Tự tìm hiểu kiến thức để đứng lớp!
Gặp Trương Minh Huyền - Sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Thủ đô - đúng dịp cô và các bạn đang trong đợt thực tập, cũng là khi xã hội đang nhức nhối vấn đề xâm hại tình dục trẻ em.
Huyền đã lóe lên ý tưởng dạy chính các em học sinh tại Trường THCS Giáp Bát, nơi cô thực tập, về cách phòng chống xâm hại tình dục và cách bảo vệ chính bản thân mình trước những nguy cơ xấu.
“Quãng thời gian này em đang đi thực tập về Công tác xã hội nhóm và Phát triển cộng đồng. Thời điểm khi các vụ án nhức nhối về xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện, em có trao đổi và chia sẻ với một người bác làm trong ngành công an để hỏi ý kiến và xin lời khuyên. Bác cũng ủng hộ, cho em lời khuyên và nói việc dạy trẻ như vậy là rất tốt, cần nhân rộng mô hình hơn nữa nếu em có khả năng.
Sau đó em có đề xuất hoạt động tại cơ sở phường nơi em thực tập và nhanh chóng được đồng ý. Em đã dạy phòng chống xâm hại cho gần 300 học sinh khối 6 tại Trường THCS Giáp Bát” – Huyền chia sẻ.
Nội dung bài dạy của Huyền tập trung vào những kiến thức thiết thực, vì theo quan điểm của Huyền, nếu dạy nhiều quá, phức tạp quá, trẻ khó nhớ và khó tiếp thu.
Huyền cố gắng bắt đầu bài dạy một cách nhẹ nhàng, khéo léo, không đề cập một cách phô trương hoặc quá nhạy cảm, tránh hết sức “vẽ đường cho hươu chạy“. Tùy từng lứa tuổi, nội dung bài dạy và các hoạt động của Huyền phải khác nhau sao cho phù hợp.
Với trẻ khi lên 3 tuổi Huyền nghĩ đã có thể dạy trẻ về việc cấm không cho ai động chạm vào vùng kín.
Đối với trẻ em cấp Tiểu học, cô gái trẻ nghĩ có thể dạy các em sâu hơn về các 5 báo động chống xâm hại: Nói, nhìn, chạm, ôm và báo động một mình.
Đối với học sinh lớp 6, 7 chẳng hạn, thì cũng vẫn những báo động ấy, nhưng có thể dạy sâu hơn vì nhận thức của các em lúc này đã tốt hơn rất nhiều.
Huyền chú trọng dạy học sinh cách phòng chống hơn là “chữa”, tức là bản thân phải tự biết cách bảo vệ mình. Như cô giáo trẻ dặn dò các em từng chút, ngày nào Huyền cũng sang sảng: Các em tuyệt đối không ở một mình, không mở cửa cho người lạ, không nhận quà từ người lạ khi không có sự đồng ý của bố mẹ, không đi chơi một mình, kể cả ở trường học, không đi vệ sinh một mình, …
Sôi nổi trong mỗi tiết học và hứng khởi trả lời mọi thắc mắc của các em học sinh, nhìn cô gái trẻ ấy làm việc dường như không biết mệt mỏi và mọi khó khăn đều có thể vượt qua,...
Lớp học miễn phí hoàn toàn!
Còn rất trẻ nhưng Huyền cũng thường xuyên tìm hiểu các thông tin trên mạng, các tài liệu tham khảo về tâm lý lứa tuổi nên Huyền dường như rất hiểu về các em nhỏ: Ở độ tuổi vị thành niên, các em cảm thấy mình đã lớn và những nhắc nhở của bố mẹ bị coi là thừa, hay thậm chí khi bị bố mẹ mắng, các em buồn chán, tức giận bỏ ra ngoài đi lang thang một mình. Khi đó, các em là những miếng mồi béo bở cho những kẻ xấu.
