Học hiểu bản chất
Nguyễn Mai Anh (cựu học sinh Trường THPT Phạm Văn Nghị, tỉnh Nam Định) - một trong 5 thí sinh đạt điểm 10 toàn quốc môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã có những chia sẻ về cách học, ôn tập môn Ngữ văn hiệu quả cho các sĩ tử lớp 12 để chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Nữ sinh này chia sẻ, với bất kỳ bài học nào, môn học nào, các em luôn chú trọng đến việc “học hiểu bản chất, bình tĩnh đọc đề”. Bản chất của môn Ngữ văn đơn giản là ý thơ, cốt truyện, là mạch cảm xúc của mỗi tác phẩm. Bản chất không khó để hiểu, trên lớp nghe thầy cô giảng là có thể hiểu được những chi tiết, mạch cảm xúc cơ bản của tác phẩm.
Dựa vào những định hướng đó, kết hợp với việc đọc thêm ngoài giờ học, gom nhặt những những nhận định trên mạng hoặc những câu từ hay trong những bài báo, mình có thể sáng tạo theo cách riêng của mình.
Cái sáng tạo nó không khó như các bạn học sinh hay nghĩ. Đơn giản một cụm từ lạ, một cách dùng từ mới mẻ, một sự vận dụng linh hoạt những nhận định, lý luận văn học vào bài làm đã là sáng tạo.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6. Ảnh: Đình Tuệ. |
Ví dụ, thay vì gọi là tác giả, nhà văn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, chúng ta có thể gọi ông là “người lập ngôn cho văn hoá Huế”, “nhà văn của những dòng sông”, “người tình tri kỷ và thuỷ chung với sông Hương”...
Với Mai Anh, một nguyên tắc khi vận dụng nhận định hoặc lý luận văn học là hiểu rồi viết. Dù ngôn từ có mỹ miều đến mấy, nhưng nếu không thể hiểu rõ ý tứ của một câu nhận định, em cũng nhất định loại ra khỏi trí nhớ của mình.
Chỉ khi nào ngẫm và hiểu được ý tứ của nó, em mới có động lực để nhớ, nhưng là nhớ từ khoá, từ hay, để vận dụng linh hoạt, thay vì chỉ “sao chép và dán” vào bài làm của mình. Đọc và hiểu được một câu nói hay, mình có thể áp dụng được vào phần Đọc hiểu, NLXH hay NLVH một cách vô cùng tự nhiên và thuyết phục người đọc.
Khi nhận được đề thi, đừng vội làm bài, các em hãy tuân thủ nguyên tắc: Đọc lướt đề để xác định, đọc hiểu gồm bao nhiêu câu, văn bản là thơ hay văn xuôi? NLXH bàn về vấn đề gì? Đã từng gặp dạng đề này hay chưa? NLVH yêu cầu viết về tác phẩm/nhân vật nào?
Phân chia thời gian làm bài hợp lý
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ. |
Tùy từng người có thể phân chia thời gian là 15-20 phút cho phần Đọc hiểu, 20-25 phút phần NLXH, còn lại là NLVH. Phải biết linh hoạt phân chia thời gian theo từng đề, nếu cảm thấy phần nào đó có chút lạ lẫm và không chắc chắn thì phải bình tĩnh giải quyết phần quen thuộc trong thời gian ít nhất.
Khi làm bài Đọc hiểu, thí sinh cần đọc lướt và gạch chân từ khoá ở câu hỏi. Sau đó đọc ít nhất 2 lần văn bản được trích và đọc kỹ câu hỏi và làm bài.
Ở 2 câu cuối của phần Đọc hiểu thường sẽ có dạng câu hỏi vận dụng dành cho học sinh. Các bạn có thể trả lời theo trình tự: Giải thích hoặc nêu nội dung khái quát của vấn đề được nhắc đến trong câu hỏi. Sau đó nêu suy nghĩ của bản thân về vấn đề đó rồi liên hệ về hành động của bản thân.
Với phần NLXH, thí sinh nhất định phải xác định rõ vấn đề nghị luận mà đề bài yêu cầu phân tích, mở đoạn đúng trọng tâm, “Đề hỏi gì thì trả lời đó, không hỏi thì không trả lời”, sử dụng những câu văn có hình ảnh và dẫn chứng mang tính thời đại sẽ giúp bài làm thêm ấn tượng hơn.
Mai Anh đã vận dụng thành công chiến lược học tập hiệu quả để đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. |
Ví dụ, thay vì viết: “Thái độ sống tích cực giúp chúng ta mỗi ngày trở nên tràn ngập niềm vui và hạnh phúc”. Mình sẽ viết: “Dùng lăng kính tích cực từ trong tâm tưởng rọi chiếu vào cuộc đời là chìa khóa vàng giúp con người phá vỡ những tảng băng cảm xúc, “xả” đi những nỗi buồn chôn dấu, tâm hồn sẽ được nuôi dưỡng bởi những niềm vui và hạnh phúc”.
Với phần NLVH, để đơn giản hoá thì thí sinh nên thống nhất trình tự phân tích mà mình thấy dễ hiểu, logic và dễ triển khai nhất. Sau đó, rèn luyện từng phần nhỏ để cải thiện lực viết, cách diễn đạt và lối tư duy nhanh theo hướng vừa làm, vừa nhớ, vừa nghĩ.
"Có thể viết trước về mở bài, tác giả, tác phẩm, đánh giá chung và kết bài. Viết rồi viết tiếp, viết để hiểu và nhớ, không phải viết 1 lần rồi ngày ngày học thuộc, rất mất thời gian mà không hiệu quả. Nhớ có hệ thống các luận điểm và phân tích cơ bản của các tác phẩm cũng sẽ giúp các bạn có điểm cộng trong mắt giám khảo", Mai Anh lưu ý.
Tựu chung lại, để học tốt và làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, các thí sinh phải đọc, đọc nhiều và viết nhiều. Đọc nhiều để mở mang về vốn từ ngữ, về bài học thực tế và sự trải nghiệm. Viết nhiều để biết lực bút của mình tới đâu, câu từ mình diễn đạt thế nào để có thể cải thiện và hoàn thiện mình hơn. Các em cũng cần lưu ý về chế độ sinh hoạt điều độ để đảm bảo sức khỏe cho kỳ thi quan trọng sắp tới.