Tận dụng lợi thế ở địa phương
Sáng 10/12, Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức chuyên đề thành phố môn Lịch sử và Địa lí, phân môn Lịch sử cấp THCS năm học 2024-2025 về Giáo dục di sản văn hóa địa phương trong học tập Lịch sử. Tới dự có đại diện Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội; lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD&ĐT Hoài Đức và đông đảo cán bộ, giáo viên các trường THCS trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Đăng Nghĩa - Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, mục tiêu của chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng dạy học phân môn Lịch sử, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đây là dịp để các nhà trường, thầy cô có dịp được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong triển khai môn Lịch sử và Địa lí.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa; trong đó có 21 di tích/cụm di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích cấp thành phố; 1 di sản văn hóa thế giới; 1 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Địa phương xã Vân Canh, huyện Hoài Đức có di tích Đình làng Hậu Ái, Lăng mộ cụ Đỗ Kính Tu, Nhà lưu niệm Bác Hồ...
Tại tiết dạy chuyên đề, thầy Phùng Chí Tân và các em học sinh lớp 7A1, Trường THCS Vân Canh cùng nhau tìm hiểu Tiết 33 – Bài 11: Nhà Lý xây dựng và phát triển đất nước (1009 – 1225), tình hình văn hóa và giáo dục. Mục tiêu nhằm giúp khơi gợi tính tò mò của học sinh, tạo tâm thế cho các em đi vào tìm hiểu bài mới.
Là một giáo viên trẻ, tâm huyết và yêu nghề, thầy Tân đã khai thác một cách khéo léo những lợi thế của công nghệ trong việc truyền đạt nhiều kiến thức liên quan đến nhiều bộ môn học như: Lịch sử và Địa lí, Ngữ văn học, Âm nhạc, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm. Cách vào đề với màn khởi động bằng âm nhạc để giúp học sinh ôn lại kiến thức cũ khá hiệu quả, tạo cảm hứng cho các em.
Có sự giao thoa giữa nhiều môn học
Nhà giáo Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh chia sẻ: "Ngay khi nhận được kế hoạch của Phòng GD&ĐT Hoài Đức cũng như các văn bản của Thành phố, nhà trường đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai kỹ lưỡng, bài bản trên cơ sở thực tế ở địa phương. Vân Canh là vùng đất "Tứ danh hương" với "The La, lụa Vạn, vải Canh" nổi danh một thời.
"Đây cũng là nơi phát tích dòng tranh dân gian Kim Hoàng trứ danh và vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Vân Canh còn lưu giữ được nghề truyền thống làm ông tiến sĩ giấy - lấy tích từ cụ Đỗ Kính Tu (đỗ Thái học sinh năm 23 tuổi dưới triều nhà Lý) để nói về truyền thống hiếu học, yêu nước thương dân. Ông được dân làng tôn làm thành hoàng làng và được thờ phụng tại Đình làng Hậu Ái", cô Dung thông tin.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu còn được trực tiếp lắng nghe sự hình thành phát triển của dòng tranh dân gian Kim Hoàng do nghệ nhân Đào Đình Chung chia sẻ; tìm hiểu về nghề làm ông tiến sĩ giấy và đồ chơi trung thu do nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đang gìn giữ qua nhiều thế hệ; xem múa rối nước; dâng hương và tìm hiểu về danh nhân Đỗ Kính Tu tại Đình làng Hậu Ái.
Bà Ngô Thị Hiền Thúy - Chuyên viên phụ trách môn Lịch sử, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao tiết dạy chuyên đề của thầy trò Trường THCS Vân Canh cũng công tác chỉ đạo chuyên môn của Phòng GD&ĐT Hoài Đức. Học sinh không chỉ được học trong sách mà còn được trực tiếp trải nghiệm về lịch sử, những nét đặc sắc văn hóa của quê hương mình để góp phần lan tỏa tới cộng đồng.
Theo nhận định của đông đảo đại biểu tham dự, tiết chuyên đề đã thành công tốt đẹp và đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 trong dạy học môn Lịch sử và Địa lí. Các em là những tuyên truyền viên giới thiệu tới công chúng về những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương cùng với tình yêu quê hương và niềm tự hào lớn lao. Đây sẽ là tư liệu quý giá để các trường bạn có thể học tập kinh nghiệm để triển khai ở đơn vị mình trong thời gian tới.