Được tổ chức bởi Câu lạc bộ các khoa - trường - viện CNTT - truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam), Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) và Trường ĐH CMC, hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, đặt ra vấn đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục thời điểm này là rất phù hợp; bởi đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi và phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn các lĩnh vực khác.
PGS.TS. Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam nhận định, nhu cầu ứng dụng AI trong giáo dục ĐH ngày càng gia tăng, đặc biệt sau sự bùng nổ của giáo dục trực tuyến trong đại dịch Covid-19.
Theo khảo sát của Digital Education Council trên phạm vi 16 quốc gia, hiện nay có khoảng 86% sinh viên các trường ĐH trên thế giới đã sử dụng AI trong học tập (trong đó phần lớn là sử dụng ChatGPT, Grammarly và CoPilot).
Tại Việt Nam, mặc dù AI chưa được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các trường ĐH, nhưng nhiều cơ sở giáo dục lớn đã bắt đầu tích hợp công nghệ này vào chương trình giảng dạy và quản lý. Chính phủ cũng đã có nhiều định hướng trong việc đẩy mạnh ứng dụng AI trong giáo dục thông qua việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.
Việt Nam cũng đã hình thành một số bộ môn, khoa, viện nghiên cứu đào tạo về AI tại các trường ĐH. Số lượng các khóa học liên quan đến AI tăng nhanh trong thời gian gần đây; với các trường ĐH lớn như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, và ĐH Bách khoa Hà Nội đóng vai trò tiên phong. Nghiên cứu cơ bản về AI trong cộng đồng đào tạo và nghiên cứu Việt Nam có tiến bộ rõ rệt.
Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS. Bùi Thu Lâm, việc ứng dụng AI trong đào tạo gặp một số băn khoăn về tác động, trong đó có vấn đề trách nhiệm, đạo đức học thuật và vấn đề an toàn. Tuy nhiên, các hướng dẫn ứng dụng AI an toàn trong các nhà trường vẫn chưa được đề cập thấu đáo.
Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn nhất đối với việc triển khai AI trong giáo dục ĐH tại Việt Nam là sự hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn lực tài chính; trong khi ứng dụng AI đòi hỏi một hạ tầng công nghệ mạnh và nhanh thay đổi. Việc thiếu hụt giảng viên và chuyên gia có chuyên môn cao về AI là một thách thức lớn. Đào tạo AI có sự phân hóa cao, trong khi chương trình đào tạo chưa cập nhật kịp thời…
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày tham luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của AI trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản trị ĐH; đặc biệt là đào tạo AI gắn với doanh nghiệp…
Đề cập đến ứng dụng AI hỗ trợ giải đáp cho giáo viên, sinh viên về công tác đào tạo, đại diện Trường ĐH CMC chia sẻ việc phát triển và triển khai trợ lý đào tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo, được thiết kế riêng cho mô hình ĐH số của nhà trường.
Trợ lý này sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) làm nền tảng để tự động hóa và nâng cao quy trình hỏi-đáp cho giảng viên, sinh viên và cán bộ nhân viên; được thiết kế nhằm giải quyết các thách thức trong hệ thống hỗ trợ truyền thống, hướng tới cải thiện chất lượng dịch vụ và trải nghiệm người dùng bằng cách xử lý tới 80–90% các câu hỏi thường xuyên.
Các tính năng bao gồm truy vấn thông tin dựa trên tài liệu, tích hợp phản hồi từ người dùng, lọc các câu hỏi không phù hợp và thiết lập hệ thống phân cấp quyền truy cập theo nhóm. Các cơ chế đảm bảo chất lượng, như sự tham gia của con người trong quy trình và tích hợp câu hỏi thường gặp đảm bảo các phản hồi đáng tin cậy và chính xác.
Mặc dù còn một số hạn chế về thời gian phản hồi do xử lý đa bước, hệ thống mang lại khả năng truy cập 24/7, giảm đáng kể khối lượng công việc thủ công.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra phiên toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH”.