Nhiều thách thức trong quy hoạch trường lớp ở ĐBSCL

GD&TĐ - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là tiến hành quy hoạch mạng lưới trường lớp, sáp nhập trường điểm lẻ, song song với đầu tư cơ sở vật chất điểm trung tâm. Tuy nhiên, một số địa phương ở ĐBSCL gặp nhiều thách thức trong việc triển khai…

Ở một số nơi, điểm lẻ trường học vẫn được duy trì để huy động HS ra lớp
Ở một số nơi, điểm lẻ trường học vẫn được duy trì để huy động HS ra lớp

Không thể xóa ngay các điểm lẻ

Chủ trương xóa trường điểm lẻ, tập trung học sinh về điểm trung tâm tạo điều kiện tốt, các em được hưởng lợi từ giáo dục nhiều hơn. Hệ thống trường chuẩn quốc gia được nâng lên đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới. Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ trường điểm lẻ hiện nay không phải địa phương nào cũng đạt được.

Những địa phương như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, trường điểm lẻ phân tán rộng khắp ở một số ấp, xã nên chưa thể thực hiện triệt để việc sáp nhập do địa bàn xa, đường đi lại khó khăn. Thách thức đặt ra là nếu xóa điểm lẻ thì nhiều em học sinh ở vùng sâu, vùng xa sẽ bỏ học!

Qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 634 điểm trường lẻ. Các điểm trường lẻ này xuất phát từ điều kiện đi lại và học tập của học sinh ở các vùng nông thôn còn quá nhiều khó khăn.

Theo chủ trương của Tỉnh uỷ Cà Mau, những nơi nào học sinh đủ điều kiện đi đến trường học trung tâm thì giảm ngay điểm trường lẻ. Đồng thời, chuyển những điểm trường này thành trường mầm non, bởi hiện nay số trường mầm non toàn tỉnh còn thiếu rất nhiều.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã phân công từng thành viên phụ trách các huyện, thành phố để theo dõi và chỉ đạo vấn đề này. Chỉ những nơi nào điều kiện đi lại thật sự khó khăn, cần phải duy trì điểm trường lẻ thì mới duy trì, nhưng phải được sự đồng ý của UBND tỉnh.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), trong tổng số 34 trường điểm lẻ thì hiện nay sáp nhập còn 22 điểm lẻ/13 trường. Tuân thủ theo lộ trình Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp theo giai đoạn, thực hiện từ năm 2011 - 2015 và từ năm 2016 - 2020, 22 điểm này không thể xóa vì nhà của phần đông học sinh gần trường điểm lẻ, phần vì sĩ số lớp học ở đây vẫn đảm bảo.

Đối với những điểm lẻ còn tồn tại, phương án sáp nhập không khả thi, ngành giáo dục địa phương có trách nhiệm tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh được xuyên suốt. Mặc dù nguồn lực tập trung về các điểm trường trung tâm, nhưng phụ thuộc tình hình thực tế mà mỗi nơi có cách làm phù hợp, nếu không thể sáp nhập sẽ tích cực củng cố, phát huy hệ thống trường điểm lẻ.

Tái cơ cấu trường lớp phải phù hợp

Theo ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, chủ trương xóa điểm lẻ, ghép trường được thực hiện từ năm 2016 và Cà Mau đã xóa hàng trăm điểm lẻ. Đây là chủ trương phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục và tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả từ vật chất đến đội ngũ giáo viên…

Thay đổi diện mạo trường điểm lẻ tạo nhiều động lực, tác động mạnh mẽ đến quá trình học tập, giảm sự chênh lệch giữa trường điểm lẻ và trường trung tâm. Tái cơ cấu trường điểm lẻ đem đến hiệu quả trong việc quy hoạch trường lớp, vẫn đáp ứng mục tiêu giáo dục, khắc phục được vướng mắc trong tiến trình dạy và học.

Theo ông Châu Minh Thoại - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), việc quy hoạch sáp nhập trường được xây dựng theo lộ trình 2011 - 2015 cơ bản hoàn chỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 cải tạo nâng chất lượng, còn một số điểm khó sáp nhập nên sẽ có kế hoạch xây kiên cố, phòng học.

Trường điểm lẻ cũng khá quan trọng để huy động trẻ đến trường, nên cần tập trung hoàn thiện hệ thống trường chuẩn quốc gia ở trung tâm, gắn liền với duy trì trường điểm lẻ ở xã vùng sâu vùng xa, nhằm từng bước nỗ lực thực hiện việc quy hoạch sáp nhập bền vững.

Đặt mục tiêu trường điểm lẻ phải hoàn thiện từ ý thức, thái độ học tập, thiết bị dạy và học đạt 70% như điểm trung tâm. Giáo viên trường điểm lẻ hay điểm trung tâm đều được hưởng chế độ đãi ngộ như nhau nhưng giáo viên trường điểm lẻ tại ấp, xã đặc biệt khó khăn đều được hưởng lợi từ chương trình 135 của Chính phủ...

Lễ bàn giao công trình trường học tại xã Hưng Hội (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu)

Lễ bàn giao công trình trường học tại xã Hưng Hội (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu)

Một cách làm được các địa phương thực hiện là khi điểm trường lẻ không hoạt động thì tiến hành bàn giao đất công, tài sản công cho chính quyền sở tại quản lý, có thể tu sửa lại làm trụ sở ấp, nhà văn hóa... Cơ sở vật chất của lớp học cũ như: bàn ghế, thiết bị đồ dùng dạy học… được chuyển về cho trường học khác tận dụng, tránh lãng phí, giảm chi phí mua sắm mới.

Hiện nay, vẫn còn trường hợp sáp nhập từ điểm trường lẻ này đến điểm trường lẻ khác, vẫn chưa thể gom hết học sinh về trung tâm do khoảng cách từ nhà đến trường vẫn khá xa, nhu cầu thực tế vẫn là trở ngại khiến học sinh còn theo học điểm lẻ. Đặc biệt, như tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường điểm lẻ được thành lập trong khuôn viên nhà chùa, đáp ứng nhu cầu học tập của con em dân tộc Khmer ở những ấp khó khăn.

Ông Lâm Hữu Tâm - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cho biết: “Tùy theo thực tế, trường điểm lẻ nào xuống cấp mà chưa sáp nhập sẽ xin ý kiến của cấp trên để có phương hướng xử lý kịp thời, không làm gián đoạn việc dạy và học. Đối với một số điểm đã sáp nhập sẽ bàn giao cơ sở cho chính quyền địa phương quản lý. Một số điểm trước đây bậc mầm non sử dụng nay chuyển về trung tâm sẽ chuyển đổi cho bậc tiểu học, hoặc bậc trung học cơ sở tái sử dụng...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.