Nắm chắc kiến thức cơ bản
Ngày 12/3, khoảng 100.000 học sinh khối 11 của TP Hà Nội đã hoàn thành kỳ khảo sát với hai môn Toán (thi trắc nghiệm trong 90 phút) và Ngữ văn (thi tự luận với 120 phút). Đây được coi là lần tập dượt đầu tiên của các em - lứa học sinh đầu tiên sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018.
Đề khảo sát môn Ngữ văn lớp 11 tại Hà Nội. |
Đề gồm 2 trang với kết cấu gồm phần đọc hiểu và phần viết. |
Thạc sĩ Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) nhận định, đề khảo sát Ngữ văn sử dụng ngữ liệu rất hay, vừa sức với học sinh nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa. Đề tuân thủ ma trận với kết cấu: 30% nhận biết; 30% thông hiểu, 20% vận dụng, 20% vận dụng cao. Những em học khá có thể giành từ 8 điểm trở lên.
Từ đợt khảo sát này, học sinh khối 11 cần nắm chắc những kiến thức cơ bản về thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, cấu tứ thơ, ngôi kể, nhân vật, các biện pháp tu từ, điểm nhìn trong tác phẩm tự sự, kiến thức về thể loại văn học.
Ngoài ra, cô Hằng Nga cũng lưu ý học sinh phải nắm vững kỹ năng cảm thụ văn học để viết tốt đoạn văn khoảng 200 chữ về một đoạn thơ hoặc đoạn văn bất kỳ mà đề thi yêu cầu. Các em cần hiểu chắc các loại đoạn văn diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp…
Đồng thời, học sinh phải biết tạo lập văn bản nghị luận xã hội với đầy đủ 3 phần: Mở bài - Thân bài - Kết bài. Các em hiểu rõ được hai kiểu bài: Nghị luận về tư tưởng đạo lý và Nghị luận về hiện tượng xã hội. Các em cần thường xuyên trau dồi kiến thức xã hội ngay từ bây giờ mới đạt điểm tốt vì bài Nghị luận xã hội chiếm 4 điểm.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường không sử dụng điểm bài khảo sát này trong đánh giá học sinh. Kết quả khảo sát là căn cứ để các trường có định hướng trong chỉ đạo, tổ chức dạy học, giúp học sinh có thêm kênh tiếp cận, làm quen dần với cấu trúc định dạng đề thi theo chương trình mới để sẵn sàng tâm thế và kỹ năng đáp ứng tốt với yêu cầu mới.
Làm quen với định dạng đề mới
Việc cho học sinh cọ xát với định dạng đề thi theo chương trình mới đóng vai trò quan trọng. |
Cũng theo cô Nguyễn Hằng Nga, trong quá trình giảng dạy cô đã cho học trò làm quen với định dạng cấu trúc đề theo chương trình mới. Trong đó, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi kiểm tra thường xuyên cũng được áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Mục tiêu nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, tránh tình trạng "học tủ, học vẹt".
Tại hội thảo về công tác đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có sự thay đổi trong cấu trúc đề với việc xuất hiện thêm hai dạng câu hỏi trắc nghiệm mới là trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn, thay vì chỉ có duy nhất một hình thức câu hỏi trắc nghiệm chọn một trong 4 đáp án như trước đây.
Mức điểm cho các câu trả lời cũng có sự khác nhau tùy theo độ khó, dễ thay vì chia đều cùng một mức điểm. Nội dung câu hỏi theo đúng định hướng của chương trình giáo dục phổ thông là kiểm tra đánh giá năng lực, khả năng vận dụng kiến thức vào giải bài toán thực tiễn của các em học sinh.
Trên cơ sở phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi đã được Bộ GD&ĐT ban hành, trong quá trình chỉ đạo chuyên môn, các Sở GD&ĐT cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; chủ động ra đề kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ; đẩy mạnh công tác truyền thông tại cơ sở để tạo sự đồng thuận từ giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, sự chủ động chuyển hướng trong kiểm tra, đánh giá thích ứng với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT mới của các địa phương là điều cần nhân rộng. Việc áp dụng các dạng thức câu hỏi mới trong các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ ngay trong các nhà trường giúp học sinh làm quen và tạo bước đệm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.