Trọn vẹn triển khai chu kỳ CTGDPT 2018: Hướng tới năng lực, phẩm chất, kỹ năng

GD&TĐ - Trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều giáo viên đã đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả tích cực, tránh đặt nặng kiến thức

Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: MA
Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: MA

Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới đã phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo của người học.

Chuyển dịch mạnh mẽ

Từ khi Chương trình GDPT 2018 được triển khai, giáo viên các cơ sở giáo dục đã chuyển hướng dạy học theo lối truyền thống sang phát triển năng lực, lấy người học làm trung tâm. Khi đó, thầy cô áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức, còn học trò chủ động. Hình thức này đã phát huy tối đa năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo và tự học của học sinh.

Trường THPT Hòa Bình (Bà Rịa - Vũng Tàu) chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, tăng cường tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh nhằm tiếp thu tri thức và rèn luyện kỹ năng cần thiết. Cụ thể, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động học tập, giúp học sinh chủ động khám phá điều chưa biết, thay vì thụ động tiếp nạp kiến thức có sẵn; biết vận dụng kiến thức đã biết để giải quyết tình huống trong học tập và thực tiễn…

Thầy Hồ Sĩ Nhật Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình chia sẻ: “Dạy học theo các phương pháp mới đã tạo nên sự hứng thú cho học sinh. Việc học và hành đích thực đi đôi với nhau, thực hành ngay trên bài học lý thuyết, sử dụng lý thuyết vào bài thực hành. Do đó, tâm thế tiếp nhận của học sinh sẽ dễ dàng, thoải mái hơn”.

Tương tự, cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Trong dạy học, giáo viên luôn tạo không khí cởi mở, thân thiện. Lớp học không gò bó trong không gian kín mà có thể ở ngoài trời, bàn ghế dễ xoay chuyển để thay đổi hình thức học tập…

Đặc biệt, trong đánh giá học sinh cũng có nhiều thay đổi, trước đây giáo viên căn cứ vào bài kiểm tra cuối năm học để đánh giá, xếp loại học sinh. Hiện nay, đánh giá không chỉ dựa vào điểm số mà căn cứ vào cả quá trình học tập của học sinh, điều này buộc giáo viên phải linh hoạt, sử dụng hợp lý, đúng mực và khéo léo các nhận xét của mình cho sản phẩm học tập. Từ đó giúp các em biết đang ở đâu so với yêu cầu, đích cần đến trong thời gian tiếp theo”.

Tuy nhiên, nữ hiệu trưởng cũng nhìn nhận, quá trình dạy học theo chương trình mới, nhiều cơ sở giáo dục gặp phải những khó khăn nhất định. Đơn cử, tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, không có trang thiết bị học tập trực tuyến tại nhà khi cần.

Trong khi đó, phương pháp giảng dạy mới thường yêu cầu sự hỗ trợ của công nghệ và các thiết bị khác như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác... Ngoài ra, nhiều giáo viên lớn tuổi vẫn dạy theo cách truyền thống và ngại thay đổi; một số thầy cô không có đủ thời gian để nghiên cứu và áp dụng các phương pháp mới.

“Nhìn rõ những khó khăn đó, nhà trường đã vận động các nguồn lực, từng bước khắc phục để thực hiện chương trình mới đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề để giáo viên thấy được sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học.

Đồng thời phân công giáo viên trẻ, giỏi công nghệ hỗ trợ về kỹ thuật cho đồng nghiệp lớn tuổi, chia sẻ kế hoạch bài dạy, bài giảng điện tử, xây dựng kho học liệu dùng chung cho giáo viên trong khối…”, cô Hà cho hay.

huong toi nang luc pham chat ky nang (1).jpg
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TP Hồ Chí Minh) trải nghiệm các trò chơi trong ngày tựu trường. Ảnh: TH

Tăng cường trải nghiệm thực tế

Để giúp học sinh trải nghiệm, rèn luyện, hình thành, củng cố một số kỹ năng liên quan bài học, nhiều trường học đã triển khai các mô hình học tập hiệu quả như: Dạy học theo dự án, học tập trải nghiệm, học qua chơi… Qua đó, học sinh phát triển năng lực, phẩm chất, làm chủ kiến thức.

Điển hình như Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai), mỗi học kỳ, nhà trường đều tổ chức từ 2 - 4 buổi cho học sinh tham quan học tập thực tế các di tích lịch sử, khu công nghiệp, đơn vị quân đội…

Cô Hoàng Thị Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh cho hay, thông qua các hoạt động trên, học sinh thêm hiểu về lịch sử, truyền thống dân tộc. Qua đó, giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước, có ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa địa phương, hiểu rõ những ngành nghề hiện nay.

“Sau mỗi đợt tham quan, các em sẽ làm bài thu hoạch về cảm nhận sau chuyến đi. Đây là hình thức học tập mà học sinh rất thích”, cô Ngọc chia sẻ.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong năm học vừa qua, nhiều trường tiểu học đã tổ chức “Tiết học mở”. Mô hình này góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh. Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh), những năm trước đây “Tiết học mở” chủ yếu thực hiện ở môn Tiếng Anh.

Từ năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT chỉ đạo trường học tổ chức mô hình “Tiết học mở” ở các môn. Thông qua “Tiết học mở”, phụ huynh có cơ hội tham gia cùng con học tập, vui chơi, rèn luyện, sinh hoạt ở trường, từ đó biết được ở trường con làm gì, học gì, học thế nào. “Đặc biệt, phụ huynh sẽ hiểu nhanh và rõ hơn về Chương trình GDPT 2018. Từ đó, các tiết học tạo được sự đồng hành giữa phụ huynh và nhà trường, giúp đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh”, bà Thúy nói.

Nhằm phát huy niềm say mê sáng tạo khoa học - kỹ thuật của học sinh, các trường học tại TP Hồ Chí Minh từng bước đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM. Đặc biệt, qua những “Ngày hội STEM”, học sinh được tiếp cận kiến thức thực tế, phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và nâng cao khả năng giải quyết vấn đề. Từ đó, khuyến khích và tạo điều kiện cho các em được tham gia dự án, thực nghiệm, rút ra những bài học, biết áp dụng vào cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.