Quy hoạch trường lớp hợp lý - chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non

GD&TĐ - Dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, giáo dục mầm non ở nhiều địa phương đã khẳng định hướng đi đúng khi quy hoạch hợp lý trường lớp, tạo nguồn lực đầu tư trọng điểm để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Trẻ bán trú tại điểm trường vùng cao Yên Bái (ảnh trong bài chụp thời điểm chưa giãn cách vì Covid-19)
Trẻ bán trú tại điểm trường vùng cao Yên Bái (ảnh trong bài chụp thời điểm chưa giãn cách vì Covid-19)

Tăng cường cơ sở vật chất

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là tiếp tục thực hiện công tác rà soát, sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở GD Mầm non đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 của Bộ GDĐT.  

Tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được học trong các cơ sở GDMN có điều kiện cơ sở vật chất tốt, thuận tiện cho cha mẹ đưa đón, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; tiếp tục huy động nhiều nguồn lực phát triển mạng lưới trường/lớp mầm non dân lập/tư thục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ.

Giờ chơi của trẻ mầm non điểm trường vùng cao Nà Hắc, Văn Yên, tỉnh Yên Bái
Giờ chơi của trẻ mầm non điểm trường vùng cao Nà Hắc, Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Như ở tỉnh Bình Dương, năm học vừa qua đã có 5 trường mầm non công lập và 18 trường mầm non ngoài công lập được đầu tư xây mới. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho GDMN là 671 tỷ 538 triệu đồng (tăng 19 tỷ 316 triệu so với năm học 2019-2020), trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách là 347 tỷ 717 triệu đồng, nguồn xã hội hóa là 323 tỷ 821 triệu đồng. Tỉnh miền núi Bắc Kạn cũng huy động xã hội hóa xây dựng các phòng học, bếp ăn, sân tường bao, hệ thống pin năng lượng mặt trời cho nhiều nhà trường.

Nhấn mạnh về những đổi thay tích cực này, PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho rằng: Các địa phương đã tiếp tục điều chỉnh, sắp xếp giảm dần số trẻ/lớp cho phù hợp với quy định tại Điều lệ trường mầm non, điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên. Hiện nay, bình quân 20,1 trẻ nhà trẻ/nhóm (giảm 0,7); 27,7 trẻ mẫu giáo/lớp (giảm 0,5). Dù tỷ lệ huy động trẻ em có tăng so với năm học trước nhưng vẫn còn có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng trong toàn quốc. Về huy động trẻ nhà trẻ có 39/63 tỉnh tăng.

Huy động trẻ em mẫu giáo có 38/63 tỉnh tăng. Một số tỉnh có tỷ lệ huy động thấp đã nâng dần tỷ lệ. So với mục tiêu về phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025: Về huy động trẻ nhà trẻ có 22/63 tỉnh/thành phố đạt mục tiêu. Về huy động trẻ mẫu giáo có 35/63 tỉnh/thành phố đạt mục tiêu. Việc phát triển GDMN ngoài công lập chủ yếu tập trung nhiều vào các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tập trung tại các thành phố lớn, địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Kinh nghiệm từ địa phương

Bài học sát nhập trường mầm non ở Yên Bái cho thấy nhiều ý nghĩa, việc quy hoạch, sát nhập đã giúp nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Là một tỉnh miền núi phức tạp về địa hình địa lý và dân cư, quan điểm chỉ đạo của Yên Bái là quy hoạch sắp xếp các trường mầm non phải phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bà Nguyễn Vy, Trường phòng GDMN, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, cho biết: Thực tế triển khai cho thấy việc sáp nhập đã đảm bảo, xóa điểm lẻ và sáp nhập điểm trường lẻ vào điểm trường chính đảm bảo khoảng cách và điều kiện giao thông đi lại. Nếu các điểm trường lẻ quá xa điểm trường chính thì có thể sáp nhập một số điểm lẻ với nhau để hình thành điểm trường chính, tạo điều kiện đầu tư lâu dài về cơ sở vật chất, đội ngũ. Đặc biệt, quy hoạch đã giúp tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển trường lớp ở những vùng khó khăn hiệu quả hơn.

Quy hoạch trường lớp hợp lý giúp trẻ được nuôi dạy tốt hơn
Quy hoạch trường lớp hợp lý giúp trẻ được nuôi dạy tốt hơn

Còn tại tỉnh Hòa Bình, để thực hiện hiệu quả việc Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDMN, ngành GD&ĐT đã rút ra được 3 bài học kinh nghiệm, đó là: Sự chỉ quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo và phối kết hợp trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được thể hiện thông qua hệ thống Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện. Cần xác định được ưu điểm, hạn chế, đánh giá tình hình cụ thể của đơn vị để đưa ra những giải pháp, biện pháp phù hợp.

Hòa Bình cũng cho rằng, trong hoạt động quy hoạch, sắp xếp bố trí các cơ sở GDMN, điều quan trọng và không thể thiếu đó là sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân, của phụ huynh, do đó công tác tuyên truyền luôn được quan tâm; nguồn lực từ công tác xã hội hóa luôn phải được khai thác và phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, nếu làm một cách đồng bộ các giải pháp, biện pháp thì mới phát huy hiệu quả và thực hiện thành công nhiệm vụ Phổ cập GDMN trẻ em 5 tuổi.

Năm học 2020-2021, toàn quốc có 15.480 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, 21.236 điểm trường lẻ. So với năm học trước tăng 19 trường, giảm 2.724 điểm trường lẻ. Toàn quốc có 3.299 trường mầm non dân lập/tư thục (tỉ lệ 21,3%, tăng 119 trường) và 16.013 cơ sở là các nhóm/lớp độc lập (tăng 99 cơ sở). Huy động 5.357.046 trẻ em mầm non đến cơ sở GDMN (tăng 50.725 trẻ so với năm học trước); tổng số lớp là 205.234 (tăng 4.972 nhóm/lớp so với năm học trước); tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 28,2% (tăng 0,2%), tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 92,4% (tăng 1,9%); tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,78% (tăng 0,18%). Tỷ lệ trẻ em ngoài công lập đạt 23,2% (tăng 1,1% so với năm học trước). –  thông tin từ Vụ GDMN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