Những băn khoăn, lo lắng và áp lực dạy và học, kiểm tra Ngữ văn là câu chuyện giáo dục vẫn đang “nóng” trên tất cả diễn đàn giáo dục.
Tri thức ngôn ngữ và văn học
Nửa thế kỉ trước, môn Văn rất coi trọng các kỹ năng đọc văn, luyện nói và làm văn, lập dàn ý rồi viết bài văn. Nhiều người thế hệ 5X, 6X biết làm thơ, viết truyện và đọc hiểu văn bản, bình văn rất thuyết phục mà không làm nghệ thuật hay văn chương. Là môn công cụ cực kì quan trọng mở cánh cửa tri thức và giao tiếp, kiếm sống nhưng môn Ngữ văn chục năm nay số trò ngại học Ngữ văn vẫn tăng, số người nói và viết chưa đúng tiếng ta vẫn tăng, khác với điểm thi và điểm học bạ.
Môn Ngữ văn chương trình 2018 là một trong 2 môn học và thi bắt buộc của học sinh phổ thông, và chuyển trọng tâm dạy 4 kĩ năng đọc - nghe - nói - viết thay vì tập trung giảng bình tác phẩm văn học.
Quan niệm dạy và học Ngữ văn để thẩm bình và viết bài thi văn đã kết thúc khi học chương trình 2018. Xu hướng đề cao bài luận mẫu gần đây, (cả học sinh giỏi quốc gia) chính là dạy và học văn để thi sẽ không còn phù hợp khi đề thi không kiểm tra bài trong sách giáo khoa. Thầy cô chấm bài Ngữ văn có khi bỏ qua các lỗi để đạt chỉ tiêu bộ môn. Bài văn đạt giải thường trích nhiều ý kiến, ít kiến giải riêng và quẩn quanh số tác phẩm “vang bóng một thời” hay vấn đề xã hội quen thuộc.
Chúng ta biết rằng, sáng tác văn chương đều hư cấu ít nhiều, nhưng lâu nay chúng ta dạy Ngữ văn thường yêu cầu người học bàn luận, tán dương những hư cấu đó mà chưa chú trọng việc dạy cách sử dụng ngôn ngữ để ứng xử và giao tiếp trong cuộc sống?
Thuật ngữ môn Ngữ văn đến nay vẫn còn người chưa được hiểu đầy đủ. Không ít nhà quản lí, giáo viên và giáo viên Ngữ văn, người dân và học sinh vẫn xem nhẹ việc học ngữ (ngôn ngữ) mà chỉ nhằm học văn (văn học). Tư duy văn dài điểm cao (khi không còn phao thi) mấy năm nay đã phá vỡ quy chuẩn về tiếng Việt và thể thức văn bản, phá vỡ những yêu cầu cơ bản, bắt buộc của đọc hiểu và hành văn.
Tư duy dạy và học Ngữ văn đọc chép, học thuộc đã góp phần làm mất đi sự giàu có và trong sáng của tiếng ta. Tư duy học văn, viết văn để thi chỉ là một mục tiêu của môn học. Tư duy học Ngữ văn để thực hành hiệu quả tiếng Việt (nghe, đọc, nói, viết) mới là đúng yêu cầu và toàn diện.
Môn Ngữ văn 2018 đã thay đổi từ việc khám phá các thể loại văn bản, người thầy giúp học sinh nhận biết, đánh giá và sử dụng thành thạo tiếng Việt. Ngôn ngữ hàng ngày thô ráp được nghệ sĩ ngôn từ tạo thành ngôn ngữ nghệ thuật giàu hình ảnh, màu sắc, âm thanh, nhạc điệu và cá tính, nhiều từ mới và ngữ nghĩa mới…
Thầy cô Ngữ văn sẽ giúp học trò đọc hiểu và vận dụng được cách nhà văn dùng ngôn ngữ để biểu đạt hiệu quả tư tưởng, tình cảm về cuộc sống và con người theo thể thức văn bản (thể loại văn bản) trong bối cảnh và mục đích cụ thể. Tiếp nhận các giá trị văn học, các chức năng văn học (nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ và giải trí) từ nay, bằng việc chọn văn bản và theo thể loại, sẽ không còn bó cứng trong một số tác phẩm.
Tư duy học Ngữ văn để viết văn giỏi đang được số đông và không ít giáo viên Ngữ văn chấp nhận cần thay đổi khi học chương trình 2018. Là người dạy Ngữ văn, tôi thấy lo lắng khi nghe giáo viên Ngữ văn than: “với dạng đề thi 2025, làm sao học sinh viết sâu rộng được.”
Thực tế, trò năng khiếu, tự các em viết sâu và thuyết phục, còn các em khác chỉ cần hiểu đúng, diễn đạt dễ hiểu, ít mắc lỗi cơ bản là đạt yêu cầu. Thầy cô nếu giúp các em đọc hiểu và sử dụng tốt 4 kĩ năng đọc, nghe, nói, viết tiếng mẹ đẻ thì vấn đề nào cũng giải quyết được tùy theo năng lực mà đạt được nhiều hay ít yêu cầu bộ môn.
