúng tuyển vào lớp 10.

Như Trường THPT Bình Sơn (Bình Sơn, Quảng Ngãi), môn Âm nhạc có số học sinh lớp 10 đăng ký lựa chọn hằng năm chỉ khoảng 20 - 25 em. Nhà trường buộc phải lựa chọn phương án sắp xếp một lớp truyền thống có 2 thời khóa biểu, trong đó có 1 môn học, học sinh phải tách thành 2 lớp ở 2 phòng học khác nhau.

can bang giua doi ngu va nguyen vong (2).jpg
Một giờ học Địa lý của học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Ảnh: Ái Vân.

Không làm khó giáo viên

Theo cô Hồ Thị Thảo Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), số học sinh đăng ký theo học nhóm môn lựa chọn nghiêng về các môn Khoa học tự nhiên chiếm tỷ lệ lớn.

“Với nhóm môn nghiêng về Khoa học tự nhiên, nhà trường sẽ xây dựng theo hướng cân bằng, những môn còn lại, học sinh đăng ký theo các “gói” có sẵn. Điều này đảm bảo giáo viên các môn Địa lí, Công nghệ, Sinh học... không bị dôi dư vừa đảm bảo học sinh được trang bị các kiến thức căn bản, tối thiểu bậc phổ thông”, cô Nguyên chia sẻ.

Để đủ định mức 17 tiết/tuần, ban giám hiệu các trường học đã có giải pháp bố trí giáo viên dôi dư làm công tác chủ nhiệm, dạy phần Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và làm các phần việc kiêm nhiệm khác. Như Trường THPT Trần Phú, có 11/16 giáo viên của Tổ Vật lí làm công tác chủ nhiệm.

Trường THPT số 2 Đức Phổ, có 3 giáo viên môn Vật lí chỉ dạy 8 tiết/tuần, số tiết còn lại được quy đổi thành các tiết kiêm nhiệm như công tác Đoàn, công đoàn, tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm…

Với môn Âm nhạc, Trường THPT Bình Sơn chỉ có 6 tiết/tuần cho cả 3 khối nên giáo viên bộ môn được tập huấn để hỗ trợ Đoàn trường trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, tham gia tổ tư vấn tâm lý học đường… nhằm đủ định mức tiết dạy/tuần.

Tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), trong phân công nhiệm vụ với số giáo viên không đủ định mức tiết dạy/tuần, nhà trường chủ trương không chồng chéo, làm khó giáo viên.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hưng cho biết, khi xây dựng các nhóm môn lựa chọn, phải tính đến yếu tố cân đối giáo viên từng bộ môn để đảm bảo thầy cô phải đảm nhận dạy - học với số lượng tiết nhất định đúng với chuyên môn của mình.

“Để giải quyết bài toán này, trong xây dựng nhóm môn lựa chọn, Trường THPT Phan Châu Trinh tính toán thêm cả số giáo viên dạy nhóm chuyên đề kèm để số lượng tiết dạy của các tổ chuyên môn cũng không quá chênh lệch. Như với giáo viên dạy môn Sinh học của nhà trường, sẽ đảm nhận thêm môn học Công nghệ (Nông nghiệp trồng trọt), giáo viên môn Vật lí dạy thêm môn Công nghệ (Công nghiệp thiết kế)”, thầy Hưng thông tin.

“Với môn Giáo dục địa phương, ban giám hiệu cần phân công giáo viên dạy học dựa trên chủ đề phù hợp chuyên môn. Chẳng hạn, với chủ đề Biến đổi khí hậu do giáo viên Địa lí thực hiện nhưng với chủ đề Đa dạng sinh học thì giáo viên Sinh học đảm nhận. Một số chủ đề như các ngành nghề ở Đà Nẵng, giáo viên bộ môn nào cũng đảm nhận được, lúc này mới phân công giáo viên các môn đang thiếu giờ đứng lớp”. - Cô Hồ Thị Thảo Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