Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp

GD&TĐ - Đây là một trong những nội dung mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị tỉnh Hòa Bình tập trung thực hiện trong buổi làm việc với tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng Khóa XI và phát triển sự nghiệp GD&ĐT chiều ngày 17/8

Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp
Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 1Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 2Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 3Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 4Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 5Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 6Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 7Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 8Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 9Chất lượng giáo dục phải tốt hơn sau khi quy hoạch trường lớp ảnh 10
Cùng đi trong đoàn công tác của Bộ có đại diện Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ chức năng Bộ GD&ĐT. Về phía tỉnh Hòa Bình có các ông: Bùi Văn Tỉnh – Bí thư tỉnh ủy, Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh, Bùi Trọng Đắc – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đông đảo lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh.

Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến rõ nét

Thực hiện Chỉ thị năm học của Bộ GD&ĐT, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh triển khai 5 giải pháp, tập trung nguồn lực thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm năm học: Thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại trường lớp học có hiệu quả; Chất lượng giáo dục có bước tiến bộ, giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến rõ nét. Giáo dục mũi nhọn có nhiều giải cao ở cuộc thi quốc gia chọn HSG các môn văn hóa.

Ở bậc học mầm non tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 71,4%, gần 100% trẻ được ăn tại trường, đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 71,9%. Triển khai thí điểm mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 97,13%;

Duy trì và nâng cao các thành quả PCGD, PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, là tỉnh được công nhận đạt chuẩn PCGDTHĐĐT và PCGDTHCS đạt mức độ 3. Đội ngũ nhà giáo được nâng cao chất lượng hàng năm; Không ngừng tăng cường CSVC đáp ứng nhu cầu dạy và học; Tổ chức tốt việc tổ chức dạy và học tiếng Anh…

Tuy nhiên, GD&ĐT tỉnh Hòa Bình còn có nhiều tồn tại, hạn chế, chính vì vậy, tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng có những chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những khó khăn đang là những rào cản để sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển.

Các đề xuất, kiến nghị tập trung vào đề nghị cho các trường của tỉnh được tuyển nhân viên kế toán, Bộ cần điều chỉ khung vị trí việc làm và định mức làm việc trong các cơ sở GDMN, định mức biên chế đối với giáo viên ngoại ngữ, tin học; Hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL, hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh xóa phòng học tạm, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học và hệ thống trường PTDTNT tỉnh, nâng cao năng lực trường THPT Chuyên…

Sắp xếp giáo viên hợp lý theo từng bậc học

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình đã đạt được. Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp một cách có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình.

Cụ thể, với nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới trường lớp học, Bộ trưởng cho biết: Bộ đang tập trung quy hoạch các trường sư phạm trọng điểm, Trường CĐ Sư phạm Hòa Bình thời gian tới nên quy hoạch theo hướng vệ tinh để đào tạo lại giáo viên tại địa phương. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, sau khi có chuẩn của Bộ, tỉnh nên quy hoạch lại theo hướng hiệu quả, chấp nhận loại hình trường phổ thông liên cấp nhưng riêng bậc học mầm non, trường phải độc lập; “Quy hoạch để giảm được đội ngũ quản lý, tập trung cơ sở vật chất cho giảng dạy, nhưng chất lượng giáo dục phải tốt hơn” – Bộ trưởng lưu ý.

Về đội ngũ giáo viên: Theo Bộ trưởng tại Hòa Bình có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đề nghị tỉnh sắp xếp giáo viên thừa hợp lý theo từng bậc học. Bộ sẽ tính toán nhu cầu giáo viên trong 10 năm tới để đưa ra chỉ tiêu đào tạo sát với thực tế; Với tinh thần là có sự chia sẻ kinh phí giữa trung ương, địa phương theo hướng giao nhiệm vụ, giao đầu bài. Đối với giáo viên ngoại ngữ: theo dự thảo chương trình phổ thông mới, tiếng Anh sẽ được đưa dạy vào từ lớp 3, vì vậy tỉnh cần cần tính toán để giải quyết vấn đề giáo viên, khi đưa CT-SGK mới vào giảng dạy. Đối với vị trí kế toán, y tế trong các nhà trường, tỉnh phải căn cứ vào thực tế để có hướng giải quyết hợp lý, có thể biên chế hoặc hợp đồng, có thể nhiều trường với nhau sử dụng một kế toán, nhân viên y tế có thể hợp đồng với trạm y tế.

Về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Bộ trưởng cho rằng: Với Hòa Bình, đẩy mạnh ứng dụng CNTT là rất tốt vì có nhiều vùng xa trung tâm. Nếu kết nối CNTT sẽ thuận lợi, giảm bớt về đội ngũ, bớt tốn kém. Ngoài ra còn thuận lợi cho công tác đào tạo từ xa, ứng dụng trường học kết nối trong đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên.

Với nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ, Bộ trưởng đề nghị tỉnh ưu tiên nhiệm vụ chuẩn hóa giáo viên ngoại ngữ về số lượng và chất lượng. Đồng thời đề nghị đội ngũ giáo viên của Hòa Bình tham gia viết các chương trình môn học, SGK bộ môn, theo quy định CT mới sẽ rất linh hoạt, có 20% chương trình của các địa phương, đây là cơ hội để cho các địa phương giới thiệu về bản sắc văn hóa, mảnh đất con người địa phương mình.

Về nhiệm vụ phân luồng: Bộ trưởng cho biết SGK mới sẽ phân luồng mạnh từ THCS, đưa nhiệm vụ hướng nghiệp vào từng môn học. Hòa Bình cần đẩy mạnh giáo dục tiếng dân tộc cho học sinh, nhất trí với đề nghị của tỉnh Hòa Bình về dạy tiếng Mường cho học sinh. Về nhiệm vụ hội nhập quốc tế: tỉnh cần đẩy mạnh hội nhập hơn nữa theo hướng trọng tâm trọng điểm, Bộ sẽ giao cho Hòa Bình một số chỉ tiêu học bổng phía CHLB Nga cấp hàng năm.

Về nhiệm vụ tự chủ: Bộ trưởng cho biết, năm tới sẽ đẩy mạnh tự chủ đại học để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đối với phổ thông, sẽ có nghị định tự chủ để các trường phổ thông được tăng tính tự chủ trong nhiệm vụ và tuyển dụng, sử dụng giáo viên và các vị trí việc làm.

Về tăng cường cơ sở vật chất, Hòa Bình cần tập trung kiên cố hóa trường, lớp học cấp tiểu học, lộ trình đổi mới SGK sẽ làm theo phương thức cuốn chiếu nên tỉnh cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho cấp tiểu học. Trong quá trình này, Bộ sẽ có hỗ trợ để cùng địa phương trước hết là lấp vùng trũng về cơ sở vật chất. Đối với Trường THPT Chuyên của tỉnh, tỉnh cần có đề án, Bộ có thể hỗ trợ về trang thiết bị dạy học.

Về nguồn nhân lực: tỉnh nên có những khu vệ tinh của các trường đại học lớn để tạo ra những khu vực kết nối với các trung tâm công nghệ lớn.

Bộ trưởng cũng gợi mở những giải pháp để tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh những giải pháp phù hợp với đặc thù của mình; Đặc biệt là tỉnh cần có cách riêng để đẩy mạnh giải pháp truyền thông trong năm học tới.

Cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm và tặng Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ một phòng máy tính để thầy và trò nhà trường có thêm điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.