Nỗ lực to lớn
Trong khó khăn mới nỗ lực tạo dựng, đây là chia sẻ của nhà giáo Trương Thị Mai Duyên – hiệu trưởng Trường MN Nghĩa Thịnh: Khó khăn nhiều lắm, do phụ huynh học sinh đi làm ăn ở xa, chưa có điều kiện quan tâm đến trẻ, sự phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ còn hạn chế. Kinh phí tu bổ sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư bổ sung trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác nuôi dướng chăm sóc giáo dục trẻ còn khó khăn. Nhưng bù lại đội ngũ GV lại hết sức cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tháng 5/2017 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và trường đạt tiêu chuẩn xanh, sach, đẹp, an toàn; đạt kiểm định cấp độ III năm 2014. Triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, nhà trường đã chỉ đạo GV xây dựng kế hoạch thực hiện và nghiêm túc áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ theo bộ tiêu chí một cách cụ thể phù hợp với nhận thức và đặc điểm trẻ của nhóm lớp.
Để hiện thực hóa điều này là nỗ lực rất lớn của tập thể giáo viên, nhà trường đã xây dựng kế hoạch GD thể hiện mục tiêu giáo dục, phạm vi và mức độ, nội dung giáo dục trẻ, các phương pháp, các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, trường lớp và phù hợp với nhu cầu nhận thức của từng độ tuổi. Kế hoạch giáo dục thể hiện được các mục tiêu, phản ánh được kết quả mong đợi đáp ứng với sự phát triển của trẻ theo giai đoạn, thời điểm phù hợp và theo Chương trình GDMN.
Cô Trịnh Thị Hiên, GV dạy lớp 5 tuổi chia sẻ: Từng GV đã ý thực việc lựa chọn và xây dựng các nội dung giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của lớp mình, đồng thời đã tích hợp các nội dung để giúp trẻ hình thành và phát triển các năng lực, kĩ năng sống. Các nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức đã chú ý đến việc khuyến khích trẻ tham gia hoạt động GD bằng vận động thân thể và các giác quan dưới nhiều hình thức khác nhau.
Nâng chất nuôi dạy
Ở trường MN Nghĩa Thịnh, việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo lịch về chất lượng GV, HS trong việc thực hiện phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc, GD theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được coi như yếu tố quan trọng quyết định chất lượng. Các nội dung được xây dựng theo nội dung luôn gắn với việc đổi mới phương pháp giáo dục, xây dựng các hình thức tổ chức hoạt động trong trường theo chương trình GDMN mới.
Cô hiệu trưởng Mai Duyên, cho biết: GV đã biết cách phối hợp các phương pháp hợp lý nhằm tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”. Phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng đã được quan tâm để khuyến khích trẻ sáng tạo, đã quan tâm đến trẻ khuyết tật học hòa nhập. Đã chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng độ tuổi và tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ.
Chuẩn bị đầy đủ phương tiện đồ dùng đồ chơi tổ chức các hoạt động, tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ khả năng của riêng mình, khuyến khích trẻ sáng tạo, tích cực tương tác giữa trẻ với trẻ. Đổi mới phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức các hoạt động theo chương trình giáo dục mầm non. Tích cực, sáng tạo trong việc lồng ghép vận dụng các phương pháp cho trẻ phù hợp với từng chủ đề. Tổ chức dạy điểm các hoạt động, tham quan học tập các mô hình lớp điểm về “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Lê, chia sẻ: "Trên lớp học, chúng tôi đã kết hợp việc tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi với các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho trẻ. Tổ chức cho các cháu được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, khám phá như: Tham quan Trường tiểu học, tham quan các trang trại chăn nuôi, cánh đồng lúa, tham quan Nghĩa trang liệt sỹ, Trạm y tế xã, Bảo Tháp Đại Bi và các di tích lịch sử trên địa bàn của địa phương…"
Cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ của GV, trường làm tốt công tác tuyên truyền phối hợp với phụ huynh trong công tác chăm sóc GD trẻ. Đặc biệt trong đó là việc khuyến khích phụ huynh tham gia vào các hoạt động GD trẻ, tạo sự thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội để đạt kết quả mong đợi cuối độ tuổi. Phối hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, GD trẻ có hoàn cảnh khó khăn; trẻ được hưởng chế độ chính sách, trẻ khuyết tật… Những điều này đã làm đổi thay chất lượng nuôi dạy trẻ ở một vùng quê nghèo như Nghĩa Thịnh.