Hội thảo được tổ chức với mục đích, đánh giá thực trạng, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và công tác quản lý HSSV nội, ngoại trú, nhằm tìm ra các giải pháp, các mô hình quản lý hiệu quả về các công này trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Để làm tốt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, nhằm bảo đảm cho trên 23 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục được an toàn, yên tâm học tập, lao động và cống hiến góp phần ổn định tình hình xã hội và phát triển tương lai của đất nước là một nhiệm vụ quan trọng.
Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên ngoại trú để các nhà trường nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để hỗ trợ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho HSSV.
Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu chỗ ở cho HSSV. Do đó nhu cầu HSSV thuê trọ là rất lớn, dẫn đến rất khó khăn cho HSSV trong việc tìm kiếm nơi trọ, nhất là HSSV mới nhập trường.
HSSV ngoại trú có thời gian ngoài giờ học rất lớn, nên chịu ảnh hưởng, tác động nhiều của môi trường bên ngoài, ở nhà trọ, HSSV không bị quản lý về giờ giấc sinh hoạt, môi trường sống phức tạp, một số địa phương.
Vấn đề HSSV ngoại trú còn bị buông lỏng và còn một số trường coi công tác HSSV ngoại trú là trách nhiệm của địa phương, do đó công tác phối hợp giữa các trường và địa phương còn chưa thực sự tốt. Dẫn đến một bộ phận HSSV có biểu hiện xuống cấp của đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội...
Tại một số địa phương tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng xảy ra tình trạng khan hiếm nhà trọ, giá cả tăng cao, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội; nhiều khu nhà trọ cơ sở vật chất không đảm bảo điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt như diện tích ở chật hẹp, vệ sinh, điện, nước sinh hoạt không đảm bảo.
Phần lớn HSSV hiện nay thuê phòng tại các khu nhà trọ xen lẫn với các phòng trọ của những người làm ngành nghề khác nhau, thời gian sinh hoạt khác nhau. Vì vậy môi trường sống rất phức tạp, hiện tượng trộm cắp, trấn lột của các đối tượng bên ngoài với HSSV còn xảy ra. Các tệ nạn xã hội, lô đề, cờ bạc, sống thử, ma túy... còn tồn tại ở một số khu nhà trọ thiếu sự quản lý của chủ nhà trọ, cũng như chính quyền địa phương.
Trong thời gian qua, ở nhiều nhà trường công tác phối hợp giữa nhà trường, chính quyền địa phương và chủ nhà trọ, người trọ đã có nề nếp tốt như: Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa, Trường Đại học Lạc Hồng Đồng Nai…
Đã có nhiều mô hình quản lý hiệu quả trong công tác phối hợp giữa nhà trường với các cơ quan liên quan, chính quyền của địa phương. Đây là nội dung quan trọng trong công tác quản lý HSSV ngoại trú, là cơ sở vững chắc cho sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và địa phương trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn và tạo điều kiện để HSSV phấn đấu học tập, rèn luyện. Các mô hình như: “Sinh viên tự quản” của Đại học Vinh, “Nhà trọ văn minh” của Đại học Lạc Hồng… là những mô hình tốt, cần nhân rộng trên cả nước.
Tình hình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong HSSV đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn còn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông như: chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, vượt đèn đỏ.
Về tệ nạn mại dâm đã có sự chuyển đổi hình thức và biến tướng vô cùng tinh vi, phức tạp, đa dạng và khó giám sát quản lý. Đặc biệt, môi trường mạng là môi trường rất phức tạp diễn ra các hoạt động chào hàng, môi giới, mua bán dâm. Một số đối tượng mại dâm còn giả dạng học sinh, sinh viên...
Tình trạng cờ bạc, cá độ qua mạng tuy đã giảm, song vẫn tồn tại tiềm ẩn bùng phát trở lại khi các giải thi đấu thể thao, bóng đã quốc tế diễn ra; tội phạm công nghệ cao trong HSSV vẫn tồn tại, một số HSSV có tài nhưng không đủ bản lĩnh vuợt qua cám dỗ, đã sa vào tội lỗi...
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, tìm ra các giải pháp, các mô hình quản lý hiệu quả góp phần phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tại nhà trường, bảo đảm an ninh trật tự an toàn trường học.