Bà Trần Thị Quỳnh Lê, phụ trách chương trình Song ngữ - Hợp tác Quốc tế, Phenikaa School: Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính
Hiện việc tuyển dụng giáo viên người nước ngoài trải qua các thủ tục hành chính (visa, giấy phép lao động) phức tạp, thường xuyên thay đổi gây khó khăn cho các trường trong việc chuẩn bị hồ sơ. Giáo viên phải đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhưng các tiêu chuẩn này đôi khi chưa được đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế gây khó khăn cho các trường khi tuyển dụng giáo viên. Mức độ cạnh tranh, chi phí tuyển dụng giáo viên nước ngoài cao trong khi đó sự ổn định, khả năng gắn bó thấp. Ngoài ra còn những khó khăn trong rào cản ngôn ngữ, hội nhập văn hóa giữa giáo viên nước ngoài và Việt Nam.
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam. Khi xây dựng đề án này, tôi cho rằng, một trong những vấn đề Bộ GD&ĐT cần tập trung là cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, cần đơn giản hóa quy trình cấp visa, giấy phép lao động và các thủ tục pháp lý liên quan đến việc nhập cảnh, làm việc và cư trú tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn của giáo viên nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam cần đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế, chấp nhận các chứng chỉ như: TESOL (Teaching English to Speakers of Other Languages); TEFL (Teaching English as a Foreign Language).
Với Phenikaa School, để thu hút giáo viên người nước ngoài có chất lượng, nhà trường chú trọng xây dựng môi trường, không gian làm việc thân thiện, chuyên nghiệp; đội ngũ hỗ trợ hiệu quả (ví dụ: Nhân viên hành chính hỗ trợ giấy tờ, visa); cung cấp các chương trình định hướng đầu năm học rõ ràng và hội nhập văn hóa Việt Nam. Đảm bảo lương cạnh tranh so với các trường cùng phân khúc trong khu vực; cung cấp các phúc lợi như bảo hiểm sức khỏe, đi lại…
Ký hợp đồng dài hạn với chính sách thưởng hoặc tăng lương định kỳ dựa trên hiệu quả giảng dạy. Cung cấp chính sách hỗ trợ đối với giáo viên có gia đình, ví dụ hỗ trợ học phí cho con em khi học tại trường; đảm bảo điều kiện làm việc ổn định, giảm thiểu xung đột lịch làm việc. Đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên người nước ngoài được đào tạo và phát triển chuyên môn qua việc tổ chức các khóa đào tạo định kỳ, hội thảo giảng dạy hoặc tài trợ tham gia các chương trình đào tạo quốc tế; có lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng để giáo viên gắn bó lâu dài.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): “Cởi trói” cho cơ sở giáo dục đại học
Sự tham gia của giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại Việt Nam sẽ mang đến một không khí khác biệt cho các cơ sở giáo dục đại học nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.
Thực tế cho thấy, giáo dục Việt Nam trong giai đoạn gần đây có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều ngành, lĩnh vực, kết quả đạt chuẩn trình độ khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét trên phương diện tổng thể, các cơ sở giáo dục trong nước đang cần quốc tế hóa chính họ trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.
Các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài sẽ làm chuyển biến nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học để từ đó nâng tầm vị thế, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, đội ngũ này còn có vai trò hỗ trợ, dẫn dắt cho các cơ sở giáo dục đại học trong một số lĩnh vực mới, khó và thiếu hụt đội ngũ chuyên gia trong nước giúp các cơ sở giáo dục đại học rút ngắn khoảng cách, bắt kịp xu thế với thế giới.
Ngoài ra, các nhà khoa học đến làm việc tại Việt Nam còn kết nối mạng lưới đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, tạo ra cầu nối quan trọng giữa cơ sở giáo dục Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học, cộng đồng khoa học quốc tế được thường xuyên, bền vững, góp phần kiến tạo nền giáo dục Việt Nam chất lượng và có vị thế cao trong cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, tiếp nhận giảng viên người nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các chế độ về tài chính chưa thực sự hấp dẫn để thu hút giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, thủ tục xin giấy phép lao động để tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Do đó, số lượng giảng viên người nước ngoài làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam rất nhỏ so với giảng viên là công dân Việt Nam.
Trong Luật Viên chức không có quy định riêng biệt, đặc thù và không có cơ chế gỡ khó cho việc xin giấy phép lao động thì việc tiếp nhận người nước ngoài trong tương lai sẽ tiếp tục lặp lại kịch bản như trước đó, thậm chí khó khăn hơn. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng giảng viên nước ngoài của các cơ sở giáo dục đại học cùng với sự phát triển hiện nay rất lớn. Chính vì vậy, thời gian tới cần có những hướng dẫn, điều chỉnh các quy định theo hướng tạo ra sự đột phá trong thủ tục tiếp nhận giảng viên người nước ngoài, đặc biệt đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chất lượng cao.
Ngày 7/6/2024, Bộ GD&ĐT ban hành danh mục về ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học. Việc này thể hiện sự cập nhật đối với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới và thực tiễn đất nước. Phát triển các ngành thí điểm cũng có nhiều “điểm mở” tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội.
