Đáp ứng yêu cầu trong nhân dân
Bậc học mầm non được Yên Bái xác định không chỉ là đáp ứng nhu cầu nuôi dạy con em của các gia đình mà là bảo đảm quyền được đi học, được đến trường của học sinh, đặc biệt là học sinh khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Các cơ sở nuôi dạy trẻ trên toàn tỉnh luôn xác định, nuôi dạy trẻ là trách nhiệm và nghĩa vụ. Ở những địa bàn khó khăn, nhiều cô giáo, cô nuôi đã không quản vất vả nỗ lực nuôi dạy các cháu tốt nhất.
Bà Tô Thị Ánh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Xác định nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân ở bậc học này. Giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Yên Bái đã ban hành các đề án, nghị quyết, kế hoạch, quyết định phát triển giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn. Đề án thực sự là động lực để các nhà giáo các nhà trường thêm yêu và gắn bó với nghề, giúp nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.
Đến nay, Đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về cơ bản sẽ đáp ứng yêu cầu để GDMN từng bước phát triển, các hệ thống mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp, điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được nâng lên.
Được biết toàn tỉnh Yên Bái hiện có 218 cơ sở GDMN, trong đó, có 177 trường mầm non độc lập (công lập 164 trường, ngoài công lập 13 trường); 12 trường phổ thông có nhóm, lớp mầm non; 29 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục được cấp phép hoạt động. Tổng số có 1.904 nhóm, lớp, với tổng số trẻ đến trường lớp là 56.929 trẻ (trẻ nhà trẻ 8.045; mẫu giáo 48.884).
Trong đó, công lập 1.753 nhóm, lớp với 53.768 trẻ; ngoài công lập 151 nhóm, lớp với 3.161 trẻ; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp nhà trẻ đạt 17%, mẫu giáo đạt 92,3%, trẻ 5 tuổi đạt 99,7%; riêng ở vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ huy động nhà trẻ thấp hơn 2,8%, trẻ mẫu giáo thấp hơn 1,8% so với tỷ lệ chung toàn tỉnh. Những nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học là điều có thể nhận thấy ở các cơ sở GDMN.
Đề cao vai trò của chất lượng
Nhà giáo Vũ Thị Hương Giang – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen, TP Yên Bái, chia sẻ: Để đáp ứng yêu cầu nuôi dạy trẻ ở địa phương, nhà trường đã chú trọng phát triển quy mô trường, lớp, đội ngũ giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Được các cấp chinh quyền và ngành GD tạo điều kiện thuận lợi.
Nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa; xây dựng môi trường giáo dục "an toàn, yêu thương, tôn trọng” gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, trong các cơ sở GDMN. Trong việc tuyển sinh hàng năm, trường chú trọng việc nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; củng cố, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1, phát triển GDMN dưới 5 tuổi.
Nhà giáo Tô Thị Ánh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2025, về quy mô, mạng lưới trường lớp phấn đấu huy động 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp; huy động 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; huy động tối đa trẻ 4, 5 tuổi ra lớp thực hiện mục tiêu phổ cập. Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, duy trì 100% nhóm, lớp mầm non học 2 buổi/ngày.
Yêu cầu về chất lượng cũng được đặt ra ngày càng cao hơn, với 95% trở lên trẻ đạt được kết quả mong đợi (lĩnh vực phát triển thể chất; phát triển ngôn ngữ; phát triển nhận thức; phát triển tình cảm - kỹ năng xã hội; phát triển thẩm mỹ) theo độ tuổi; 98% trở lên trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN. Phấn đấu tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 0,3%/năm; tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì được khống chế.
Có thể nói, chất lượng nuôi dạy đang là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra, vai trò của giáo viên đặc biệt quan trọng. Để hiện thực hóa điều này, Yên Bái phấn đấu có 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019; 100% giáo viên đạt chuẩn theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý đủ tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm; 90% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp từ khá trở lên. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng thực hiện chương trình GDMN phù hợp với địa phương.
Giai đoạn 2021-2025, Yên Bái đang nỗ lực từng bước tăng tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp hướng tới ngang bằng mức trung bình chung của cả nước và các tỉnh trong khu vực; cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và các điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện khó khăn.
Chúng tôi cũng cố gắng đạt tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 70% trở lên, không còn phòng học tạm, nhờ; đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho các nhóm, lớp. Về phổ cập GDMN, duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở 100% đơn vị cấp xã và 9/9 đơn vị cấp huyện. - Giám đốc Sở GD&ĐT Vương Văn Bằng.