Tuy nhiên, cách phòng chống xâm hại tình dục không chỉ lỗi do sự ngây thơ của trẻ mà còn do sự quan tâm chưa đúng cách hay sự phối hợp chưa tốt từ phía cha mẹ. Huyền nhận thấy: Có nhiều em buồn bực với bố mẹ, bỏ ra ngoài một mình, bị người lạ dụ dỗ và bị cưỡng hiếp.
Điều này, người lớn cũng cần lưu ý, bởi vì việc nói ra với các em cũng không phải điều dễ dàng, một phần vì sự đe dọa của kẻ xâm hại, một phần vì trong cuộc sống hằng ngày, nhiều em cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp chia sẻ với chính bố mẹ, không dám nói với bố mẹ nên cũng rất khó khăn.
Cha mẹ hãy thực sự kiên nhẫn, đừng đòi hỏi hay hét lên rằng “ Tại sao con không nói?“, mà thay vào đó hãy đặt câu hỏi: “Điều gì khiến con không dám nói?“.
Cảm xúc của trẻ em là rất rõ ràng và chúng ta không nên xem nhẹ điều đó. Trẻ rất rõ ràng trong việc quý ai, không thích ai, thích hay không thích làm gì. Vì thế, hãy chỉ quan tâm về việc tạo cơ hội cho trẻ nói hay thì bắt trẻ phải nói.
Tuy nhiên, với thời gian thực tập ngắn ngủi, Huyền cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì và nhân rộng nhiều hơn nữa những lớp học như thế này.
Bởi, kỹ năng không thể học trong một, hai buổi học mà có được. Kỹ năng là cả quá trình rèn luyện. Vì thế một buổi học không thể hình thành thành thạo kỹ năng phòng chống cho các em mà còn phụ thuộc vào rất nhiều sự kết hợp khác.
Và đặc biệt là trẻ em, thì cần có sự phối hợp giữa gia đình hoặc người giám hộ trong việc bảo vệ trẻ. Giờ đây với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, một cú click chuột cũng cho ra được những thông tin cả tích cực và tiêu cực, mà đặc biệt, con người lại luôn tiếp thu những điều xấu nhanh hơn học hỏi những điều tốt. Vì thế, trẻ em lại càng cần được bảo vệ đặc biệt hơn nữa.
“Những gì em đứng lớp chia sẻ với các em, đó là kiến thức trong sách vở, là kỹ năng của bản thân, và là những cách mà bố em – một chiến sĩ công an - đã bảo vệ em.
Thời gian ngắn ngửi của đợt thực tập nhưng có lẽ là kỉ niệm đẹp đẽ nhất với Huyền và đặc biệt là hiệu quả mà lớp học mang lại.
Huyền thường quay lại những clip nhỏ trong mỗi buổi học để đưa lên facebook, sau đó nhiều phụ huynh “ngỏ ý” nhờ Huyền qua dạy cho chính con, em họ.
Cô gái trẻ không giấu được niềm vui sướng. Bởi, lớp học ấy là lớp học “Free”: học phí, tình yêu thương, sự quan tâm, và cả thời gian,…Tất cả đều được miễn phí hoàn toàn.
Lớp học đặc biệt với Huyền, có thể không cần có bàn giáo viên, học sinh chỉ ngồi trên ghế nhựa hay tụ tập thành một nhóm, không có bảng đen mà chỉ cần có cô trò và viên phấn viết lên nền đất. Nhưng tất cả đều vui sướng và hạnh phúc vì ý nghĩa của lớp học mang lại.
Là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Trường Đại học Thủ đô, Bí thư Chi đoàn Công tác xã hội, Huyền luôn nhiệt huyết muốn cống hiến sức trẻ của mình để góp phần giúp ích cho xã hội.
Cô mong muốn được truyền dạy kiến thức và kỹ năng sống cho nhiều em nhỏ hơn nữa, giúp các em hoàn thiện nhân cách không chỉ giỏi văn hóa mà còn phát huy được khả năng ứng xử giao tiếp trong cuộc sống.