Quy định cán bộ phải có 3 - 5 năm kinh nghiệm giảng dạy trong cùng ngành với những ngành “mới” ở Việt Nam có thể tạo ra những rào cản, khó khăn nhất định trong việc đào tạo các ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội của cơ sở giáo dục đại học có nguyện vọng “tiên phong”. Đối với vấn đề này cần xem xét thực tiễn nhu cầu của đất nước để có những tháo gỡ phù hợp, như cập nhật bổ sung danh mục ngành mới vào danh mục các ngành đào tạo hiện hành, “mở” hơn về yêu cầu kinh nghiệm giảng dạy và yêu cầu đội ngũ giảng viên.
Với những ngành mới có thể yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học trong mở ngành cần có chiến lược phát triển đội ngũ hợp lý trên cơ sở đội ngũ hiện tại để vừa giám sát chất lượng, vừa đáp ứng yêu cầu cần mở các ngành mới đào tạo nhân lực cho đất nước.
Bộ GD&ĐT vừa được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, đề án này sẽ tạo ra được động lực mạnh mẽ, cú hích quan trọng trong tiến trình quốc tế hóa giáo dục đại học.
Đề án sẽ biến các chính sách, cách làm cụ thể, riêng biệt của từng cơ sở giáo dục đại học trước đây thành chiến lược, chương trình hành động và cơ sở pháp lý tổng thể kèm theo.
Với cơ sở giáo dục đại học, đề án sẽ “cởi trói” giúp từng đơn vị tiếp nhận nhiều chuyên gia, nhà khoa học có chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo mới, đòi hỏi phải có nhà khoa học tiên phong, xây dựng nhóm nghiên cứu quốc tế, góp phần đưa cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đạt chuẩn trên thế giới. Từ đó góp phần vào hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29.
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (UED) ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển hợp tác quốc tế, coi đây là trụ cột quan trọng trong chiến lược. Nếu đề án được triển khai sẽ mang đến nhiều làn gió mới khi quốc tế hóa giáo dục đại học của UED trên nhiều phương diện. UED cũng như các cơ sở giáo dục đại học khác được “cởi trói”, phá bỏ rào cản từ các cơ chế còn vướng mắc trước đây để thu hút mạnh mẽ các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài từ đó góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo các ngành thuộc bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của nhà trường, đặc biệt ngành đào tạo giáo viên, khoa học cơ bản tiệm cận và đạt chuẩn khu vực và trên thế giới.
Thông qua đề án này sẽ “khớp nối” giữa định hướng thu hút của nhà trường với Bộ GD&ĐT trong việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam, người nước ngoài đến làm việc. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu trở thành trường sư phạm trọng điểm quốc gia, đào tạo và nghiên cứu đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á và đóng góp trực tiếp chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học của Việt Nam, hiện thực hóa Nghị quyết 29 trong giáo dục đại học.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, (Đại học Quốc gia Hà Nội): Đưa quy định vào Luật Nhà giáo
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT”; trong đó có đề cập đến việc “tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước”.
Thực tế có một số lượng nhà giáo người nước ngoài đã và đang tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam, không chỉ trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập mà cả công lập. Tuy nhiên, chúng ta chưa có đầy đủ quy định pháp luật chuyên ngành để quản lý các nhóm này.
Đồng thời, chưa có sự bình đẳng trong việc thực hiện các chế độ giữa nhà giáo vì đội ngũ nhà giáo là người Việt Nam giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thì Luật Viên chức điều chỉnh, nhưng còn với nhà giáo người nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy thì do pháp luật về lao động điều chỉnh.
Chúng ta cũng chưa có các quy định cụ thể với hợp tác quốc tế về nhà giáo bao gồm việc nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật và nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu khoa học... Chúng ta cũng chưa có đủ quy định để phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự hoặc Giáo sư danh dự cho những nhà hoạt động uy tín quốc tế, nhà khoa học gốc Việt định cư ở nước ngoài hay người nước ngoài có đóng góp lớn cho nền khoa học giáo dục của Việt Nam.
Tôi cho rằng, cần có thêm những đại diện nhà giáo người nước ngoài. Và tôi cũng nhất trí cần quy định trong một văn bản thống nhất (cụ thể là Luật Nhà giáo) về chuẩn nhà giáo và các chức danh nhà giáo áp dụng chung cho cả nhà giáo của cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; áp dụng cho cả nhà giáo người Việt Nam và người nước ngoài.
Nhà nước cũng cần bổ sung một số quy định và văn bản liên quan đến Luật Giáo dục, đồng thời cập nhật các văn bản hướng dẫn dưới luật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ sở giáo dục đại học trong việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu là người nước ngoài. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học nên được thí điểm bổ nhiệm hoặc mời kiêm nhiệm nhân sự quản lý là người nước ngoài hoặc Việt kiều ở cấp khoa/viện, đồng thời áp dụng chính sách thu hút và giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia uy tín từ nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Người lao động nước ngoài làm việc tại cơ sở giáo dục trọng điểm như Đại học Quốc gia Hà Nội hay Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ không cần phải xin giấy phép lao động khi đã có xác nhận của nhà trường.