Nghe thì rất lý thuyết nhưng làm được thực hiệu quả nội dung này không dễ.
Nâng cao trách nhiệm cán bộ quản lý với hoạt động giáo dục hướng nghiệp
Theo thầy Vũ Xuân Hiển, vai trò điều hành của cán bộ quản lý đóng vai trò quan trọng trong thành công của hoạt động giáo dục trong nhà trường nói chung, hoạt động giáo dục hướng nghiệp nói riêng.
Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu được hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp một cách đầy đủ và chuyên nghiệp của học sinh ngày càng cao; tuy nhiên giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, so với các hoạt động khác, chưa được quan tâm và đầu tư kỹ lưỡng.
Nếu cán bộ quản lý nhà trường có trách nhiệm cao với hoạt động giáo dục hướng nghiệp, hoạt động hướng nghiệp sẽ được quan tâm song song với các hoạt động giáo dục khác của nhà trường như dạy văn hoá, bồi dưỡng học sinh giỏi… và chất lượng của hoạt động này sẽ được nâng lên.
Nếu cán bộ quản lý không quan tâm, thì mọi cố gắng của các bộ phận khác đều không đạt được kết quả mong muốn. Bởi vậy, biện pháp này có ý nghĩa rất quan trọng.
Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, thầy Vũ Xuân Hiển cho rằng cần thực hiện đồng thời các công việc sau:
Tăng cường tinh thần trách nhiệm cho cán bộ cán bộ quản lý. Trước hết, cần làm cho cán bộ thấy được sự quan trọng của định hướng và tư vấn nghề đối với sự phát triển của xã hội nói chung, của cá nhân học sinh nói riêng. Từ đó cán bộ quản lý thấy được trách nhiệm quản lý của mình như thế nào đối với hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Cần xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân của cán bộ quản lý. Mỗi cán bộ quản lý phải được giao chức trách, nhiệm vụ cụ thể với những quyền hạn nhất định. Trên cơ sở đó tiến hành kiểm tra việc hoàn thành nhiệm vụ đó. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ cá nhân đối với cán bộ quản lý.
Ngoài việc chịu trách nhiệm về những sai phạm của bản thân còn phải chịu trách nhiệm về những hành động sai sót của cấp dưới. Điều này làm cho người quản lý phải thường xuyên đi sâu, đi sát, kiểm tra công việc của cấp dưới để kịp thời phát hiện những sai phạm và điều chỉnh.
Cán bộ quản lý phải được tập huấn về quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trường THPT một cách khoa học, chuyên nghiệp.
Hoạt động tập huấn phải được thực hiện một cách thiết thực, giúp cán bộ quản lý có các kỹ năng quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp một cách hiệu quả. Phải có sự giám sát kiểm tra việc áp dụng các kiến thức được tập huấn vào thực tế nhà trường.
Nâng cao tính trách nhiệm, tự chủ của giáo viên
Giáo viên là người tiếp xúc trực tiếp với học sinh và có ảnh hưởng lớn đối với học sinh. Việc lồng ghép hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua các môn học là một trong những con đường hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế là số giáo viên trong trường chú ý đưa giáo dục hướng nghiệp vào bài giảng, giờ học của mình còn ít.
Mặt khác, khi giáo viên coi giáo dục hướng nghiệp là trách nhiệm, thì mỗi người sẽ có một phương pháp giáo dục hướng nghiệp của riêng mình. Giáo dục hướng nghiệp cũng chưa có một quy định chi tiết nào cho việc lồng ghép kiến thức hướng nghiệp vào các giờ học bộ môn.
Đặc thù học sinh trường chuyên cũng cho thấy áp dụng dập khuôn giáo dục hướng nghiệp như bộ giáo dục hướng dẫn cũng chưa hợp lý.
Bởi vậy, việc nâng cao tính tự chủ cho giáo viên trong việc quyết định kế hoạch, nội dung, cách thức thực hiện giáo dục hướng nghiệp sao cho phù hợp với học sinh từng khối khác nhau là rất cần thiết.
Để thực hiện biện pháp cần hoàn thành các công việc sau:
Tăng cường nhấn mạnh về tinh thần trách nhiệm của giáo viên đối với hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các buổi họp hội đồng, sinh hoạt chuyên môn.
Cần làm cho giáo viên nhận thức được rằng việc giáo dục hướng nghiệp là trách nhiệm của toàn thể hội đồng giáo viên chứ không chỉ riêng của cán bộ quản lý, của giáo viên chủ nhiệm và của gia đình học sinh.
Giao cho giáo viên nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm của giáo viên với nhiệm vụ đó và kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ đó.
Khuyến khích, động viên giáo viên chủ động tìm hiểu về đối tượng học sinh mình đang dạy, tìm hiểu về các ngành nghề xã hội đang cần mà phù hợp với đối tượng học sinh của mình, tìm tòi các cách lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào bài giảng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả.
Giao cho giáo viên quyền lên kế hoạch, xây dựng nội dung và lựa chọn hình thức giáo dục hướng nghiệp cho học sinh một cách phù hợp dựa trên những chuẩn mực nhất định mà nhà trường đề ra.
Giúp phụ huynh, học sinh “thấm” tầm quan trọng của hướng nghiệp
Học sinh cần một hướng đi phù hợp với năng lực, với sở thích, với nhu cầu của thị trường lao động vốn phong phú và phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, nhiều học sinh dù đã lựa chọn được ngành nghề, nhưng nhiều em chưa biết gì nhiều về ngành nghề mà mình lựa chọn.
Mối quan tâm của các em và gia đình mới chỉ dừng ở mục đích thi đỗ vào một ngành của một trường đại học chứ chưa biết gì về công việc mình sẽ phải làm sau khi học xong ngành nghề đó.
Để học sinh, phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của hướng nghiệp, thầy Hiển cho rằng, cần tăng cường việc lập kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của việc tìm hiểu kỹ về ngành nghề trước khi lựa chọn.
Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, hấp dẫn, bổ ích và mang lại nhiều thông tin cho phụ huynh, học sinh; phải giải đáp được các thắc mắc của phụ huynh, học sinh.
Nhà trường cũng cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền thông qua các kênh thông tin khác nhau: Qua các tài liệu cho học sinh, phụ huynh nghiên cứu, qua các buổi họp, sinh hoạt lớp, qua các buổi thảo luận, qua tổ chức các buổi toạ đàm với cha mẹ học sinh.
Việc tập trung nâng cao chất lượng họp cha mẹ học sinh cũng vô cùng quan trọng" – Thầy Vũ Xuân Hiển cho hay.