Về việc dạy và học môn Ngữ văn
Trước hết, thầy cô Ngữ văn cần tự học, tự bồi dưỡng để làm mới tư duy và tri thức, phương pháp và cách thức tổ chức giờ học.
Tôi đồng tình với nhiều nhà giáo và chuyên gia về việc cần phải thay đổi phương pháp dạy và học, cách tổ chức giờ học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Thầy cô nào tự soạn bài chắc chắn sẽ làm chủ kiến thức, kĩ năng và bài học, chắc chắn sẽ dễ dàng tổ chức bài học. Nhiều người cảm thấy bài học mới, nặng, khó và lúng túng, không biết dạy thế nào ngay cả với văn bản cũ là thực tế nhiều nơi. Có thể là thầy cô thiếu tự tin vào 4 kĩ năng, chưa tin vào năng lực của mình và thậm chí do chưa thật hiểu mục tiêu bài học.
Tất nhiên, cái gì chưa biết phải tra cứu, tìm kiếm mọi nguồn. Nhưng việc dạy và học Ngữ văn lệ thuộc vào tài liệu, bài mẫu để làm, để nói, để viết thì thật nguy hại, nhất là khi ứng dụng Chatbot AI thông dụng. Việc dạy và học Ngữ văn cần trang bị tri thức khoa học thường thức và tiếng Việt nền tảng cần có cho người học. Chương trình Ngữ văn 2018 chấp nhận mọi cách kiến giải và phản biện cho nên các nhà giáo và học sinh không nên lo sợ “nhỡ thiếu, nhỡ không đúng…”.
Chương trình Ngữ văn 2018 cũng chỉ rõ: Không đặt ra yêu cầu quá sức, không tạo áp lực cho người học, và giáo viên tùy theo đối tượng được quyết định mục tiêu bài học phù hợp… Thầy cô sao hãy sử dụng quyền tự chủ, tự quyết để giờ học nhẹ nhàng, dạy phần nào và dạy, hướng dẫn học sinh, kiểm tra thế nào tùy theo đối tượng quyết định.
Mặt khác, vẫn còn giáo viên Ngữ văn chưa coi trọng kỹ năng đọc, nghe, nói, viết và sử dụng tiếng Việt của mình và học trò. Một vài đồng nghiệp trẻ nói với tôi, chúng em không dạy được kỹ năng vì không có tài liệu và không soạn được bài. Tập trung vào luyện đề nên nhiều tri thức khoa học và đời sống cần thiết, liên môn hoặc riêng môn (từ vựng, ngữ pháp, viết câu, dựng đoạn…) đã không được thầy cô trang bị đầy đủ và đánh giá nghiêm túc.
Chương trình Ngữ văn 2018 với mục tiêu chính là 4 kĩ năng đọc, nghe, nói, viết. Cấu trúc đề thi Ngữ văn từ 2025 và bài luận (khoảng 600 chữ, đoạn văn 200 chữ) và đề thi đánh giá năng lực và tư duy sẽ kiểm tra kiến thức cơ bản cần có của mỗi thí sinh.
Phương pháp dạy học nào cũng cần trang bị cho người học những tri thức nền tảng và chỉ cho họ cách để nhận biết, khám phá và giải quyết vấn đề đặt ra. Người thầy tâm huyết sẽ hướng dẫn trò cách tự học, học hiểu và diễn đạt thuyết phục sự hiểu biết theo mục đích và thể thức văn bản.
Các nhà giáo nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, rõ ràng cần tự học nâng cao tri thức tiếng Việt nền tảng. Câu chuyện đúng sai về tiếng Việt “đều do thầy cô Ngữ văn” cần thay đổi. Trẻ học tiếng mẹ đẻ từ gia đình, cho nên bố mẹ và người lớn nói chung phải làm gương dùng chuẩn, nói, viết chuẩn tiếng Việt. Đến trường, các nhà giáo sẽ nâng cao khả năng sử dụng hiệu quả và tinh tế tiếng mẹ đẻ qua sách và tri thức liên môn.
Từ làng ra phố, bố mẹ giáo viên, cử nhân, thạc sĩ giỏi mà không thể giúp con đọc đúng, hiểu hoặc viết đúng tiếng Việt là do thầy cô Ngữ văn ư? Giáo viên Ngữ văn viết đúng yêu cầu, hàm súc, chặt chẽ, mạch lạc và thuyết phục một vấn đề luôn thuộc “hàng hiếm, khó tìm”.
Học sinh phổ thông “chém gió rất tài” nhưng nói, nghe, đọc, viết về vấn đề nào theo yêu cầu thì rất yếu kém. Phải chăng đó là những thách thức và trọng trách, vinh dự của thầy cô Ngữ văn để làm chuyển biến hệ tư duy về việc sử dụng hiệu quả tiếng Việt theo chương trình Ngữ văn 2018?
Giáo dục sẽ dần đến chất lượng thật xã hội chấp nhận được và những thế hệ người Việt được đào tạo toàn diện, chất lượng toàn diện sẽ gánh vác tốt sự nghiệp kiến tạo đất nước và con đường đến hạnh phúc của dân ta sẽ đến sớm hơn rất nhiều.